Đây là nhận định chung của các nhà phân tích độc lập và các chuyên gia phân tích của Chính phủ Hàn Quốc trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Theo giới phân tích, Triều Tiên sẽ tiếp tục tăng cường khả năng hạt nhân trong năm 2018. Ảnh: Yonhap/TTXVN |
Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, Triều Tiên sẽ tiếp tục tăng cường năng lực hạt nhân và tên lửa trong năm 2018, mặc dù Bình Nhưỡng từng tuyên bố đã hoàn thiện "năng lực hạt nhân quốc gia" sau khi thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-15 mới hồi cuối tháng 11 vừa qua. Theo giới phân tích, Triều Tiên sẽ tiến hành ít nhất một vụ thử tên lửa nữa để làm chủ công nghệ đưa đầu đạn hạt nhân trở lại khí quyển cho chương trình ICBM.
Chuyên gia phân tích an ninh Shin Beom-chul giải thích: "Công nghệ đưa đầu đạn hạt nhân trở lại khí quyển là một vấn đề mà Triều Tiên phải giải quyết nhằm tăng cường sức ảnh hưởng trong các cuộc đàm phán và vì các mục đích quân sự, công nghệ". Triều Tiên còn được cho là đang chạy đua với thời gian để đảm bảo năng lực đầy đủ của ICBM, trước khi các lệnh trừng phạt mới của Liên hợp quốc bắt đầu siết chặt nền kinh tế vốn rất nghèo nàn của Bình Nhưỡng.
Giới phân tích cho rằng Triều Tiên sẽ tìm kiếm các cuộc đàm phán về cắt giảm vũ khí với hy vọng giành được sự nhượng bộ từ Washington, như việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt và giảm sự hiện diện quân sự của Mỹ quanh bán đảo này. Các chuyên gia dự đoán Bình Nhưỡng có thể sẽ đề nghị đóng băng hoặc từ bỏ chương trình ICBM, trong khi vẫn giữ được các năng lực hạt nhân còn lại.
Các nhà phân tích cảnh báo rằng trong vụ thử tên lửa tầm xa tiếp theo, Triều Tiên có thể phóng một tên lửa vào quỹ đạo ICBM đầy đủ và thậm chí có mang cả một đầu đạn hạt nhân để chứng tỏ sự làm chủ về công nghệ đưa đầu đạn hạt nhân trở lại bầu khí quyển. Theo đó, Triều Tiên muốn Washington nhận ra rằng họ là một quốc gia vũ khí hạt nhân. Nhà phân tích cao cấp Cheong Seong-chang nhận định: "Vụ thử hạt nhân lần thứ 7 của Triều Tiên có thể không diễn ra dưới lòng đất mà là ở khu vực Thái Bình Dương".
Hồi tháng 9, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố Triều Tiên sẽ "áp dụng biện pháp đối phó mạnh nhất trong lịch sử" sau khi Tổng thống Trump đe doạ "hủy diệt hoàn toàn Triều Tiên" nếu Bình Nhưỡng tiếp tục đe dọa Mỹ và và các đồng minh của nước này. Ngoại trưởng Triều Tiên, ông Ri Yong-ho sau đó cho biết ông Kim có thể đang xem xét một vụ thử bom hyđrô (bom H) ở Thái Bình Dương sau tuyên bố nói trên của Mỹ.
Trong mấy ngày qua, Bình Nhưỡng liên tục đưa ra lập luận bảo vệ quyền phát triển hạt nhân và quyền phát triển vũ trụ của mình sau khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) ngày 22/12 thông qua nghị quyết mới trừng phạt nước này. Nghị quyết trên là phản ứng của HĐBA trước vụ bắn thử tên lửa đạn đạo liên lục địa mới của Triều Tiên ngày 29/11.
Nghị quyết mới cấm gần 90% các sản phẩm dầu mỏ tinh chế xuất khẩu sang Triều Tiên bằng việc đặt ra một mức trần 500.000 thùng/năm, đồng thời yêu cầu cho hồi hương các lao động Triều Tiên ở nước ngoài trong vòng 12 tháng. Với nghị quyết mới này, tổng cộng HĐBA LHQ đã thông qua 4 nghị quyết trừng phạt Triều Tiên trong năm nay.