PGS. TS Ngô Minh Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ (ĐHNN) - Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản, Chủ tịch Câu lạc bộ cựu lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản là một trong bốn người Việt Nam được Chính phủ Nhật Bản vinh danh năm 2019. Vào tháng 10 vừa qua, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đã tổ chức lễ trao Bằng khen của Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản cho PGS. TS. Ngô Minh Thủy.
Tấm gương học tập không ngừng nghỉ
PGS.TS Ngô Minh Thủy là học sinh khóa 11 của Trường Trung học phổ thông chuyên ngoại ngữ thuộc Trường Đại học sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Trường ĐHNN) - nơi chị đang giữ trọng trách Phó Hiệu trưởng.
Từ ngày học phổ thông, chị luôn là một học sinh giỏi, cán bộ lớp, cán bộ đoàn gương mẫu và nhiệt huyết. Năm 1982, sau khi tốt nghiệp phổ thông, chị vào học Khoa tiếng Nga, Trường Đại học sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội.
Vào học tại Khoa Nga, chị Thủy tiếp tục thể hiện khả năng học tập cũng như những đóng góp của mình đối với các hoạt động xã hội, đặc biệt là hoạt động của Đoàn thanh niên. Hết năm thứ 2, chị sang học chuyển tiếp 1 năm tại Nga và từng là một trong các đại diện của giới trẻ Việt Nam được tham dự Liên hoan Thanh niên - Sinh viên Thế giới lần thứ 12 tổ chức tại Moskva năm 1985. Chị cũng nhiều lần được là đại diện gương mặt trẻ tiêu biểu của thanh niên, sinh viên tham gia các sự kiện lớn tại Thủ đô Hà Nội.
Tốt nghiệp đại học với kết quả xếp loại xuất sắc, chị được giữ lại Trường làm cán bộ giảng dạy. Trong thời gian này, cùng với việc giảng dạy trên lớp, cô giáo Thủy còn đảm nhiệm việc giảng dạy tiếng Nga trên đài truyền hình.
Năm 1990, chị Thủy sang Nga học tại Viện tiếng Nga Puskin. Về nước năm 1991, chị vừa tiếp tục giảng dạy tiếng Nga tại trường, vừa theo học chương trình đại học thứ 2 ngành tiếng Anh, tiếp đó là chương trình thạc sỹ tiếng Nga. Với kết quả luận văn thạc sỹ xuất sắc, năm 1996 chị Thủy được Hội đồng chấm luận văn đề nghị chuyển tiếp thẳng vào chương trình tiến sỹ tiếng Nga.
Tuy nhiên, được sự phân công của Nhà trường, chị đã tham dự kỳ thi của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, được lựa chọn, và vào tháng 4 năm 1997, sau 10 năm giảng dạy tiếng Nga, chị Thủy sang Nhật Bản, bắt đầu học tiếng Nhật theo chương trình học bổng của Chính phủ Nhật Bản. Học tiếng Nga từ nhỏ, sau đó trở thành giảng viên của ĐHNN, chị vẫn sử dụng song song tiếng Anh - Nga trong giảng dạy và nghiên cứu, nhưng tiếng Nhật đến với chị như một cơ duyên.
Tại Nhật Bản, sau khi học xong chương trình tiếng Nhật và nghiên cứu, chị Thủy thi vào khóa đào tạo thạc sỹ của Trường ĐH Tsukuba. Chị Thủy là một trong số ít người Việt Nam bắt đầu học tiếng Nhật từ con số 0 nhưng thi đỗ chương trình thạc sỹ sau khi học tập tại Nhật Bản chỉ 1,5 năm.
Trở về Việt Nam với tấm bằng thạc sỹ thứ 2 vào năm 2001, chị thi vào khóa tiến sĩ của Viện Ngôn ngữ học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, vừa học khóa tiến sĩ và viết luận án, vừa bắt đầu đóng góp cho sự nghiệp phát triển tiếng Nhật tại Việt Nam cũng như các hoạt động hợp tác Việt - Nhật. Chị bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ năm 2006 và chính thức nhận học vị tiến sĩ ngôn ngữ học vào đầu năm 2007. Với các thành quả nghiên cứu và giảng dạy, chị được phong Phó Giáo sư năm 2012 và sau đó được công nhận là giảng viên cao cấp.
Với sự cố gắng không ngừng nghỉ trong học tập và sau 2 lần “bẻ lái” về chuyên môn, chị trở thành một trong số ít phụ nữ Việt Nam không chỉ sử dụng thành thạo mà còn có thể đồng thời nghiên cứu, giảng dạy 3 ngoại ngữ (Nga - Anh - Nhật). Với những thành tích “đáng nể” trong học tập, chị chính là một trong những tấm gương về học tập đối với thế hệ trẻ.
Người nối nhịp cầu hợp tác Việt - Nhật
Trải qua nhiều vị trí công tác, từ Phó rồi Trưởng khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Phương Đông, đồng Giám đốc Văn phòng hợp tác Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Kyoto (VKCO - 1 trong 8 văn phòng đại diện trên thế giới của Bộ Giáo dục và Khoa học Nhật Bản), đến năm 2015, PGS. TS. Ngô Minh Thủy được bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng Trường ĐHNN - ĐHQG Hà Nội. Chị là nữ Phó hiệu trưởng đầu tiên của Trường ĐHNN kể từ khi thành lập năm 1955. Từ năm 2016 chị cũng đồng thời tham gia Hội đồng Trường Đại học Việt Nhật với tư cách ủy viên thư ký. Ở bất cứ cương vị công tác nào, PGS. TS. Ngô Minh Thủy cũng để lại dấu ấn đậm nét trong sự phát triển của tổ chức, cơ quan.
PGS. TS. Ngô Minh Thủy đã có những đóng góp quan trọng trong việc phát triển giáo dục tiếng Nhật tại Trường ĐHNN - Đại học QGHN nói riêng và tại Việt Nam nói chung. Chị đóng vai trò chủ chốt trong xây dựng các chương trình đào tạo tiếng Nhật lần đầu tiên được tiến hành ở Việt Nam như: Chương trình cử nhân tiếng Nhật hệ sư phạm; Chương trình tiếng Nhật dành cho học sinh trung học phổ thông chuyên ngoại ngữ, Chương trình thạc sỹ chuyên ngành ngôn ngữ Nhật Bản, Chương trình cử nhân tiếng Nhật chất lượng cao… Cùng với các đồng nghiệp, chị thực hiện chương trình dạy tiếng Nhật trên Đài tiếng nói Việt Nam trong suốt 5 năm (2008 - 2013).
Đặc biệt, phải kể đến đề án đưa tiếng Nhật vào hệ thống giáo dục phổ thông của Việt Nam mà chị Thủy tham gia ban điều hành, biên soạn chương trình và sách giáo khoa tiếng Nhật. Nỗ lực của chị cùng các đồng nghiệp được ghi nhận khi từ chỗ chỉ vẻn vẹn 1 lớp học sinh (lớp 6) của Trường Trung học Cơ sở Chu Văn An - Hà Nội năm 2004 thì đến thời điểm năm 2018, tại Việt Nam đã có hơn 25 ngàn học sinh phổ thông học tiếng Nhật.
Dù công tác quản lý bận rộn nhưng chị Thủy vẫn tích cực duy trì nhiều hoạt động chuyên môn. Trong 16 năm qua, chị đã là chủ biên kiêm đồng tác giả của 32 cuốn sách giáo khoa, sách giáo viên và sách bài tập phục vụ giáo dục tiếng Nhật ở bậc phổ thông và phổ thông chuyên tại Việt Nam. Tại thời điểm năm 2019, bộ sách tiếng Nhật dành cho học sinh THCS và trung học phổ thông theo chương trình 7 năm, bộ sách tiếng Nhật dành cho học sinh tiểu học theo chương trình 10 năm mới được biên soạn vẫn là bộ sách duy nhất dành cho học sinh phổ thông học tiếng Nhật tại Việt Nam.
Bên cạnh công tác chuyên môn, vẫn như từ thời sinh viên, PGS. TS. Ngô Minh Thủy tham gia nhiều công tác xã hội. Chị là Chủ tịch Câu lạc bộ Cựu lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản (Japan Alumni of Vietnam - JAV) - một tổ chức xã hội có trên 1.600 thành viên, được Ban Đối ngoại Trung ương thành lập năm 2001; là Phó chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản; là Ủy viên thường vụ Ban chấp hành Hội giao lưu Văn hóa Việt - Nhật. Chị Thủy cũng là thành viên Hội đồng chủ tịch ASCOJA (Liên hiệp các Hội cựu lưu học sinh các nước Đông Nam Á tại Nhật Bản), thành viên Hội đồng chủ tịch của ASJA International - một tổ chức thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản.
Với tính cách cởi mở, cầu tiến, nhiệt tình, tầm nhìn xa và tinh thần hợp tác đầy trách nhiệm, chị thường có những đề xuất, sáng tạo, ý tưởng mới mẻ trong các hoạt động hợp tác, mang lại nhiều thành quả. Chị được nhiều cơ quan Việt Nam cũng như Nhật Bản tham vấn khi xây dựng các chương trình hợp tác Việt - Nhật.
PGS. TS. Ngô Minh Thủy đã tạo cơ hội học tập cho nhiều bạn trẻ khi kết nối hàng trăm suất học bổng du học tại Nhật Bản cho học sinh - sinh viên Việt Nam, cùng cơ hội tham dự các chương trình giao lưu văn hóa tại Nhật Bản cho giới trẻ Việt Nam.
Lúc nào PGS. TS. Ngô Minh Thủy cũng tràn đầy nhiệt huyết với nghề, với sinh viên và với ngôi trường mà chị đã gắn bó 40 năm tính từ khi còn là cô học sinh chuyên ngoại ngữ. Trong bối cảnh đất nước chuyển mình, mở cửa và hội nhập, chị Thủy không thiếu những cơ hội và lời mời để bắt đầu công việc mới mẻ nhưng nghề sư phạm như là một cái nghiệp - chị Thủy chia sẻ. Trở thành giáo viên đối với chị như là một điều tự nhiên.
Ấn tượng về PGS. TS. Ngô Minh Thủy trong con mắt học sinh, sinh viên, đồng nghiệp là cho dù công việc bận bịu, vất vả nhưng ở chị cũng vẫn luôn toát lên sự nhẹ nhàng, tươi vui và thái độ ân cần. Hết lòng với công việc chung và tinh thần học tập không ngừng của PGS. TS. Ngô Minh Thủy đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ học trò - các sinh viên nhận xét.
Trong quá trình công tác, PGS. TS. Ngô Minh Thủy đã được nhận Huân chương Lao động hạng Ba, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 3 lần được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, nhiều bằng khen của Giám đốc ĐHQG Hà Nội. Những đóng góp của PGS. TS. Ngô Minh Thủy không chỉ được ghi nhận tại Việt Nam mà chị còn trở thành một trong bốn người Việt Nam được Chính phủ Nhật Bản vinh danh năm 2019.