Nga đã sử dụng một tên lửa siêu vượt âm tấn công kho vũ khí của Ukraine ở miền tây nước này vào ngày 18/3/2022. Nghe có vẻ đáng sợ nhưng công nghệ mà người Nga sử dụng không phải là đặc biệt tiên tiến. Tuy nhiên, các tên lửa siêu vượt âm thế hệ tiếp theo mà Nga, Trung Quốc và Mỹ đang phát triển thực sự là mối đe dọa đáng kể đối với an ninh quốc gia và toàn cầu.
Tờ Asia Times cho rằng các hệ thống vũ khí mới này đặt ra một thách thức quan trọng do khả năng cơ động trong suốt quỹ đạo của chúng. Do đường bay của vũ khí siêu vượt âm có thể thay đổi khi chúng di chuyển, các loại tên lửa này cần phải được theo dõi trong suốt hành trình.
Thách thức lớn tiếp theo bắt nguồn từ thực tế là vũ khí siêu vượt âm hoạt động trong một vùng khí quyển khác với các mối đe dọa hiện có khác. Các vũ khí siêu vượt âm mới bay cao hơn nhiều so với tên lửa cận âm, nhưng lại thấp hơn nhiều so với tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Trong khi đó, Mỹ và các đồng minh lại không sở hữu phạm vi theo dõi tốt đối với khu vực nằm ở giữa; Nga và Trung Quốc cũng vậy.
Hiệu ứng hủy diệt
Nga đã tuyên bố rằng một số vũ khí siêu vượt âm của họ có thể mang đầu đạn hạt nhân. Chỉ riêng cảnh báo này đã là một nguyên nhân gây lo ngại, dù nó có đúng hay không. Nếu Nga thực sự vận hành hệ thống này chống lại kẻ thù, quốc gia đó sẽ phải xem xét xác xuất vũ khí đó sẽ là hạt nhân hay thông thường.
Trong trường hợp của Mỹ, nếu xác định vũ khí tấn công là hạt nhân thì khả năng rất cao Washingtton sẽ coi đây là đòn tấn công phủ đầu và đáp trả bằng cách trút vũ khí hạt nhân vào Nga.
Tốc độ siêu vượt âm của những vũ khí này làm tăng tính rủi ro của một tình huống như vậy vì thời gian cho bất kỳ giải pháp ngoại giao nào vào phút chót cũng sẽ giảm xuống nghiêm trọng.
Xem khoảnh khắc tên lửa siêu vượt âm Kinzhal của Nga đánh trúng một kho vũ khí của Ukraine vào 18/3/2022 (Nguồn: Bộ Quốc phòng Nga)
Tác động gây bất ổn định mà các tên lửa siêu vượt âm hiện đại gây ra có lẽ chính là rủi ro lớn nhất mà chúng gây ra, đó là nguy cơ kích hoạt chiến tranh hạt nhân.
Ian Boyd, Giáo sư Khoa học kỹ thuật hàng không, Đại học Colorado Boulder, cho rằng Mỹ và các đồng minh nên nhanh chóng trang bị vũ khí siêu vượt âm của riêng mình để đưa các quốc gia khác như Nga, Trung Quốc vào bàn đàm phán nhằm đi đến một cách tiếp cận ngoại giao để quản lý những vũ khí này.
Công nghệ siêu vượt âm
Vũ khí siêu vượt âm có thể bay với tốc độ gấp từ 5-10 lần tốc độ âm thanh (Mach 5-Mach 10). Máy bay phản lực chở khách di chuyển với tốc độ khoảng 950km/giờ, trong khi hệ thống vũ khí siêu vượt âm hoạt động ở vận tốc 5.600 km/h, tức khoảng 1,6 km/giây, và cao hơn.
Trên thực tế các hệ thống siêu vượt âm đã được sử dụng trong nhiều thập kỷ. Khi John Glenn quay trở lại Trái đất vào năm 1962 từ chuyến bay đầu tiên của phi hành đoàn Mỹ quanh Trái đất, khoang trở về của ông đã đi vào bầu khí quyển với tốc độ siêu vượt âm.
