Khắc phục tình trạng học sinh bỏ học

Để thu hút con em đồng bào dân tộc thiểu số ra lớp, tỉnh Yên Bái đã đưa ra nhiều giải pháp khắc phục tình trạng học sinh bỏ học, trong đó có việc ban hành chính sách riêng cho hai huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải.


Hỗ trợ gạo cho học sinh


Theo ông Trần Xuân Hưng, Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Yên Bái, tỉnh đã hỗ trợ mỗi em học sinh THPT người Mông 15 kg gạo/tháng đến trường. Ngành giáo dục và đào tạo Yên Bái đã phối hợp các ngành, các địa phương, đoàn thể, đơn vị trên địa bàn tỉnh chủ động, tích cực có những giải pháp sáng tạo, phù hợp cho trẻ đến trường chuyên cần. Các thầy giáo, cô giáo đang công tác tại các trường vùng cao, vùng dân tộc thiểu số vận động người dân ủng hộ chính sách giáo dục và làm tốt công tác huy động trẻ em đến lớp, tránh tình trạng học sinh bỏ học. Vì vậy, số học sinh ra lớp được cải thiện phần nào.

 

Nhờ có trường PTDTBT mà tỷ lệ trẻ em được huy động đến trường tăng cao.

 


Tuy nhiên, ở những huyện vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, địa hình núi rừng, sông suối và dân cư thưa thớt vẫn là "rào cản" học sinh đến trường. Ðể cải thiện tình hình khó khăn về cơ sở vật chất, chỗ ăn, ở cho học sinh, HĐND tỉnh Yên Bái đã ban hành Nghị quyết 22/2009/NQ-HÐND và UBND tỉnh cũng đã có quyết định về đề án xây dựng trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) giai đoạn 2010-2015 với mục tiêu: Huy động tối đa trẻ trong độ tuổi ra lớp, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.

Hằng năm, ngân sách tỉnh cân đối bố trí kinh phí hỗ trợ các trường PTDTBT bình quân mỗi năm 195.000 đồng cho một học sinh và điều chỉnh theo mức lương tối thiểu; cứ 30 học sinh ở nội trú có một nhân viên phục vụ... Hằng năm, tỉnh vận động cán bộ công chức của cả tỉnh ủng hộ một ngày lương cho học sinh các trường PTDTBT; đồng thời chỉ đạo các Ðảng bộ huyện phân công các chi bộ, các cơ quan nhận đỡ đầu từng trường. Bảo đảm không để tình trạng học sinh bỏ học do thiếu ăn, duy trì sĩ số ra lớp chuyên cần, nâng cao chất lượng giáo dục. Mặc dù số tiền hỗ trợ còn eo hẹp nhưng việc sớm xây dựng mô hình trường PTDTBT ở Yên Bái đã tạo nên "cú huých" quan trọng trong việc huy động trẻ đến trường, nâng cao chất lượng giáo dục. Ðáng chú ý, sau khi có Quyết định số 85/2010/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách về học sinh bán trú và trường PTDTBT đã tạo điều kiện quan trọng để Yên Bái đẩy mạnh hỗ trợ học sinh, giảm tình trạng bỏ học, nâng cao chất lượng giáo dục.


Theo bà Lê Thị Liêm - Trưởng Ban VHXH - HĐND tỉnh Yên Bái, thông qua việc giám sát chuyên đề về tình hình xây dựng trường PTDTBT cho công tác này đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo và đạt nhiều kết quả quan trọng. Tính đến tháng 5/2013, toàn tỉnh Yên Bái có 38 trường PTDTBT và 37 trường phổ thông có học sinh bán trú (HSBT) với quy mô là 10.210 HSBT, tăng 56% so với năm 2010.

Các huyện có số lượng HSBT cao là Mù Cang Chải 3.718 em, Trạm Tấu 2.394 em, Văn Chấn 1.733 em, Văn Yên 1.427 em... Nhìn chung, công tác thành lập trường PTDTBT và xét duyệt HSBT đã được các cơ quan chuyên môn thẩm định đúng theo quy định và phù hợp với tình hình thực tiễn. Bên cạnh việc thực hiện chương trình giáo dục theo quy định, các trường PTDTBT đã thực hiện khá tốt hoạt động đặc thù như: Hướng dẫn học sinh tự học ngoài giờ lên lớp, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao; giáo dục kỹ năng sống; nấu ăn tập trung cho học sinh. Các trường đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất như các trường phổ thông khác theo quy định, các trường PTDTBT đã được đầu tư xây dựng 282 phòng ở, 19 bếp nấu, 16 công trình vệ sinh và nước sạch, 2.199 giường tầng... với tổng nguồn vốn trên 90 tỷ đồng (trong đó, vốn Nhà nước 44%, vốn xã hội hóa 56%)…

Một số nội dung chưa phù hợp


Tuy nhiên, kết quả giám sát cho thấy, việc ban hành các văn bản chỉ đạo còn chậm, chưa đồng bộ, thậm chí có nội dung chưa phù hợp với thực tiễn. Đơn cử như Thông tư 65 của liên Bộ GD&ĐT, Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư (hướng dẫn thực hiện Quyết định số 85/2010/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) có quy định: Đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ là học sinh tại các trường ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; trong khi đó các địa phương đều quy hoạch trường học ở khu trung tâm xã.

Do vậy, hiện nay, tại các xã Hồng Ca (huyện Trấn Yên), Lâm Giang, Châu Quế Thượng, Châu Quế Hạ (huyện Văn Yên)... có học sinh thuộc thôn đặc biệt khó khăn ở nội trú tại trường nhưng không được hưởng chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 85/2010/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.


Một thực tế nữa là Nghị quyết 22/2009/NQ-HÐND tỉnh Yên Bái có một số nội dung chưa phù hợp với các văn bản chỉ đạo của Trung ương nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung (như phạm vi áp dụng, mục tiêu). Hơn nữa vẫn còn một số nội dung quan trọng đã nêu trong Nghị quyết 22/2009/NQ-HÐND nhưng đến nay chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện như quy hoạch trường PTDTBT; vận động cán bộ, viên chức ủng hộ một ngày lương. Hệ thống văn bản chỉ đạo xét duyệt HSBT tuy đã được ban hành nhưng vẫn còn một số nội dung chưa phù hợp.


Những bất cập này đã gây thắc mắc trong nhân dân và ảnh hưởng không nhỏ đến tính bền vững của mô hình trường PTDTBT. Chất lượng giáo dục của các trường PTDTBT vẫn còn thấp so với yêu cầu, tỷ lệ học sinh yếu kém, học sinh bỏ học vẫn ở mức cao. Công tác quy hoạch quỹ đất cho xây dựng trường PTDTBT chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến tình trạng một số nơi xin được kinh phí nhưng lại không có quỹ đất để xây dựng.

 

Bài và ảnh:V.T

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN