Thông thường cứ sau Tết Nguyên đán, tình trạng học sinh bỏ học, “học giã gạo” (bữa học, bữa nghỉ) diễn ra khá phổ biến ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Nguyên nhân do đây là mùa lễ hội, cưới hỏi của nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khiến học sinh dễ có tâm lý chán học, bỏ học. Thế nhưng, sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ, tình trạng này không diễn ra trầm trọng như mọi năm, thậm chí ở nhiều vùng khó khăn, học sinh đã đi học chuyên cần.
Tình trạng học sinh bỏ học sau dịp Tết Nguyên đán không còn xa lạ đối với những vùng kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Từ nhiều năm trở lại đây, Bộ GD - ĐT đã giao cho các địa phương chủ động đưa ra các giải pháp phù hợp để giảm thiểu tình trạng này. Đây cũng là một trong những mục tiêu của ngành giáo dục trong năm học 2012 - 2013. Nhiều nơi đã có kế hoạch hạn chế tình trạng bỏ học ngay từ trước Tết như: kiểm tra duy trì sĩ số lớp học, nền nếp dạy và học của trường, thực hiện các giải pháp động viên, khuyến khích học sinh đi học đều...
Ông Nguyễn Trọng Hoàn, Chánh Văn phòng Sở GD - ĐT Nghệ An cho biết, từ trước Tết, Sở đã yêu cầu các phòng giáo dục đào tạo phối hợp với các huyện thị, đặc biệt là 5 huyện miền núi cao như: Quế Phong, Con Cuông, Kỳ Sơn, Quỳ Châu, Tương Dương nhằm hỗ trợ xe để đưa học sinh về quê ăn Tết, sau đó có xe đón các em ra trường sau dịp nghỉ Tết. “Với những trường hợp đặc biệt, chúng tôi cử các thầy cô đến tận nhà để đón các em ra lớp. Trước đó, Sở cũng thành lập các đoàn kiểm tra đi tới các huyện, thị, thôn, bản để nắm tình hình trước khi thực hiện kế hoạch. Vì vậy, trong ngày đầu tiên đi học sau Tết (18/2), sĩ số lớp học tại các vùng đặc biệt khó khăn đã ổn định, gần 100% học sinh ra lớp”, ông Nguyễn Trọng Hoàn cho biết.
Ông Nguyễn Trọng Hoàn cũng cho biết thêm, qua khảo sát trước và sau Tết, tình trạng học sinh bỏ học để đi làm ăn xa ở các huyện, thị đã giảm hẳn so với năm trước. Đây cũng là lý do giúp sĩ số lớp học ổn định và là điều đáng khích lệ của ngành giáo dục Nghệ An năm nay.
Theo chia sẻ của lãnh đạo ngành giáo dục các tỉnh như: Điện Biên, Hà Giang... khác với mọi năm, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay, hầu hết học sinh vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã trở lại trường học tập trong khi địa phương vẫn đang diễn ra các lễ hội truyền thống.
Ông Lê Văn Quý, Giám đốc Sở GD - ĐT Điện Biên cho biết, tình trạng học sinh bỏ học sau dịp Tết năm nay đã giảm hẳn so với mọi năm. Năm nay học sinh vùng cao Điện Biên được nghỉ Tết từ ngày 26/12 đến 9/1 âm lịch, thời gian nghỉ dài hơn so với năm ngoái. Sở yêu cầu phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ xe đưa đón học sinh về nghỉ Tết và đến trường sau Tết, vì vậy đã hạn chế được tình trạng học sinh bỏ học.
Phó Giám đốc Sở GD - ĐT Hà Giang, Triệu Thị Liên cũng cho biết, sau dịp Tết Nguyên đán năm nay, học sinh của tỉnh đã đi học chuyên cần trở lại. “Mặc dù chưa có con số thống kê đầy đủ từ các huyện nhưng qua kiểm tra tại một số nơi, chúng tôi thấy tình trạng học sinh bỏ học đã giảm hẳn so với năm ngoái. Có lẽ thời gian nghỉ Tết năm nay dài tạo điều kiện cho các em tham gia được nhiều lễ hội tại các thôn, bản; tạo tâm lý thoải mái cho các em khi bước vào năm học mới”, bà Liên khẳng định. Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm nóng về tìh trạng học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng cao bỏ học. Điển hình là tại Yên Bái, trong hai ngày học đầu tiên (18, 19/2), sau Tết Nguyên đán, tỷ lệ học sinh đến lớp của tỉnh này chỉ đạt 60%. Theo thông báo của Sở GD - ĐT Yên Bái, để đảm bảo việc học tập vào nền nếp, Sở đã thành lập các đoàn công tác kiểm tra tình hình đến lớp tại các huyện, thị, đặc biệt là những vùng khó khăn, vùng cao. Song song với đó, Sở yêu cầu các trường bố trí các giáo viên đến từng thôn, bản để nắm tình hình, phối hợp với chính quyền sở tại đến từng nhà vận động học sinh ra lớp.
Lê Vân