Từ một tù binh chiến tranh Việt Nam, Thượng nghị sĩ Mỹ John S. McCain đã vượt qua quá khứ, vượt qua mọi rào cản về quan điểm để sau này trở thành người góp công không nhỏ cho quá trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Mỹ. John McCain - không quá lời để nói rằng ông là một nhịp cầu hữu nghị giữa hai nước.

CẦU NỐI QUAN HỆ VIỆT - MỸ

Trong suốt cuộc đời mình, ông John McCain không bao giờ quên những năm tháng đã trải qua ở Việt Nam. 

Trước khi trở thành một Thượng nghị sỹ, đã có nhiều năm làm việc trong quân đội Mỹ. Tuổi ấu thơ của gắn với những lần di chuyển của cha từ căn cứ quân sự này tới căn cứ quân sự khác.

Chú thích ảnh
Ông John McCain (hàng dưới, bên phải) cùng đồng đội thời gian tham gia lực lượng Hải quân Mỹ 1965. Ảnh: Reuters

Một nền giáo dục toàn diện và chịu ảnh hưởng sâu sắc của một gia đình có truyền thống binh nghiệp đã hình thành nên một John McCain đầy cá tính, ưa mạo hiểm. Năm 1958, ông tốt nghiệp Học viện Hải quân Hoa Kỳ và sau đó 2 năm tốt nghiệp khoá đào tạo phi công, trở thành một phi công hải quân lái máy bay cường kích, chính thức phục vụ trên Hàng không mẫu hạm Forrestal.

Ông là một người lính Mỹ đã trực tiếp tham gia vào cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Khi bắt đầu chiến dịch Rolling Thunder  (Sấm rền, năm 1967), John McCain đã nhiều lần lái máy bay đánh phá các mục tiêu ở miền Bắc Việt Nam. Trong một phi vụ oanh tạc bầu trời Hà Nội ngày 26/10/1967, phi cơ của Thiếu tá Không quân Hải quân Mỹ John McCain, 31 tuổi, đã bị bắn hạ ngày trên bầu trời Hà Nội và ông rơi xuống Hồ Trúc Bạch. Bị bắt sống và 6 năm sau (1973), ông đã được phía Việt Nam trao trả tù binh cho Mỹ.

Từ Việt Nam trở về, John McCain tích cực tham gia chính trường, trở thành một trong những người đi đầu vận động bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ.

Nếu như trong cuộc chiến tranh Việt Nam, John McCain thuộc phái “diều hâu” thì sau này, ông trở thành một trong những người ủng hộ tiến trình bình thường hoá quan hệ giữa hai nước. Thượng nghị sĩ McCain từng nói ông luôn có tình cảm sâu sắc đối với Việt Nam và sẽ đóng góp làm sâu sắc mối quan hệ song phương ấy.

John McCain được binh sĩ và người dân Việt Nam vớt lên từ hồ Trúc Bạch tháng 10/1967. Ảnh: Reuters

Để tạo điều kiện tốt nhất cho tiến trình này, ông hối thúc hai bên khởi động các vấn đề nhân đạo như rà phá vật liệu nổ còn sót lại, tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ những người bị khuyết tật do hậu quả chiến tranh, tẩy độc tại các khu vực bị nhiễm dioxin và thực thi pháp luật…

Cũng nhờ những nỗ lực và sự vận động hết mình của McCain, cùng với sự ủng hộ của Thượng nghị sỹ John Kerry (người từng phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam trong những thập niên 60-70 của thế kỉ XX, và Tổng thống Bill Clinton - người có tầm nhìn chiến lược về Việt Nam), cả hai chính đảng chi phối chính trường Mỹ là Dân chủ và Cộng hòa đều đã dần ủng hộ việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

Kết quả là năm 1994, Thượng viện Mỹ thông qua Nghị quyết do John Kerry và John McCain bảo trợ, kêu gọi chấm dứt cấm vận kinh tế chống Việt Nam, dọn đường cho việc bình thường hóa quan hệ hai nước một năm sau đó.

Ông John McCain chụp ảnh với lãnh đạo Việt Nam các thời kỳ. Ảnh: TTXVN

Năm 1995, khi Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ ngoại giao, Thượng nghị sĩ John McCain đã viết: “Tôi ủng hộ quyết định của Tổng thống hôm nay trong khôi phục đầy đủ quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Đây sẽ không phải là một quyết định dễ dàng với bất kỳ tổng thống nào. Tổng thống Clinton đã thể hiện sự dũng cảm và vinh dự trong quyết tâm thực hiện điều đó… Bình thường hóa quan hệ với cựu thù là điều đúng đắn phải làm… Chúng ta nhìn Việt Nam với con mắt giận dữ đã quá lâu rồi. Tôi không thể cho phép bất kỳ sự oán giận nào tôi gánh chịu trong thời gian ở Việt Nam cản trở tôi làm những điều rõ ràng là bổn phận của tôi. Tôi tin rằng đó là bổn phận của tôi khi khuyến khích đất nước này xây dựng từ mất mát. Hi vọng cuộc chiến bi kịch của chúng ta ở Việt Nam sẽ trở thành hòa bình cho cả nhân dân Mỹ và Việt Nam”.  

Sau đó, cả hai vị thượng nghị sĩ McCain và John Kerry đã nhiều lần sang Việt Nam để giải quyết vấn đề người Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam (POW/MIA). Ông John Kerry từng là Chủ tịch Ủy ban tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam của Thượng viện Hoa Kỳ.

Song song với việc thúc đẩy bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ, Thượng nghị sĩ John McCain cũng luôn dành nhiều tâm sức cho cộng đồng người Việt tại Mỹ. Sự gần gũi của ông với cộng đồng này vượt trên cả quan hệ thông thường giữa chính khách và cử tri.

Ông John McCain gặp Đại tướng Đỗ Bá Tỵ vào tháng 6/2013. Ảnh: Reuters

Ông đã thực sự trở thành “cầu nối” giữa họ với chính quyền sở tại, cũng như với Chính phủ Việt Nam trong những năm đầu đầy khó khăn, do có nhiều người xa quê ở bên kia nửa vòng Trái đất chưa hiểu đúng về Tổ quốc.

Không chỉ thế, ông McCain còn luôn đồng hành cùng cộng đồng người Việt tại Mỹ trong những thời điểm quan trọng. Đánh giá về những đóng góp lớn của Thượng nghị sĩ McCain đối với quan hệ Việt Nam - Mỹ, trong cuộc gặp gỡ ở thủ đô Washington DC ngày 21/1/2016, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh nhấn mạnh ông McCain luôn dành những tình cảm quý báu cho Việt Nam trong suốt nhiều năm qua và có nhiều đóng góp lớn cho quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước. Đáp lại, Thượng nghị sĩ John McCain khẳng định ông luôn coi trọng quan hệ Việt - Mỹ và với ông, Việt Nam có vai trò, vị trí quan trọng tại khu vực.

Ông John McCain đến thăm lại nhà tù Hỏa Lò năm 2005. Ảnh: Reuters

Ngày nay, quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ đã có những bước tiến đáng kể trên tất cả các mặt, phù hợp với lợi ích của hai nước. Và trong những thành tựu mà hai nước có được thì John McCain chính là một trong những người góp phần quan trọng đặt nền móng cho mối quan hệ tốt đẹp ấy.

Có thể nói rằng Thượng nghị sĩ John McCain đã thể hiện quyết tâm lớn và một tầm nhìn chiến lược đối với mối quan hệ Việt Nam – Mỹ. Ông có một vị trí rất đặc biệt trong lịch sử mối quan hệ song phương này, là biểu tượng của tiến trình hòa giải, của tinh thần bước qua những mặc cảm quá khứ và sự khác biệt về thể chế để đi đến bình thường hóa và tiếp tục thúc đẩy quan hệ với một đối tác mà trước đây từng là cựu thù.    

Thượng nghị sĩ John McCain cũng chính là người ủng hộ nhiệt thành và nỗ lực không mệt mỏi cho việc thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện Việt - Mỹ. Vào những thời khắc khó khăn nhất của quan hệ hai nước, khi vẫn còn những tiếng nói nghi kỵ, thậm chí là phản đối quan hệ Việt-Mỹ, thì Thượng nghị sĩ McCain với tầm ảnh hưởng to lớn của mình đã đóng vai trò quyết định khiến tiến trình bình thường hóa đó không thể đảo ngược.     

Ông McCain trò chuyện cùng người dân khi đến thăm Hà Nội năm 1985. Ảnh: Gettyimages

Thượng nghị sĩ John McCain còn sẽ được nhớ tới như là một tiếng nói công bằng trong vấn đề Biển Đông. Năm 2014, ông chính là tác giả đồng bảo trợ Nghị quyết 412 của Thượng viện Mỹ về Biển Đông, trong đó cương quyết yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương-981 khỏi “vùng biển Việt Nam”. Đúng 1 tuần sau khi Nghị quyết 412 được Thượng viện Mỹ thông qua với số phiểu ủng hộ tuyệt đối, cùng với sự phản đối quyết liệt của ta và của dư luận thế giới, Trung Quốc đã rút giàn khoan.    

Trong hầu hết các tuyên bố bằng văn bản hay thư từ công khai, Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ John McCain đều gọi Biển Đông là Biển Đông (East Sea). Thượng nghị sĩ McCain cũng ủng hộ việc dỡ bỏ cấm vận vũ khí đối với Việt Nam và đề xuất Sáng kiến An ninh Hàng hải Đông Nam Á, mà nay gọi là Sáng kiến An ninh hàng hải Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Sự ra đi của Thượng nghị sĩ John McCain là một tổn thất đối với nhân dân Mỹ. Việt Nam đã mất đi một tiếng nói ủng hộ mạnh mẽ và hiệu quả trong chính giới Mỹ. Ngoài nước Mỹ, có lẽ không nước nào nhận được sự ủng hộ của ông như Việt Nam.

Video ông McCain gặp lại người đàn ông Việt Nam từng cứu ông tại hồ Trúc Bạch năm 1967 (nguồn: AP):

CHÍNH TRỊ GIA CHIẾN BINH

Với Việt Nam, ông được coi là cây cầu hữu nghị giữa hai dân tộc, còn với người Mỹ, ông được coi là một chính trị gia chiến binh khi cuộc đời là một cuộc đấu tranh không mệt mỏi.

Chính trị gia chiến binh ấy đã từng sống sót trong các vụ rơi máy bay, đấu tranh với các đối thủ chính trị, chiến đấu với căn bệnh ung thư da và u não ác tính… Ông lúc nào cũng trong trạng thái chiến đấu, chạy đua với thời gian và cái chết. Trong một cuốn hồi ký xuất bản tháng 5/2018, ông McCain đã viết rằng ông ghét việc phải rời bỏ thế giới, nhưng cũng không có gì phải phàn nàn. Ông nói: “Một hành trình khá dài. Tôi đã biết nhiều niềm đam mê vĩ đại, đã chứng kiến những điều thần kỳ, đã chiến đấu trong chiến tranh và đã giúp tạo lập hòa bình. Tôi đã sống rất tốt… Tôi đã trải qua nỗi tuyệt vọng sâu sắc nhất và cũng trải qua những niềm hân hoan tuyệt vời nhất. Tôi đã có một chỗ nhỏ cho bản thân trong câu chuyện của nước Mỹ và lịch sử thời đại của tôi”.

Ông John McCain tới Quốc hội bỏ phiếu tháng 12/2017. Ảnh: Reuters

Bất chấp tình trạng bệnh tật nghiêm trọng nhưng ông vẫn xuất hiện tại Thượng viện trong những cuộc bỏ phiếu quan trọng, ví dụ như lần bỏ phiếu phản đối đảng Cộng hòa bãi bỏ Đạo luật chăm sóc sức khỏe giá rẻ. 

