Những "cú lừa" mang tên "trường quốc tế"
Những thông tin về nhân sự, quy trình đưa đón học sinh của Trường tiểu học Gateway khiến phụ huynh và xã hội đặt câu hỏi: Một ngôi trường có chữ “quốc tế” gấn vào tên, tại sao lại thiếu chuyên nghiệp đến như vậy?
Ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy khẳng định: Trong quy định loại hình trường không có quy định nào là “quốc tế”. Chữ “quốc tế” được một số trường ngoài công lập tự quảng cáo để thu hút học sinh. Hiện nay, trên địa bàn quận Cầu Giấy chỉ có trường có yếu tố nước ngoài, có đầu tư nước ngoài hoặc có người nước ngoài giảng dạy. Những trường này được Phòng GD&ĐT quận báo cáo về Phòng có yếu tố nước ngoài của Sở GD&ĐT Hà Nội quản lý.
"Trong quyết định thành lập, Trường liên cấp quốc tế Gateway có tên là Trường tiểu học Gateway. Chữ “quốc tế” là do trường gắn vào để thu hút học sinh", ông Phạm Ngọc Anh nói.
Thực tế, câu chuyện mác “quốc tế” nhưng chương trình học Việt Nam không còn xa lạ với nhiều phụ huynh Hà Nội.
Năm 2018, Trường song ngữ quốc tế Newton có mức học phí khủng khi hệ Du học tại chỗ - GWIS (Mỹ) cho học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 phải đóng từ 45 - 165 triệu đồng/năm. Bên cạnh các khoản phí này, học sinh còn phải đóng các khoản khác như: Tiền ăn, tiền xe đưa đón, quỹ hỗ trợ phát triển trường, đồng phục, sách tiếng Anh nước ngoài. Trường Newton có đầy đủ cấp học từ Tiểu học, THCS cho đến THPT. Mỗi cấp đều được giảng dạy theo hệ bán quốc tế và quốc tế.
Tuy nhiên, đại diện đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam khẳng định, không tìm thấy tên GWIS trong các danh sách các trường tại Mỹ. Thông tin: "Đại sứ quán Mỹ chứng thực tính hợp pháp của bằng tốt nghiệp THPT do GWIS cấp cho những học sinh theo chương trình GWIS tại trường Phổ thông Quốc tế Newton" mà Sở GD&ĐT Hà Nội đưa ra trước đó không chính xác.
Bộ GD&ĐT đã phải yêu cầu Sở GD&ĐT Hà Nội mà cụ thể là trường Newton dừng việc hợp tác không chính xác này.
Báo Tin tức cũng từng đưa sự việc trường mang thương hiệu SIS (Singapore Intenational School) thực ra chỉ là một trường dân lập có liên kết đào tạo với trường quốc tế Singapore ở một số môn học. Trên thực tế, học sinh vẫn học chương trình của Việt Nam. “Cú lừa” này khiến nhiều phụ huynh nhận "quả đắng" khi nghĩ con em mình đã được học trường quốc tế thật sự.
Bà Mai Thị Thu Thuỷ, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Quốc tế Việt Nam (Khu đô thị Đại Kim, Hà Nội) - trường đầu tiên được thí điểm mô hình quốc tế ở Hà Nội - khẳng định: Không có trường nào cấp bằng quốc tế tại Việt Nam. Chúng ta được phép giảng dạy khi có đầy đủ cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, có chương trình được phê duyệt. Khi là thành viên chính thức của tổ chức giáo dục được công nhận trên thế giới thì được giảng dạy chương trình, được phép tổ chức thi, được quyền rút đề thi. Khi thi xong điểm số được đăng trên mạng quốc tế chứ không phải trường cho thi và tự chấm điểm.
Bà Mai Thị Thu Thuỷ cho rằng: Khi tiếp xúc với các phụ huynh, học sinh đến trường tham quan, tôi nhận thấy họ đều hiểu biết về trường quốc tế, về định nghĩa thế nào là: A level, hệ A Cambridge. Sự lựa chọn các trường khác nhau khi lựa chọn chương trình song ngữ. Hiện nay cũng chưa có định nghĩa trường quốc tế. Tên trường chỉ là tên trường. Quan trọng là chương trình đào tạo. Tôi nghĩ, trước khi cho con vào môi trường học nào phụ huynh nên tra cứu thông tin trên mạng để hiểu thế nào là quốc tế.
Việt Nam chưa có định nghĩa đầy đủ về trường quốc tế
Trước vấn đề này, ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Tại Hà Nội, thống kê tới nay có 11 trường theo Nghị định 86 về điều kiện thành lập tên trường có chữ "quốc tế" và là trường có yếu tố nước ngoài. Trong thời gian tới, sau khi kết thúc rà soát, kiểm tra, Sở GD&ĐT sẽ công khai danh tính trường quốc tế, trường có có tên gọi quốc tế và yếu tố nước ngoài để người dân được biết; đồng thời, xử lý theo đúng quy định những trường vi phạm.
“Những trường mạo danh quốc tế, tức là trong quyết định thành lập không có chữ "quốc tế" mà chỉ đưa thêm chữ này vào để thu hút học sinh là sai, phải bỏ đi, tránh những hiểu lầm. Tôi thấy cần luật hoá những vấn đề này, kể cả chế tài xử phạt với những đơn vị như vậy. Tất nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là chúng ta chưa có định nghĩa đầy đủ vấn đề trường quốc tế và chế tài xử lý đi kèm” - ông Lê Ngọc Quang cho biết.
Trao đổi với phóng viên Tin tức về việc đặt tên trường và quy định về trường quốc tế, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ GD&ĐT Phạm Quang Hưng cho biết: Theo Khoản 1 Điều 48 Luật giáo dục 2005 quy định hệ thống Giáo dục quốc dân có 3 loại hình nhà trường gồm: Trường công lập, trường tư thục và dân lập (trong Luật giáo dục 2019, loại hình dân lập chỉ áp dụng cho cơ sở giáo dục mầm non). Như vậy, theo quy định hiện hành, pháp luật chỉ quy định 3 loại hình trường nêu trên.
Ông Phạm Quang Hưng chỉ ra: Việc đặt tên các trường đã được quy định rõ trong Điều lệ trường của các cấp học và NĐ 86/2018/NĐ-CP. Cụ thể, việc đặt tên trường được thực hiện theo quy định sau: Tên trường phải bao gồm các yếu tố cấu thành được sắp xếp theo trật tự: “Trường”, “Cấp học hoặc trình độ đào tạo” và “tên riêng” và không vi phạm thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Khi xem xét hồ sơ thành lập trường, tùy theo cấp học, UBND cấp có thẩm quyền (theo phân cấp quản lý tương ứng), căn cứ hồ sơ và đề nghị của cơ sở giáo dục để ra quyết định theo quy định.
"Nếu tên trường trong quyết định cho phép thành lập không có chữ "quốc tế" mà trường lại tự thêm vào là trường đã thực hiện sai quy định" - ông Phạm Quang Hưng khẳng định.
“Tuy nhiên, tên gọi của nhà trường chưa nói lên tất cả. Do đó, phụ huynh khi lựa chọn trường cho con em, cần xem xét đầy đủ các thông tin như chương trình giáo dục và ngôn ngữ giảng dạy, giáo viên, cơ sở vật chất, học sinh, vốn đầu tư, mô hình quản trị… về nhà trường thông qua nhiều kênh khác nhau như trang web của trường, của sở giáo dục. Theo quy định (Thông tư 36/2017/TT - BGDDT), các thông tin liên quan của nhà trường phải được công khai để người dân được biết. Nghị định 127/2018/NĐ - CP về trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục đã quy định việc phân cấp quản lý nhà nước trong giáo dục từ trung ương đến địa phương. Tùy từng trường hợp cụ thể, căn cứ vào từng cấp học hoặc trình độ đào tạo, căn cứ Quyết định cho phép thành lập, để xác định thẩm quyền kiểm tra, giám sát và trách nhiệm quản lý nhà nước của địa phương hoặc cơ quan quản lý cấp trên”, ông Phạm Quang Hưng nhấn mạnh.
Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Huy Bằng cho biết: Bộ GD&ĐT đã đề nghị Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức kiểm tra các trường mang danh quốc tế trên địa bàn Thành phố. Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động của các cơ sở giáo dục.
Như vậy, trước thực trạng bát nháo tên trường quốc tế cũng như kiểm định các vấn đề liên quan chương trình quốc tế liên kết tại các trường, rất cần sự công khai, minh bạch của các đơn vị quản lý trực tiếp để người dân hiểu được những cơ sở giáo dục nào là chất lượng quốc tế, cơ sở nào không phải chất lượng quốc tế. Đồng thời, phải xử phạt các vi phạm liên quan đến việc các cơ sở giáo dục đã dùng chiêu "quốc tế" để thu hút học sinh, gây hoang mang trong nhận thức của người học cũng như phụ huynh và toàn xã hội.