Tất cả các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) trong kho vũ khí hạt nhân của thế giới cũng đều có tốc độ siêu vượt âm, tối đa khoảng 24.000 km/h hay 6,4 km/giây.
Các ICBM đều là có thân tên lửa lớn, sau đó bay theo quỹ đạo có thể đoán trước đưa chúng ra khỏi bầu khí quyển vào vũ trụ, sau đó quay trở lại bầu khí quyển. Thế hệ tên lửa siêu vượt âm mới bay rất nhanh, nhưng không nhanh như ICBM. Chúng được phóng trên các tên lửa nhỏ hơn để bay ở trong vùng thượng lưu của khí quyển Trái đất. Tên lửa siêu vượt âm không nhanh như tên lửa đạn đạo xuyên lục địa nhưng có thể thay đổi quỹ đạo.
Ba loại tên lửa siêu vượt âm
Có ba loại vũ khí siêu vượt âm không phải là ICBM, gồm: tên lửa đạn đạo khí động (aero-ballistic missile), phương tiện lượn (glide vehicle) và tên lửa hành trình.
Một hệ thống tên lửa đạn đạo khí động siêu vượt âm được thả từ máy bay, tăng tốc lên tốc độ siêu vượt âm bằng cách sử dụng tên lửa và sau đó đi theo quỹ đạo của một đường đạn, nghĩa là không được cung cấp năng lượng.
Tên lửa Kinzhal mà lực lượng Nga sử dụng để tấn công tại Ukraine là một tên lửa đạn đạo khí động. Công nghệ này đã xuất hiện từ khoảng năm 1980.
Xem video tên lửa siêu vượt âm Kinzhal được phóng trong cuộc tập trận trên Biển Đen năm 2020 (Nguồn: RT)
Một phương tiện lướt siêu vượt âm được tên lửa đẩy lên độ cao nhất định, sau đó lướt tới mục tiêu của nó, có thể cơ động trên đường đi.
Những ví dụ về các phương tiện lướt siêu vượt âm bao gồm tên lửa Dongfeng-17 của Trung Quốc, Avangard của Nga và Hệ thống Tấn công Thúc đẩy Thông thường (CPS) của Hải quân Mỹ. Các quan chức Mỹ đã bày tỏ lo ngại rằng công nghệ lướt siêu vượt âm của Trung Quốc còn tiên tiến hơn hệ thống của Mỹ.
Tên lửa hành trình siêu vượt âm được tên lửa đẩy lên tốc độ siêu vượt âm, sau đó sử dụng động cơ “thở không khí” được gọi là scramjet để duy trì tốc độ đó. Vì chúng hút không khí vào động cơ, tên lửa hành trình siêu vượt âm cần đến tên lửa phóng nhỏ hơn so với phương tiện bay siêu vượt âm, đồng nghĩa sẽ tốn ít chi phí hơn và được phóng từ nhiều nơi hơn.
Tên lửa hành trình siêu vượt âm đang được Trung Quốc và Mỹ phát triển. Mỹ đã tiến hành chuyến bay thử nghiệm tên lửa siêu vượt âm scramjet vào tháng 3/2020.
Khó phòng thủ trước vũ khí siêu vượt âm
Lý do chính mà các quốc gia đang phát triển các loại vũ khí siêu vượt âm thế hệ tiếp theo này là do đối phương khó có khả năng phòng thủ trước những loại vũ khí này vì tốc độ, khả năng cơ động và đường bay của chúng.
Mỹ đang bắt đầu phát triển một cách tiếp cận theo lớp nhằm phòng thủ trước vũ khí siêu vượt âm, bao gồm một cụm cảm biến trong không gian và hợp tác chặt chẽ với các đồng minh quan trọng. Cách tiếp cận này có thể sẽ rất tốn kém và mất nhiều năm để thực hiện.
Tên lửa siêu vượt âm với đầu đạn thông thường, phi hạt nhân chủ yếu hữu ích trong chống lại các mục tiêu có giá trị cao, như tàu sân bay. Tuy nhiên, tên lửa siêu vượt âm có chi phí tốn kém, và do vậy không có khả năng được sản xuất với số lượng lớn.