Học sinh lớp 1 trường tiểu học Gateway tử vong do nghi bị bỏ quên trên xe ô tô
Nạn nhân L.H.L (sinh năm 2013) là học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Gateway (Hà Nội) mới đi học buổi thứ 2. Cụ thể, khoảng 6 giờ ngày 6/8/2019, ông Doãn Quý Phiến, là nhân viên lái xe hợp đồng với Công ty TNHH vận tải Ngân Hà, đưa đón học sinh tại trường Tiểu học Gateway điều khiển ô tô xe nhãn hiệu Ford Transit, từ bãi xe của ký túc xá Học viện báo chí và Tuyên truyền (thuộc phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội) đến đón chị Nguyễn Bích Quy là nhân viên đưa đón học sinh của trường. Xe ô tô do ông Phiến điều khiển đón tổng số 13 học sinh, trong đó đón cháu L.H.L tại tòa nhà cháu sinh sống.
Đến khoảng 7 giờ 25 phút, xe chở học sinh đến cổng phụ của trường Gateway. Sau đó, chị Quy đóng cửa xe ô tô, ông Phiến điều khiển xe ô tô về bãi gửi xe của ký túc xá Học viện Báo chí và Tuyên truyền và gửi xe ô tô tại đó.
Đến 15 giờ 30 phút cùng ngày, ông Phiến lấy xe, lái đến cổng trưởng Tiểu học Gateway để đón các cháu học sinh. Khi chị Quy đưa các cháu học sinh ra cổng để lên xe ô tô thì không thấy cháu L. nên có nhờ các cô giáo đi tìm cháu, còn chị Quy đưa 12 cháu ra xe ô tô. Khi chị Quy mở cửa xe ô tô thì phát hiện cháu L. đang nằm ngửa dưới sàn phía sau ghế lái. Chị Quy hô hoán mọi người bế cháu L. vào trong phòng y tế của trường, sau đó đưa cháu đến bệnh viện E để cấp cứu. Bác sĩ bệnh viện E thông báo cháu L tử vong trước khi vào viện. Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Cầu Giấy đã trưng cầu Viện khoa học hình sự - Bộ Công an tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, điều tra làm rõ nguyên nhân cháu L.H.L tử vong. Sau đó, cơ quan cảnh sát điều tra Công an Quận Cầu Giấy đã bàn giao thi thể cháu L. cho gia đình đưa về quê tại Nga Sơn, Thanh Hoá để tổ chức mai táng.
Đến trưa ngày 7/8, quận Cầu Giấy họp báo thông tin kết quả ban đầu về nguyên nhân cái chết của cháu L.H.L. Trung tá Trần Văn Hóa, Phó trưởng Công an quận Cầu Giấy cho biết: Ngày 7/8, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) ra quyết định khởi tố vụ án Vô ý làm chết người theo điều 128 Bộ luật hình sự. Tại cuộc họp báo, trung tá Trần Văn Hóa từ chối công bố kết quả khám nghiệm tử thi và nguyên nhân tử vong của bé Long và khi nào có kết quả cuối cùng sẽ thông tin đến các cơ quan báo chí sau. Cơ quan CSĐT Công an quận Cầu Giấy đang làm việc với những người có liên quan, củng cố tài liệu, xác định hành vi vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.
Clip Trung tá Trần Văn Hóa, Phó trưởng Công an quận Cầu Giấy thông tin khởi tố Vụ án cố ý gây chết người tại trường tiểu học Gateway:
Ông Trần Văn Hoá khẳng định: Cháu bé đã tử vong trước khi vào bệnh viện. Còn ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy cho biết: Trong quy định loại hình trường không có quy định nào là “quốc tế”. Chữ "quốc tế" là do một số trường ngoài công lập tự quảng cáo để thu hút học sinh. Về quy trình đưa đón học sinh, phòng GD&ĐT có văn bản yêu cầu các trường đảm bảo an toàn cho học sinh. Cách thức đưa đón tuỳ theo đặc thù mà mỗi trường có biện pháp riêng. Riêng trường Tiểu học Gateway có phần mềm quản lý. Phần mềm này năm nay mới đưa vào, chưa có người vận hành. Về quy trình nhân sự tham gia đưa đón học sinh, có trường quy định là 2 giáo viên, có trường 1 giáo viên. Quy định là khi giao nhận trẻ phải có người và phải điểm danh. Có lẽ trường đã bỏ sót cháu bé trong quá trình mới vận hành phần mềm.
Vụ việc cháu bé tử vong gióng lên hồi chuông về công tác đưa đón trẻ, kỹ năng thoát nạn trong xe ô tô bị khóa và công tác quản lý các trường mang danh “quốc tế”.
Cô giáo đốt cồn dạy phòng chống cháy nổ làm 3 trẻ mầm non bỏng
Vào khoảng 15h40 ngày 9/8, tại lớp trẻ mầm non tư thục Tuổi thơ (xã Duy Minh, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) đã xảy ra vụ bỏng cồn, khiến 3 học sinh bị thương nặng phải nhập viện cấp cứu.
Thời điểm nói trên, lớp mầm non tư thục Tuổi thơ (do bà Nguyễn Thị Khoát, 29 tuổi, trú tại xã Duy Minh đăng ký làm chủ) tổ chức cho 25 trẻ đang theo học học về kỹ năng phòng chống cháy nổ.
Trong lúc học, các cô giáo đã dùng cồn đổ vào trong mâm làm giáo cụ rồi châm lửa để dạy trẻ. Đúng lúc đó gió lớn thổi từ cửa sổ tạt ngọn lửa cồn đang cháy trong mâm vào người 3 cháu nhỏ khiến các cháu bị bỏng. Ngay sau đó, 2 cô giáo đang trong lớp đã dùng khăn ướt sẵn có trùm lên người các cháu rồi đưa đi bệnh viện cấp cứu.
Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam thông tin: 3 cháu bé nhập viện vì bị bỏng ở xã Duy Minh là H.L. (5 tuổi), G.K. (4 tuổi) và A.T. (3 tuổi). Đến ngày 10/8, cả 3 cháu bé đang được điều trị tại Viện Bỏng quốc gia trong tình trạng nguy kịch.
Khởi tố "thầy tu" hành hạ bé trai 11 tuổi ở Bình Thuận
Ngày 9/8, Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an huyện Hàm Thuận Bắc (tỉnh Bình Thuận) đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Lương Việt Đức (27 tuổi, ngụ xã Hàm Chính, Hàm Thuận Bắc) để điều tra về tội cố ý gây thương tích. Bị can Lương Việt Đức được tại ngoại, bị cấm đi khỏi nơi cư trú trong quá trình điều tra.
Trước đó vào tháng 6/2019, bà Võ Thị Hương (48 tuổi, ngụ TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) đưa con mình là cháu T. V. Đ. K. (11 tuổi) vào cơ sở thờ tự của Lương Việt Đức để học khóa tu mùa hè. Đến cuối tháng 7, bà Hương phát hiện trên thân thể con trai hằn những vết roi bầm tím, nhiều vết lở loét sâu, rướm máu đã sắp thành sẹo nên có đơn trình báo cơ quan chức năng.
Theo lời khai ban đầu, Lương Việt Đức thừa nhận dùng ống nước bằng nhựa, chổi, cây,... đánh đập cháu K. nhiều lần. Theo kết quả giám định, cháu K. bị sẹo vết thương vùng lưng phải, 2 vết sẹo dưới cẳng tay trái, sẹo vết thương mu bàn tay phải,… Tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là 9%. Hiện nay cháu K. vẫn còn nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận do tức ngực, đau đầu và sang chấn nặng về tâm lý.
Đại diện Giáo hội Phật giáo tỉnh Bình Thuận cho biết, Lương Việt Đức mới học xong khóa tu sĩ, chưa phải là thành viên của Giáo hội Phật giáo, chưa có chức sắc gì, và chỉ là người tự tu hành. Cơ sở thờ tự của Lương Việt Đức chỉ là tự phát, lập tại gia đình, không phải chùa hay cơ sở tôn giáo.
Phú Quốc ngập lụt nặng, Tây Nguyên mưa lớn gây thiệt hại diện rộng
Mưa to kéo dài cộng với triều cường dâng cao trong ngày 9/8 khiến Phú Quốc có thêm 3 xã bị ngập lụt nặng là xã Dương Tơ, Cửa Dương và xã Cửa Cạn. Tổng số hộ bị ngập lụt khoảng 7.000 hộ, trong đó có khoảng 2.000 người cần phải đi sơ tán.
Theo UBND huyện Phú Quốc, nhiều năm qua chưa bao giờ Phú Quốc bị ngập sâu và nhiều ngày như hiện nay. Nguyên nhân là do mưa lớn kéo dài, trong khi hệ thống thoát nước trong nội ô của Phú Quốc được đầu tư xây dựng từ năm 2003 với quy mô nhỏ. Thêm vào đó, thời gian gần đây Phú Quốc phát triển nhanh khiến hệ thống thoát nước quá tải không đáp ứng được.
Ngoài ra, tốc độ đô thị hóa quá nhanh; đặc biệt là tình trạng người dân tự ý xây dựng lấn chiếm sông, suối… đã gây áp lực lớn lên hệ thống thoát nước, ảnh hưởng đến việc thoát nước ra biển, gây ngập lụt tại các khu dân cư sinh sống ven sông, ven suối, do thoát nước không kịp…
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, từ ngày 2/8, do ảnh hưởng gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên tại Tây Nguyên và Nam Bộ nói chung và tại khu vực đảo Phú Quốc (Kiên Giang) đã có mưa to.
Đặc biệt tại Phú Quốc, lượng mưa đo được đêm 1 ngày 2/8 là 168,4mm; đêm 4 ngày 5/8 là 264,5mm. Từ đêm 6/8, một vùng áp thấp trên dải hội tụ nhiệt đới, trên khu vực Đông Bắc Biển Đông mạnh lên thành áp thấp nhiết đới, gió mùa Tây Nam tiếp tục hoạt động mạnh thêm nên tại khu vực Phú Quốc tiếp tục mưa to. Lượng mưa đo được trong đêm 7 ngày 8/8 là 189,7mm; đêm 8 ngày 9/8 là 198,0mm. Các ngày khác mưa phổ biến 30-60mm. Thời gian mưa chủ yếu tập trung từ nửa đêm và sáng. Tổng lượng mưa đo được tại đảo từ ngày 2 đến 9/8 đạt gần 1.000 mm.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tính đến 23h ngày 9/8, đã có 10 người chết (Gia Lai: 1 người; Đắk Lăk: 1 người; Đắk Nông: 5 người; Kom Tum: 2 người; Lâm Đồng: 1 người) và 1 người mất tích tại Đồng Nai. Có 3.717 nhà bị ngập nước, 789 nhà phải di dời; 18.382ha lúa, hoa màu bị ngập; 703ha cây trồng lâu năm, 2.558ha cây trồng hàng năm, 1.083ha cây ăn quả bị thiệt hại; 299 con gia súc, 120.741 con gia cầm bị chết, cuốn trôi. Có10 tuyến đường giao thông bị sạt lở; 5 cống bị hư hỏng. Ước tổng thiệt hại 992,5 tỷ đồng.
Đáng chú ý, lúc 0 giờ ngày 9/8, hàng trăm người lưu thông trên Quốc lộ 20 từ Đà Lạt (Lâm Đồng) về TP Hồ Chí Minh và ngược lại bị kẹt trên đèo Bảo Lộc do sạt lở nghiêm trọng ở 6 vị trí. Tại một điểm sạt lở, một xe khách 45 chỗ và một ôtô 7 chỗ trong lúc di chuyển đã bị đất đá trên cao ập xuống, đẩy 2 xe xuống taluy âm. Thời điểm gặp nạn, trên xe khách có 22 hành khách, trong đó 4 người bị thương. Sạt lở khiến tuyến đường này tắc đường kéo dài.