Khắc phục tình trạng học sinh bỏ học tại Bình Thuận

Khắc phục tình trạng học sinh bỏ học là một trong những nhiệm vụ quan trọng được ngành giáo dục Bình Thuận quyết tâm thực hiện trong năm học mới.

 

Nội dung này đã được các ban, ngành, địa phương trong tỉnh thống nhất tại Hội nghị triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2014- 2015 được tổ chức chiều 25/8.

 

Hiện nay tình trạng học sinh bỏ học ở Bình Thuận tập trung chủ yếu ở bậc Trung học cơ sở và Trung học phổ thông, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nguyên nhân chủ yếu khiến các em bỏ học là do hoàn cảnh khó khăn, kinh tế gia đình không đáp ứng được chi phí học tập; học sinh có học lực yếu, kém không theo kịp chương trình. Năm học 2009- 2010 Bình Thuận là tỉnh có tỷ lệ học sinh bỏ học nửa chừng cao nhất trong khu vực Đông Nam bộ (hơn 4.500 em). Đến nay, mặc dù tỷ lệ học sinh bỏ học có giảm nhưng số học sinh bỏ học vẫn còn cao (năm học 2013- 2014 là 2.830 em, trong đó bậc Trung học cơ sở nhiều nhất với 1.618 em), tình trạng học sinh bỏ học nửa chừng vẫn đang là bài toán khó đối với ngành giáo dục địa phương.

 

Để khắc phục tình trạng này, ngay từ đầu năm học 2014- 2015, Ủy ban nhân dân tỉnh cùng Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Thuận đã xây dựng, chỉ đạo các địa phương phải thực hiện đồng loạt giải pháp kéo giảm tình trạng học sinh bỏ học như: xây dựng quỹ giúp đỡ học sinh nghèo có nguy cơ bỏ học; phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và phụ huynh, đặc biệt quan tâm và hỗ trợ kịp thời đến các em học sinh yếu kém; thành lập nhiều tổ, câu lạc bộ vận động và hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn...

 

Đối với các em học sinh có học lực yếu kém, có hoàn cảnh khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… năm học 2014- 2015, ngành giáo dục Bình Thuận sẽ triển khai cuộc vận động “Mỗi nhà giáo, cán bộ giáo dục giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt”. Theo đó, các thầy cô giáo sẽ quan tâm, phối hợp chặt chẽ với gia đình để giúp đỡ kịp thời những khó khăn; giúp các em vạch ra kế hoạch học tập, rèn luyện từng tuần vừa giúp các em theo kịp chương trình, vừa động viên ý thức học tập, tránh tình trạng bất mãn rồi bỏ học… Bên cạnh đó, ngành cũng nâng cao công tác tuyên truyền vận động đổi mới tư duy giáo dục trong người dân, kịp thời hỗ trợ những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

 

Chỉ đạo về công tác khắc phục tình trạng học sinh bỏ học, ông Huỳnh Văn Tý, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận yêu cầu ngành giáo dục và đào tạo phải hạn chế tới mức tối đa tình trạng bỏ học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn; hỗ trợ kịp thời về chính sách miễn giảm học phí, học bổng… Các trường học, cơ sở giáo dục cần phải đặc biệt quan tâm, tìm hiểu sâu về nguyên nhân bỏ học để xây dựng biện pháp cụ thể phù hợp với từng hoàn cảnh để đảm bảo các em không tiếp tục bỏ học sau khi quay trở lại trường.

 

Hồng Hiếu

Trẻ em Đắk Lắk đua nhau bỏ học đi lao động ngoại tỉnh
Trẻ em Đắk Lắk đua nhau bỏ học đi lao động ngoại tỉnh

Các ngành chức năng tỉnh Đắk Lắk đang điều tra, xác minh để đưa trẻ em người dân tộc thiểu số đang làm việc tại các cơ sở may mặc, giày da tại thành phố HCM về đoàn tụ cùng gia đình; đồng thời tổ chức tuyên truyền vận động, tạo điều kiện thuận lợi để các em tiếp tục đến lớp...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN