Mục đích Mỹ tăng cường binh lực tới Nhật Bản

Việc tăng cường triển khai các tàu khu trục lớp Aegis ở Nhật Bản một phần là nhằm ngăn chặn các mối đe dọa từ tên lửa của quân đội Trung Quốc, mặt khác cũng nhằm nâng cao năng lực tấn công của quân đội Mỹ tại khu vực.


Tàu sân bay USS Ronald Reagan tại Yokosuka, Nhật Bản. Ảnh: AP

Ngày 1/10, quân đội Mỹ đã điều tàu sân bay năng lượng hạt nhân Ronald Regan thuộc biên chế Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ tới quân cảng Yokosuka thuộc tỉnh Kanagawa (Nhật Bản). Đây là chiếc tàu sân bay nguyên tử thứ hai của Mỹ chọn quân cảng Yokosuka làm bến đỗ. Theo nhật báo "Mainichi" (Nhật Bản), để chuẩn bị đối phó với các hoạt động của Trung Quốc và Triều Tiên, ngoài việc thay thế tàu sân bay, quân đội Mỹ cũng sẽ tăng số lượng các tàu khu trục lớp Aegis hiện đại tới căn cứ Yokosuka.

Hiện nay, Hải quân Mỹ có 10 tàu sân bay năng lượng hạt nhân lớp Nimitz. Tàu Ronald Regan được đưa vào biên chế trong Hạm đội Thái Bình Dương vào năm 2003, là chiếc tàu mới thứ hai trong số các tàu lớp Nimitz. Theo tính toán, việc neo đậu tàu chiến tại căn cứ Yokosuka sẽ giúp lực lượng Mỹ triển khai nhanh hơn vài tuần nếu có sự biến xảy ra tại khu vực. Do đó, căn cứ quân sự Yokosuka đóng vai trò rất quan trọng trong chiến lược quân sự của Mỹ tại khu vực.

Tàu Ronald Regan từng tham gia chiến dịch hỗ trợ các nạn nhân trong vụ động đất, sóng thần tại Nhật Bản hồi tháng 3/2011. Sức mạnh của Ronald Regan là trên 60 máy bay chiến đấu tấn công F18 cùng nhiều trang thiết bị quân sự được mang theo tàu. Lực lượng máy bay chiến đấu này có sức mạnh tấn công áp đảo các kẻ địch giả tưởng. Tuy nhiên, để bảo vệ các tàu sân bay vốn được coi là mục tiêu dễ tấn công, các tàu khu trục lớp Aegis được trang bị hệ thống chống tên lửa rất hiện đại, bao gồm hệ thống radar tính năng cao có thể phát hiện, đeo bám nhiều mục tiêu cũng như các tên lửa đánh chặn hiệu quả.

USS Ronald Reagan cập cảng Yokosuka.

Từ trước đến nay, Hải quân Mỹ bố trí 9 tàu khu trục lớp Aegis tại quân cảng Yokosuka. Tuy nhiên, vào tháng 6/2015, Hải quân Mỹ đã đưa đến đây tàu khu trục lớp Aegis hiện đại nhất của mình, đánh dấu lần đầu tiên tăng số tàu Aegis tại Yokosuka sau 23 năm. Dự kiến đến năm 2017, số tàu khu trục lớp Aegis của Mỹ tại Yokosuka sẽ tăng lên 12 chiếc.

Trả lời báo chí, một quan chức cấp cao của Hạm đội 7 đã nói đến mối đe dọa từ các tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Theo viên sỹ quan cao cấp này, việc tăng cường các tàu khu trục lớp Aegis là nhằm bảo vệ cho cả Nhật Bản lẫn Mỹ trước mối đe dọa của các tên lửa đạn đạo. Hiện tại, số tàu khu trục lớp Aegis được trang bị hệ thống Phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMD) tại cảng Yokosuka chỉ có 5 chiếc. Tuy nhiên, con số này sẽ tăng lên 8 chiếc vào năm 2017.

Về kế hoạch tăng cường binh lực, đặc biệt là số tàu chiến tới Nhật Bản, cựu Tự lệnh hạm đội Nhật Bản Koda Yoji cho rằng đây là sự chuyển động có thể quan sát được về chiến lược coi trọng châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ. Các bước chuyển này là nhằm ngăn chặn Trung Quốc, nước đang mở rộng sức mạnh và hoạt động quân sự rất nhanh chóng.

Trong nỗ lực chống trả, Trung Quốc đang tích cực phát triển các tên lửa đạn đạo nhằm xây dựng khả năng tấn công ở cự ly càng xa càng tốt đối với các mục tiêu quân sự, đặc biệt là các tàu sân bay hay căn cứ quân sự của Mỹ ở Nhật Bản... Việc tăng cường triển khai các tàu khu trục lớp Aegis ở Nhật Bản một phần là nhằm ngăn chặn các mối đe dọa từ tên lửa của quân đội Trung Quốc, mặt khác cũng nhằm nâng cao năng lực tấn công của quân đội Mỹ tại khu vực.

TTK
Mỹ chuyển 30.000 lính thủy đánh bộ sang châu Á-TBD
Mỹ chuyển 30.000 lính thủy đánh bộ sang châu Á-TBD

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã quyết định sẽ điều chuyển hàng chục nghìn binh lính sang khu vực được xác định là “tương lai” cho sự thịnh vượng kinh tế và an ninh quốc này của Mỹ trong thế kỷ 21.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN