Trường Trung học cơ sở Đắk Nang, xã Đắk Som. huyện Đắk Glong, có 780 học sinh, với hơn 80% là người dân tộc thiểu số. Thầy Võ Tùng Lâm - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, trường đã có nhiều nỗ lực để duy trì sĩ số học sinh. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, trong khoảng một tháng trở lại đây, tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng đang gia tăng ở mức báo động.
Theo thống kê từ đầu năm đến nay, toàn trường có trên 50 học sinh bỏ học, tăng 30% so với năm trước, trong đó có 6 học sinh bỏ học vì lập gia đình. Phần lớn các trường hợp bỏ học là con em đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc di cư vào Đắk Nông lập nghiệp.
Theo thầy Võ Tùng Lâm, nguyên nhân học sinh bỏ học giữa chừng chủ yếu là do tập quán lạc hậu, nhiều gia đình cho con nghỉ học để lập gia đình sớm, có thêm nguồn lao động. Bên cạnh đó, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, hình thức học tập liên tục thay đổi đã ảnh hưởng tới tâm lý học sinh dẫn đến tình trạng học sinh chán nản bỏ học.
Tương tự, Trường Trung học cơ sở Quảng Hòa, xã Quảng Hòa có hơn 40 học sinh bỏ học, dự báo số học sinh bỏ học giữa chừng tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Thầy giáo Lê Lương Nhiên, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Quảng Hòa cho biết, việc học sinh bỏ học ảnh hưởng đến công tác giáo dục của nhà trường.
Theo thống kê, trên địa bàn huyện Đắk Glong hiện có 10 trường Trung học cơ sở với hơn 5.200 học sinh. Từ tháng 4/2021 đến nay, số học sinh trên địa bàn bỏ học giữa chừng lên tới 200 em, tập trung chủ yếu tại các trường Trung học cơ sở ở các xã Quảng Sơn, Quảng Hòa, Đắk Som… Việc theo dõi, liên lạc nắm bắt thông tin với phụ huynh rất khó khăn do nhiều phụ huynh thường xuyên vắng nhà, đi làm ăn xa, giáo viên không thể liên lạc được.
Theo ông Lê Đại Thành, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đắk Glong, Phòng đã có nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng. Cụ thể, Phòng chỉ đạo các trường tập trung tuyên tuyền, nắm bắt thông tin học sinh bằng nhiều cách để kịp thời vận động các em khi có ý định bỏ học. Các nhà trường tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền đến phụ huynh, học sinh, nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật về hôn nhân và gia đình, không kết hôn khi chưa đủ tuổi, tạo điều kiện giúp các em trở lại trường.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Tôn Thị Ngọc Hạnh, để khắc phục tình trạng này, các cấp chính quyền cần huy động các đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội tham gia tuyên truyền, vận động học sinh đến trường. Các cơ sở giáo dục cần trồng cây xanh, tạo khuôn viên xanh, sạch, thân thiện, khuyến khích, động viên, thu hút các em đến trường, góp phần ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần rà soát, xem xét lại những chính sách hỗ trợ cho học sinh dân tộc thiểu số.