Đây là sự kiện mở đầu cho chuỗi chương trình "Vì ngày mai phát triển" lần thứ 502 của Báo Tuổi Trẻ, trao học bổng cho học sinh, sinh viên, đặc biệt là con em lực lượng tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch với giá trị mỗi suất học bổng từ 1,5 triệu đồng - 3 triệu đồng.
Theo ông Lê Thế Chữ, Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, dù dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, nhưng vẫn gây thiệt hại và ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người, trong đó có gia đình và chính bản thân của các em học sinh, sinh viên. Nhiều gia đình vốn đã khó khăn nay càng khó khăn hơn khi việc buôn gánh bán bưng, làm thuê, làm mướn tạm ngưng trong mùa dịch; con em họ cũng bị ảnh hưởng không kém, khó khăn càng chồng chất bởi gánh nặng mưu sinh.
“Đó cũng là lý do mà những suất học bổng đặc biệt này ra đời nhằm hỗ trợ kịp thời cho các em sinh viên, học sinh tiếp tục vững bước đến trường với mong mỏi không để bạn trẻ nào phải bỏ học vì hoàn cảnh quá khó khăn”, Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Lê Thế Chữ chia sẻ.
Hơn 700 suất học bổng được trao cho học sinh, sinh viên tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang học tại Thành phố Cần Thơ; học sinh, sinh viên tại các tỉnh Đông Nam bộ đang học tại Thành phố Hồ Chí Minh; học sinh, sinh viên tại các tỉnh miền Trung đang học tại Thành phố Đà Nẵng và học sinh, sinh viên tại các tỉnh miền Bắc đang học tại Thành phố Hà Nội với tổng kinh phí học bổng khoảng 2,2 tỷ đồng là những phần quà trợ lực giúp các em vượt qua khó khăn để tiếp tục đến trường.
Mỗi sinh viên, học sinh được nhận học bổng lần này đều có điểm chung giống nhau, đó là dù khó khăn, thiếu thốn nhưng rất ham học, có thành tích học tập đáng tự hào. Mỗi suất học bổng được trao tại thời điểm này rất đúng lúc, kịp thời khi nhiều học sinh, sinh viên đang đứng trước ngưỡng cửa phải dừng học vì khó khăn.
Giao lưu tại buổi trao học bổng, sinh viên năm thứ 2 Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh Thái Thị Cẩm Tú đã không cầm được nước mắt khi kể về hoàn cảnh gia đình ở quê sống. Em sống với ngoại từ nhỏ, đặc biệt, trong thời điểm dịch bệnh, phải ra ngoài ký túc xá để thuê ở trọ, mọi chi phí sinh hoạt hàng ngày đều cao hơn, khiến cuộc sống mỗi lúc một khó khăn.
“Nhớ nhà, lo cho sức khỏe của ngoại già yếu, đơn độc một mình, nhưng không dám về vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, bản thân lại thiếu thốn đủ điều… nên sống bám víu, lay lắt ở thành phố chờ cho qua dịch bệnh”, Cẩm Tú chia sẻ. Nhận được học bổng lúc này, cũng là lúc Cẩm Tú không còn biết nhờ tựa vào đâu nên việc đầu tiên em sẽ làm là dành ít tiền để trả nợ tiền trọ, chi phí cuộc sống; một phần gửi về giúp ngoại và phần còn lại để mua sắm dụng cụ học tập trong những ngày tháng sắp tới.
Cùng hoàn cảnh khó khăn, sinh viên Trường Đại học Lao động Xã hội cơ sở 2 tại Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Thị Ngọc Trinh sẽ dùng số tiền này để chăm lo các em, chi trả sinh hoạt trong thời gian ngừng việc phục vụ nhà hàng do dịch bệnh. Còn với K Thị Nhỏ, người dân tộc Stiêng, sinh viên năm thứ 3 Học viện cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh sẽ dùng số tiền này để đóng học phí và phần còn lại để trang trải chi phí sinh hoạt ở ký túc xá và mua sắm đồ dùng học tập...
Nhiều sinh viên, học sinh sau khi nhận học bổng cho biết, được trở lại trường, tiếp tục con đường học vấn trong thời điểm này là niềm hạnh phúc. Đây sẽ là kỳ học đáng nhớ, là động lực để các em phấn đấu vượt khó, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ học tập.
Chương trình "Cùng Tuổi Trẻ chống dịch COVID-19" do Báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Hội Doanh nhân trẻ Thành phố Hồ Chí Minh phát động đã nhận được sự hưởng ứng, đồng hành tích cực của các cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tính đến nay, chương trình đã tiếp nhận tiền mặt và quà hiện vật trị giá hơn 22,5 tỷ đồng. Đồng thời, đã có nhiều hoạt động hỗ trợ trang thiết bị y tế, sẻ chia với lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch COVID -19, trao học bổng cho các em học sinh, sinh viên và hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng dịch bệnh.