Là con trai và cháu trai của những vị đô đốc Hải quân bốn sao, ông McCain đã mang theo danh tiếng của dòng họ vào những cuộc chiến cả ngoài chiến trường và trên vũ đài chính trị suốt hơn nửa thế kỷ qua. Cuộc đời ông là một hành trình tràn ngập tham vọng, bản năng của một con người nhà binh, một nhân tố nổi loạn từ thuở nhỏ và một tính cách bùng nổ.

Việt Nam chính là nơi cá tính của ông John McCain được thể hiện rõ nhất. Khi máy bay của ông bị bắn rơi ở Hà Nội, ông bị gãy tay và bị thương ở chân rồi bị bắt giam ở nhà tù Hỏa Lò. Có bố là tư lệnh các lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương trong giai đoạn ông làm tù binh ở Việt Nam suốt hơn 5 năm nên ông đã trở thành tù binh chiến tranh nổi tiếng nhất bấy giờ.

Với hàng triệu người Mỹ, McCain trở thành một biểu tượng của sự dũng cảm. Về nước trên hai cây nạng, tổn thương tâm lý, thương tật về thể xác nhưng tinh thần ông không gục ngã. Ông đã trải qua điều trị y tế và phục hồi chức năng nhưng bị khuyết tật vĩnh viễn. Ông không thể giơ hai cánh tay quá đầu, thậm chí không thể tự chải tóc.

Ông biết thời gian của mình đã cạn kiệt dần. Năm 2015, phát biểu với tờ New York Times, ông nói: “Từng ngày một trôi qua là bớt thêm một ngày tôi sẽ có thể phục vụ ở Thượng viện”. 

Ý thức được thời gian còn lại của mình, nên ông McCain vẫn tranh thủ thời gian để sống và cống hiến. Thậm chí sau sinh nhật 80 tuổi, ông vẫn duy trì một lịch trình làm việc dày đặc với các chuyến công du thế giới, gặp gỡ các lãnh đạo và tới vùng chiến sự. Những chuyến đi ấy khiến những đồng nghiệp của ông trong quốc hội cũng phải nghiêng mình kính nể. 

Mỗi sáng chủ nhật, ông thường xuất hiện trên các chương trình truyền hình ở Arizona để đưa ra quan điểm, nhận định. Khi ông Donald Trump được bầu làm tổng thống, ông McCain đã trấn an các lãnh đạo thế giới. Ông đã tới thăm một loạt nước trong nửa đầu năm 2017 trước khi ông bị chẩn đoán bệnh u não.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham cho rằng tốc độ và cường độ làm việc của ông McCain đã khiến sức khỏe ông bị ảnh hưởng: “Ông đã khiến bản thân kiệt sức với những chuyến đi vòng quanh thế giới”.

Sẵn sàng đón nhận cái chết, ông McCain đã lên kế hoạch cho đám tang của mình suốt 1 năm. Thậm chí ai được mời và ai không được mời ông cũng đều dự tính cả. Những người được chọn đọc điếu văn trong lễ tang ông gồm có các "đối thủ" trước đây, cựu Tổng thống Barack Obama và George W. Bush.

Đối mặt với bệnh tật một cách dũng cảm, khi được hỏi muốn mọi người nhớ tới mình ra sao, ông nói: “Ông ấy đã phục vụ đất nước, và không phải lúc nào cũng đúng, ông ấy đã mắc nhiều sai lầm. Nhưng ông ấy đã phục vụ đất nước và tôi hi vọng chúng ta có thể thêm từ đáng kính”.

HAI LẦN TRANH CỬ TỔNG THỐNG

Những trải nghiệm bạo liệt trong cuộc sống càng tôi luyện cho người chiến binh ấy trên vũ đài chính trị. Mẹ ông, bà Roberta McCain, chính là người truyền cảm hứng cho sự nghiệp của ông. Sau khi nghỉ hưu tại Hải quân Mỹ và ổn định cuộc sống tại bang Arizona, ông đã thắng cử hai nhiệm kỳ Hạ viện từ năm 1983 đến 1987 và 6 nhiệm kỳ tại Thượng viện. 

Ông McCain tại một sự kiện tranh cử trước 2 ngày diễn ra bầu cử sơ bộ tại New Hampshire năm 2000. Ảnh: Reuters

Ngày 27/9/1999, ông McCain thông báo tranh cử tổng thống Mỹ ở New Hampshire, tuyên bố đang phát động một cuộc chiến để giành lại quyền lực cho chính phủ và cho người dân. Ứng cử viên hàng đầu của đảng Cộng hòa khi đó là Thống đốc bang Texas George W. Bush, người được hỗ trợ chính trị và tài chính từ đa số thành viên gạo cội của đảng Cộng hòa.

Sau một loạt thất bại trong bầu cử sơ bộ tại các bang, ông McCain đã rút lui khỏi cuộc đua và ủng hộ ứng cử viên Bush.

Năm 2008, khi cuộc khủng hoảng tài chính diễn biến tồi tệ, ông McCain đã có một bước đi táo bạo nhất trong sự nghiệp chính trị khi ra tranh cử tổng thống Mỹ với ứng cử viên người Mỹ gốc Phi đầu tiên của một chính đảng lớn Barack Obama. Với danh tiếng được ghi nhận, ông đã chiến thắng tại một loạt cuộc bầu cử sơ bộ và giành được đề cử ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa.

Tuy nhiên, ông McCain không có nhiều cơ hội để đánh bại đối thủ Obama trong bối cảnh chính trị thời bấy giờ. Cử tri chán ghét chính quyền của Tổng thống George W. Bush thuộc đảng Cộng hòa. Hơn nữa, tâm lý chán ghét chiến tranh đã ăn sâu vào cử tri Mỹ sau hai cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq. Nền kinh tế Mỹ còn chịu tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. 

Hai lần tranh cử tổng thống thất bại, ông McCain trở thành tiếng nói phản biện tích cực đối với các tổng thống Mỹ. Ảnh: Reuters

Với bối cảnh đó, rất khó để một ứng cử viên Cộng hòa khác là ông McCain có cơ hội thắng cử. Dù thất bại nhưng các chuyên gia đánh giá ông McCain đã thể hiện tốt trong điều kiện cực kỳ khó khăn. Nhìn lại cuộc tranh cử tổng thống năm đó, ông McCain đánh giá ba lý do khiến ông thất bại: “Thứ nhất, Barack Obama là một ứng cử viên rất, rất mạnh và đó là điều quan trọng nhất. Thứ hai, thị trường chứng khoán sụp đổ khiến chúng ta rơi vào tình cảnh khó khăn thực sự. Thứ ba, người Mỹ đã sẵn sàng đón nhận thay đổi”.

Việc thất bại hai lần trong tranh cử tổng thống có nghĩa là ông McCain không chạm tới được phần thưởng chính trị cao nhất. Tuy nhiên, cũng tại cuộc bầu cử năm đó, mọi đối thủ chính trị và người dân Mỹ đã được chứng kiến một John McCain kiêu hãnh những cũng biết vượt qua mọi hiềm khích cá nhân vì mục đích cao cả nhất là phục vụ đất nước. Ông là người đầu tiên gọi điện chúc mừng Tổng thống Obama, đồng thời kêu gọi người ủng hộ đoàn kết vì nước Mỹ.

Ông John McCain trò chuyện với phóng viên trong một chiến dịch tranh cử ở West Palm Beach, Florida, tháng 1/2008. Ảnh: Reuters

Với hơn ba thập kỷ trên chính trường, vị thượng nghị sĩ ấy đã để lại những dấu ấn đặc biệt. Khi vĩnh viễn ra đi ở tuổi 82, ông đã trở thành một tượng đài chính trị trong lòng những người yêu mến ông.

Nước Mỹ, người dân Mỹ sẽ nhớ tới ông - một con người suốt đời tận tụy đấu tranh và cống hiến tới hơi thở cuối cùng cho đất nước. Cách xa nửa vòng Trái đất, người dân Việt Nam cũng sẽ nhớ tới John McCain - một nhịp cầu hữu nghĩ giữa hai dân tộc. Vĩnh biệt Thượng nghị sĩ!!!

Bài: Thùy Dương - Thanh Tuấn
Trình bày: Hồng Hạnh

26/08/2018 04:09