Trong 3 tháng xảy ra đại dịch, mặc dù đã có hàng trăm trường hợp đưa tin giả gây hoang mang dư luận, bị ngành chức năng phát hiện và có ngót nghét 200 người đã bị xử phạt, nhưng hầu hết lại chỉ bị xử phạt hành chính, cho dù tính chất và tác hại nặng nhẹ của mỗi tin giả hoàn toàn khác nhau.
Trên thực tế, loại trừ những người đưa tin giả lên mạng xã hội vì thiếu hiểu biết, ham like, thích nổi tiếng, thì các thành phần phản động cố tình tung tin giả với mục đích gây nhiễu loạn xã hội, mất niềm tin với chế độ, kích động bạo loạn, chống phá Nhà nước… cũng không phải là hiếm. Nhưng, dường như mức độ xử phạt đối với các hành vi này vẫn còn nương nhẹ, đánh đồng, dẫn đến không tạo được sự răn đe đúng mức.
Cần phải thừa nhận rằng, các quy định và việc xử lý với hành vi tung tin giả đã được chúng ta ngày càng siết chặt hơn, không phải chỉ trong đại dịch COVID-19 lần này. Luật An ninh mạng (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019) đã quy định nghiêm cấm các thông tin: “sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế- xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác”. Nghị định 174/2013/NĐ-CP cũng đã quy định các mức xử phạt hành chính đối với hành vi cung cấp thông tin sai sự thật. Nghị định 15/2020/NĐ-CP thay thế Nghị định 174/2013/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/4 tới cũng nâng mức xử phạt đối với hành vi tung tin sai lệch, giả mạo lên mạng xã hội lên đến 20 triệu đồng…
Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy, việc xử phạt ở ta vẫn còn “giơ cao đánh khẽ” hoặc một phần do chế tài xử phạt chưa đủ mức nghiêm minh. Điều này dẫn đến tình trạng tin giả vẫn mọc lên như “nấm sau mưa”, hoành hành liên tục và khá “hồn nhiên” nếu không muốn nói là ngang nhiên; dẫn đến vi phạm pháp luật trên không gian mạng vẫn diễn ra tràn lan, khó kiểm soát.
Rõ ràng, tin giả, tin sai sự thật trên mạng xã hội đã trở thành vấn đề mang tính toàn cầu, gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng; không chỉ riêng Việt Nam, mà cả thế giới đang phải đối diện, loại bỏ. Tuy nhiên, nhìn ra các nước để nhìn lại mình thì cũng dễ dàng nhận thấy rằng, hành lang pháp lý của ta đối với hành vi này còn khá “nhẹ tay”.
Tại một số quốc gia châu Âu như Đức, Pháp, Nga, luật chống tin tức giả trên mạng xã hội đã được thông qua, với mức phạt có thể lên đến nhiều năm tù. Hồi tháng 1, Tổng thống Hàn Quốc đã tuyên bố việc bịa đặt và phát tán thông tin sai lệch về dịch COVID-19 là “hành vi phạm tội nghiêm trọng”. Còn theo Luật Hình sự Trung Quốc, hành vi bịa đặt thông tin sai lệch về tình hình dịch bệnh sẽ bị kết án tù lên tới 3 năm, giam giữ hình sự hoặc giám sát công cộng. Nếu gây hậu quả nghiêm trọng, người vi phạm sẽ bị phạt tù từ 3 đến 7 năm. Ngay tại quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, cũng đã ban hành Luật An ninh mạng, trong đó có quy định xử phạt về hành vi lan truyền tin giả rất nghiêm khắc, thậm chí bị truy tố...
Như vậy, bên cạnh hành lang pháp lý hiện có, các quốc gia đều có quy định riêng về xử lý tin giả, trong đó có những chế tài xử phạt rất nặng, hình sự hóa. Đây chắc hẳn là kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật về xử lý tin giả của mình.
Ngay tại trong nước, ý kiến của nhiều luật sư, nhà quản lý và cả người dân cũng đều cho rằng, đã đến lúc phải đặt ra vấn đề hình sự hóa trong xử lý tin giả, tin sai sự thật; nhất là đối với các thành phần được xác định là cố tình tung tin với dụng ý xấu, chống phá và có tác hại nghiêm trọng, tính chất nguy hiểm đến xã hội. Đối với các hành vi lợi dụng mạng xã hội để tung tin đồn thất thiệt, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, gây hoang mang dư luận ở mức độ nặng thì hoàn toàn có thể bị xử lý theo Bộ luật Hình sự.
Người Việt Nam có câu “đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại”, với những người thực sự hối lỗi, vô tình tung tin giả, tin sai sự thật, không có mục đích xấu và không hiểu hết mức độ tác động của nó thì pháp luật xử lý đủ để răn đe là đúng. Nhưng, đối với những tổ chức, cá nhân cố tình tung tin giả gây nhiễu loạn, chống phá… hoặc vi phạm nhiều lần, thì pháp luật không thể cứ mãi đánh đồng, cứ mãi dung tha.
Muốn có một “xã hội trong sạch” trên mạng xã hội, thì trước hết phải dọn sạch “rác” ở đó. Mà muốn “sạch” thì không có cách nào khác là phải xử lý, dọn dẹp thật nghiêm. Pháp luật không thể đảm bảo lúc nào cũng công bằng với mọi đối tượng, trong mọi trường hợp, nhưng cũng vẫn phải đảm bảo mức tối đa có thể. Phải tùy theo tính chất, mức độ để xử lý vi phạm hành chính hay bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Và nếu gây thiệt hại thì dứt khoát phải bồi thường theo quy định của pháp luật!