Thị xã Vĩnh Châu là địa phương có tỷ lệ học sinh bỏ học cao qua nhiều năm. Chính quyền địa phương đã nỗ lực huy động sự góp sức của các ban, ngành, đơn vị, cá nhân để tuyên truyền và có các biện pháp hỗ trợ, góp phần giảm số học sinh bỏ học giữa chừng.
Bữa cơm chiều của các em tại chùa. |
Ngôi chùa Lakhanawong Xung Thum ở xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu là điểm sáng trong phong trào vận động, hỗ trợ học sinh tiếp tục đến trường. Nằm cách thành phố Sóc Trăng hơn 60km về phía Nam, ngôi chùa Lakhanawong Xung Thum (hay được gọi là chùa Xung Thum) hiện đang nuôi dưỡng 21 em đến từ nhiều địa phương của tỉnh; em nhỏ nhất 11 tuổi, em lớn nhất 18 tuổi.
Đa số các em ở đây đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha mẹ rời địa phương đi làm ăn xa hoặc gia đình đông con, không thể tiếp tục cho con em mình đi học. Có em cha mẹ chia tay nhau, người thân, họ hàng hoàn cảnh khó khăn.
Tại đây, ngoài giờ học ở trường, các em được nhà chùa bố trí chỗ ngủ, chỗ ăn và được vui chơi với bạn bè, học kinh Phật và học tiếng Khmer mỗi ngày. Cuối tuần, nhà chùa cho các em về thăm gia đình. Tiền học phí, quần áo, sách vở, nhà chùa lo cho các em. Hằng ngày, các sư cho mỗi em từ 10 - 20 ngàn đồng để ăn sáng. Sư cũng vận động các em sẽ ăn một phần, một phần bỏ heo để tiết kiệm, khoảng 5 ngàn đồng mỗi ngày.
Phó Trụ trì chùa Xung Thum, sư Trần Huyền cho biết khi sư còn nhỏ, gia đình rất khó khăn nên không được đi đến nơi đến chốn. Khi biết được hoàn cảnh của học sinh trên địa bàn, sư Trần Huyền đã bàn với sư trụ trì nhận nuôi các em. "Ban đầu cũng khó khăn lắm, nhưng Nhà chùa sẽ giúp đỡ các em hết khả năng, động viên các em cố gắng học tập, trở thành người có ích cho xã hội”, sư Trần Huyền chia sẻ.
Em Tăng Chãi, lớp 9A1 trường THCS và THPT Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu đã được nuôi dưỡng tại chùa gần một năm nay. Cha mẹ của Chãi chia tay nhau và lập gia đình mới từ năm em lên 7 tuổi. Do hoàn cảnh khó khăn, bà ngoại không nuôi được em.
Sư Trần Huyền, Phó trụ trì chùa dạy tiếng Khmer cho các em sau giờ học ở trường. |
Chãi chia sẻ: “Em đi học được sư cho xe đạp. Ở đây, những lúc buồn, em tâm sự với sư. Sư cũng động viên em cố gắng học để tương lai tốt hơn. Sau này, em muốn đi học nghề, sư sẽ giúp em. Em ở trong chùa rất vui, được các sư nuôi, được đi học, chủ nhật em lại được về thăm nhà”.
Em Danh Cô Ty có nhà ở gần chùa, nhưng cha mẹ em đi Bình Dương làm ăn nên em đã vào chùa ở. Sau một thời gian, em đã quen với nơi đây và học hành tiến bộ hơn. Em chia sẻ: “Em ước mơ làm họa sĩ nên sẽ cố gắng học thật giỏi. Lực học của em cũng tăng lên nhiều. Thỉnh thoảng cha mẹ lại đến thăm nên em rất vui”.
Có đợt cao điểm, nhà chùa nhận nuôi 37 em, trong đó có cả những em ở tỉnh Bạc Liêu. Nhiều em sau khi cha mẹ có chỗ ở ổn định đã đón về. Những lúc như vậy, các sư trong chùa rất vui vì thấy các em vừa sum họp cùng gia đình, vừa đảm bảo sẽ tiếp tục được đi học.
Là địa phương có hơn 70% hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số, ngành giáo dục thị xã Vĩnh Châu đặc biệt quan tâm đẩy mạnh công tác phổ cập giáo dục. Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh đến trường thường xuyên còn thấp. Do đó, ngoài việc nhận nuôi, nhà chùa đã cùng với ngành giáo dục địa phương kiểm soát sĩ số, vận động các em đi học đều.
Phòng ở, sinh hoạt của các em tại chùa. |
Thầy Thạch Pôl, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lai Hòa 2, thị xã Vĩnh Châu cho biết: Hàng năm, nhà trường có khoảng 5% học sinh bỏ học giữa chừng. Rất may trên địa bàn có nhà chùa nhận nuôi và hỗ trợ nên nhiều học sinh vượt qua giai đoạn khó khăn trở lại trường; hiện nay có 7 em ở trong chùa đã trở lại trường học.
Ông Lê Văn Vui, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Vĩnh Châu cho biết: Sau Tết Nguyên đán 2017, toàn thị xã có hơn 150 em ở bậc tiểu học và trung học cơ sở nghỉ học.
Việc làm của các sư ở nhà chùa Xung Thum là sự giúp đỡ thiết thực, hiệu quả để các em có nguy cơ phải nghỉ học có cơ hội được tiếp tục học tập. Đây là việc làm rất đáng trân trọng, giúp nhiều học sinh vượt qua khó khăn vững bước đến trường.