Lí do Mỹ trì hoãn chương trình tên lửa siêu vượt âm chậm lại 1 năm

Không quân Mỹ đã quyết định đẩy lui tiến độ phát triển chương trình tên lửa siêu vượt âm của lực lượng này lại một năm sau khi xuất hiện "những bất thường trong chuyến bay thử nghiệm gần đây".

Chú thích ảnh
Hai binh sĩ Mỹ lắp đặt tên lửa thử nghiệm AGM-183 dưới cánh máy bay ném bom B-52H tại căn cứ không quân Edwards bang California tháng 8/2020. Ảnh: Không quân Mỹ

Dẫn thông báo của lực lượng ngày 7/4, kênh truyền hình CNN đưa tin vũ khí phản ứng nhanh phóng từ trên không (ARRW) AGM-183 được kỳ vọng đi vào hoạt động trước tháng 10 năm nay. Tuy nhiên, sau một loạt thất bại trong thử nghiệm vào năm ngoái, Không quân Mỹ đã phải hoãn cuộc thử nghiệm đầu tiên đối với tên lửa hoàn chỉnh và tên lửa đẩy vào năm tài chính tiếp theo.

“Quyết định sản xuất vũ khí ARRW vẫn dựa trên tiến độ thử nghiệm. Hiệu quả hoạt động phải được chứng minh thông qua các bài thử nghiệm bay thành công”, Không quân Mỹ tuyên bố.

Hiện Không quân Mỹ đang tiến hành thử nghiệm vũ khí ARRW và tên lửa hành trình tấn công siêu vượt âm. Trong khi đó, lực lượng này cũng phối hợp với Cơ quan Dự án Nghiên cứu Quốc phòng thử nghiệm tên lửa siêu vượt âm HAWC.

Đầu tuần này, dẫn lời một quan chức quốc phòng, CNN cho biết Mỹ đã thử nghiệm thành công một tên lửa siêu vượt âm HAWC vào giữa tháng 3 nhưng giữ bí mật để tránh leo thang căng thẳng với Nga khi Tổng thống Joe Biden chuẩn bị công du châu Âu. Cuộc thử nghiệm diễn ra vài ngày sau khi Nga tuyên bố nước này sử dụng tên lửa siêu vượt âm Kinzhal trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Thông tin trì hoãn chương trình tên lửa được đưa ra trong bối cảnh các nhà lập pháp Mỹ bày tỏ sự thất vọng khi thấy Mỹ tụt hậu so với các đối thủ như Trung Quốc và Nga trong việc phát triển vũ khí siêu vượt âm.

Tại phiên điều trần của Ủy ban Quân lực Hạ viện ngày 6/4, Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Mike Rogers ở bang Alabama cảnh báo Trung Quốc hiện có "nhiều binh sĩ hơn, nhiều tàu chiến hơn và nhiều tên lửa siêu vượt âm hơn Mỹ". Hạ nghị sĩ Cộng hòa Michael Turner cũng lên tiếng hối thúc cơ sở công nghiệp quốc phòng cần tăng tốc độ phát triển công nghệ siêu vượt âm.

Trong khi một số chương trình như tên lửa HAWC đã có những thử nghiệm thành công thì những chương trình khác như ARRW lại liên tục gặp sự cố trong quá trình thử nghiệm, gây ra sự chậm trễ trong tiến độ phát triển.

Về mặt công nghệ, tên lửa HAWC và ARRW tương đối giống nhau, song ưu tiên của Không quân Mỹ là tên lửa ARRW. Chương trình phát triển loại tên lửa này cũng nhận được ngân sách lớn hơn nhiều so với mục tiêu trước đó đã đặt ra.

Bảo Hà/Báo Tin tức
Lý do Australia đẩy mạnh mua tên lửa và phát triển vũ khí siêu vượt âm
Lý do Australia đẩy mạnh mua tên lửa và phát triển vũ khí siêu vượt âm

Australia vừa công bố các kế hoạch đẩy nhanh chương trình mua sắm tên lửa và phát triển vũ khí siêu vượt âm khi nhận định các nguy cơ ngày càng tăng từ Trung Quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN