Hà Nội cải cách thủ tục hành chính - Bài cuối: Trọng tâm chuyển đổi là con người và công nghệ

Trong 6 chủ đề của cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính được Hà Nội xác định là mũi đột phá. Hà Nội xác định con người và áp dụng công nghệ thông tin sẽ là vấn đề trọng tâm tạo sự chuyển đổi.

Giao trách nhiệm cụ thể tới từng cán bộ

Để tạo sự chuyển biến, thành phố Hà Nội đã giao trách nhiệm cụ thể cho Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND các quận; huyện, thị xã; đồng thời đặt ra những chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể đối với từng nội dung cải cách hành chính (CCHC).

Chú thích ảnh
Ký kết cam kết việc thực hiện cải cách hành chính các phòng, đơn vị và các phường trên địa bàn quận Cầu Giấy.

Ông Trần Việt Hà, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy nêu dẫn chứng cụ thể lĩnh vực phụ trách trật tự đô thị và cải cách hành chính. Với mảng phụ trách đô thị, nhờ ứng dụng công nghệ thông tin qua việc hình thành nhóm zalo về trật tự đô thị, Quận đã kịp thời xử lý những vụ vi phạm phát sinh. Chỉ cần có hình ảnh về tình trạng lấn chiếm vỉa hè, vệ sinh môi trường… trên nhóm này, ngay lập tức lãnh đạo phường chỉ đạo giải quyết vụ việc và đăng ảnh đã giải quyết. Còn với lĩnh vực cải cách hành chính, hệ thống mạng điện tử dùng chung 3 cấp sẽ hiển thị toàn bộ tình trạng xử lý văn bản của từng đơn vị. Khi thấy đơn vị chậm, lãnh đạo quận sẽ gọi điện trực tiếp đến từng đơn vị yêu cầu báo cáo công việc cụ thể, lý do vướng mắc để cùng bàn phương pháp tháo gỡ.

Đó cũng là lý do Hà Nội xác định nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành theo phương châm 5 rõ: “rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và hiệu quả” và “một việc, một đầu mối xuyên suốt”.

Theo ông Nguyễn Xuân Lưu, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân, việc xác định rõ người, rõ việc việc theo vị trí việc làm sẽ tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. Khi lãnh đạo đã phân việc thì từ cấp trưởng các đơn vị đến cán bộ trong lĩnh vực phụ trách phải hoàn thành việc được phân công.

Các cơ quan, đơn vị, UBND các cấp đã quán triệt tới cán bộ và yêu cầu ký cam kết thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính. “Trong đầu năm 2019, thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị quán triệt kỷ cương hành chính và phát động phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng" tới gần 4.000 người là cán bộ chủ chốt cấp cơ sở”, ông Nguyễn Đình Hoa, Phó Giám đốc phụ trách Sở Nội vụ cho biết.

Trong quá trình thực hiện, các cấp chính quyền của thành phố Hà Nội đã xử lý kịp thời, nghiêm khắc, có tính chất răn đe đối với hành vi vi phạm kỷ cương hành chính của một số cán bộ, công chức, viên chức; được dư luận đồng tình, tác động mạnh mẽ đến nhận thức, hành động và thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô.

Điển hình là Hà Nội đã xử lý kiên quyết, cho thôi việc vụ cán bộ tại phường Văn Miếu (Đống Đa) khi tiếp nhận thủ tục hành chính (hồ sơ khai tử) cho người dân vào 8/2017. Cũng từ vụ việc đó, thành phố Hà Nội yêu cầu tất cả các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã chấn chỉnh thực hiện cơ chế một cửa liên thông; trong đó những hành vi bị nghiêm cấm là cửa quyền, phiền hà, nhũng nhiễu, tiêu cực và tự đặt thêm quy định không có trong văn bản quy phạm pháp luật trong giải quyết thủ tục hành chính.

Đặc biệt, thành phố Hà Nội triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra công vụ, giám sát thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính từ cơ quan có thẩm quyền Trung ương và thành phố; từ phản ánh của người dân và truyền thông. Theo giám sát HĐND thành phố Hà Nội, các đơn vị, cá nhân có khuyết điểm, tùy theo tính chất, mức độ đều bị kiểm điểm, xử lý theo quy định. Trong năm 2018, thành phố đã xử lý kỷ luật đối với tổng số 277 công chức, viên chức có hành vi vi phạm chính sách, pháp luật, vi phạm quy tắc ứng xử.

Thực hiện chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, từ năm 2017 UBND Thành phố đã xác định năm công tác là “Năm kỷ cương hành chính”. Năm 2018 và tiếp tục năm 2019, Hà Nội tiếp tục chọn chủ đề công tác “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thông chính trị” cho thấy lãnh đạo Hà Nội quyết tâm và nhất quán trong cải cách hành chính.

Ghi nhận hiệu quả bước đầu

Hà Nội đang là địa phương dẫn đầu cả nước trong công tác tiếp nhận, giải quyết thủ tục đăng ký doanh nghiệp qua mạng với tỉ lệ 100%. Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội đánh giá: “Từ năm 2018 đến nay, điểm nổi bật của công tác cải cách hành chính tại Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội là thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp và đạt được những kết quả tích cực so với trước đây”.

Chú thích ảnh
Xác nhận gửi thông tin thành công từ Cổng dịch vụ công trực tuyến 3 cấp Hà Nội.

Việc thực hiện hỗ trợ đăng ký kinh doanh qua mạng đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Thủ đô phát triển. Cụ thể năm 2018, Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 25.187 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 392.870 tỷ đồng (tăng 3% về số lượng doanh nghiệp và tăng 84% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước). Riêng trong 6 tháng 2019, thành phố đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 13.630 doanh nghiệp thành lập mới tăng 9 % về số lượng doanh nghiệp so với cùng kỳ năm trước.

Thành phố Hà Nội đã xây dựng, ban hành Bộ quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội. Là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành bộ quy tắc này, lãnh đạo Hà Nội thể hiện sự quyết tâm của hệ thống chính trị trong việc nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần và chất lượng phục vụ nhân dân nhằm tạo nên một nền hành chính hiệu quả, vì dân.

Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu thư thành phố Hà Nội khẳng định tiếp tục đồng hành cùng các cơ quan, doanh nghiệp trong công tác thực hiện đăng ký doanh nghiệp với 2 thông điệp chính: Giữ vững tỉ lệ hồ sơ doanh nghiệp trực tuyến và là một cơ quan đăng ký kinh doanh thân thiện. Sở Kế hoạch và Đầu tư đang ưu tiên giảm thời gian giải quyết đối với những thủ tục đơn giản như thủ tục đăng ký mẫu dấu (giải quyết hồ sơ trong vòng 1 ngày làm việc/quy định pháp luật là 3 ngày làm việc); chấm dứt hoạt động của địa điểm kinh doanh (giải quyết hồ sơ trong vòng 3 ngày/quy định pháp luật là 5 ngày); thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của doanh nghiệp (giải quyết hồ sơ trong vòng 2 ngày/quy định pháp luật là 3 ngày); tăng tỷ lệ trực tuyến mức độ 4...

Ở góc độ chính quyền cấp quận huyện, các địa phương đang tiến tới phấn đấu 100% văn bản giao dịch giữa các cơ quan hành chính dưới dạng điện tử (trừ văn bản mật). Đơn cử như ở cấp quận, theo bà Phan Thị Thu Hà, Chánh Văn phòng UBND quận Cầu Giấy, bình quân mỗi năm UBND quận quận xử lý 9.000 văn bản đến và 10.000 văn bản đi, cấp phường trên địa bàn là 35.000 văn bản. Trước đây, khi chưa ứng dụng công nghệ thông tin, giải quyết văn bản mất 2-3 ngày, những văn bản phối hợp liên lĩnh vưc thì phải in nhiều công văn chuyển đến từng bộ phận chuyên môn nên mất nhiều thời gian, chi phí in ấn. Tuy nhiên, khi ứng dụng công nghệ, toàn bộ văn bản xử lý chuyển trong ngày. Nhờ áp dụng công nghệ thông tin, nên trong thời gian qua, quận Cầu Giấy luôn ở top 4 quận huyện về cải cách hành chính.

Việc cải cách thủ tục hành chính đang được Hà Nội thực hiện một cách có hệ thống, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung khi đánh giá về cải cách hành chính Hà Nội đã nhận xét: Trong 3 năm vừa qua, đã đơn giản hóa 304 thủ tục. Trong 6 tháng đầu năm 2019 đã ban hành 8 Quyết định công bố TTHC, bãi bỏ 298 TTHC. Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước, áp dụng cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong cung ứng dịch vụ sự nghiệp công, dịch vụ công ích. Hà Nội đã chuyển 125 đơn vị sang tự chủ chi thường xuyên, giảm 13.665 biên chế hưởng lương ngân sách. Hà Nội đã ban hành kế hoạch đến 2021 nâng mức tự chủ chi thường xuyên 296 đơn vị, vượt chỉ tiêu 257 đơn vị theo Nghị quyết số 19; phê duyệt danh mục 5 đơn vị sự nghiệp công lập chuyển thành công ty cổ phần. Cùng với cải cách hành chính là tinh giản biên chế được 17 đợt với 847 người, với tổng số kinh phí là hơn 83 tỷ đồng; Năm 2019 tiếp tục phê duyệt tinh giản biên chế đối với 109 cán bộ công chức.

“Nhờ đó, chỉ số PAPI năm 2018 xếp thứ 54, tăng 2 bậc so với năm trước. Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) giữ vững vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành. Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của chính quyền (SIPAS) tăng 16 bậc. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 nằm trong top 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất, tăng 4 bậc so với năm 2017, tăng 42 bậc so với năm 2012”, ông Nguyễn Đình Hoa, Phó Giám đốc phụ trách Sở Nội vụ cho biết.

Khắc phục những bất cập

Tuy chỉ số cải cách hành chính - PAR INDEX của Thành phố đứng ở vị trí thứ 2 trong 2 năm liên tiếp nhưng còn một số chỉ số thành phần vẫn còn xếp ở nhóm có thứ hạng thấp cần nỗ lực cải thiện. Đặc biệt, trong đợt giám sát HĐND chuyên đề cải cách hành chính năm 2019 cũng đã chỉ rõ những bất cập còn tồn tại trong cải cách hành chính như: Cơ chế phối hợp trong giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một của liên thông ở một số lĩnh vực cụ thể còn hạn chế, chưa phát huy hiệu quả, còn tình trạng chậm, muộn trong giải quyết hồ sơ liên thông. Việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại một số cơ quan đơn vị còn chưa đảm bảo quy trình, thời gian, còn hiện tượng phát sinh thêm các giấy tờ ngoài quy định; việc hướng dẫn thực hiện các quy định, thủ tục hành chính chưa đúng dẫn đến bức xúc cho người dân, doanh nghiệp còn xảy ra ở một số địa phương, đơn vị.

Chú thích ảnh
Giám sát cải cách hành chính của HĐND Hà Nội. Ảnh: QT

“Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành, giải quỵết TTHC tại một số nơi còn hạn chế, đặc biệt là khu vực các xã ngoại thành; hệ thống sổ sách, giấy tờ theo dõi việc thụ lý và giải quyết TTHC ở một số đơn vị chưa tốt. Trụ sở, trang thiết bị công nghệ thông tin phục vụ công tác tại bộ phận một cửa một số xã, thị trấn chưa đồng đều dẫn đến việc kết nối liên thông chưa thực sự thông suốt. Do đó, về nhân sự, Sở Nội vụ cần rà soát các hợp đồng ngắn hạn tại các đơn vị và tăng cường thanh tra công vụ”, ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng Ban Pháp chế (HĐND Hà Nội), cho biết.

Để công tác cải cách hành chính theo chiều sâu, thành phố Hà Nội rà soát lại các quy định pháp luật, các quy định trong việc thực hiện các TTHC để điều chỉnh, chuẩn hóa, xóa bỏ các hồ sơ, quy trình dư thừa, đơn giản hóa các TTHC và đăng tải công khai theo quỵ định. Hà Nội tiếp tục triển khai xây dựng các mô hình, sáng kiến và nhân rộng việc triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước; Tập trung hoàn thành Trung tâm điều hành thông minh của thành phố để từng bước hình thành Thành phố thông minh, Chính quyền điện tử Thành phố.

“Hà Nội sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất về trách nhiệm thực thi công vụ, đạo đức nghề nghiệp, quy tắc giao tiếp ứng xử nơi công sở, chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân sai phạm. Tập trung những vấn đề đang được dư luận quan tâm, những địa bàn nóng, những nội dung liên quan trực tiếp đời sống dân sinh: quản lý đất đai, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý trật tự đô thị, quản lý tài sản công, việc giải quyết công việc và thủ tục hành chính với người dân và doanh nghiệp. Đây là công việc cần sự liên tục, thường xuyên, tạo sự chuyển biến rõ nét”, ông Nguyễn Đình Hoa, Phó Giám đốc phụ trách Sở Nội vụ cho biết..

 

Bài và ảnh: Xuân Cường
Hà Nội cải cách thủ tục hành chính - Bài 1: Lấy người dân làm trung tâm
Hà Nội cải cách thủ tục hành chính - Bài 1: Lấy người dân làm trung tâm

Tạo thuận lợi cho người dân, hạn chế sự sách nhiễu, phiền toái... trong thủ tục hành chính là hướng đi của các cấp chính quyền Hà Nội. Cải cách thủ tục hành chính gắn với việc áp dụng công nghệ thông tin, tinh giản biên chế đang phát huy những hiệu quả bước đầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN