Bồi dưỡng Đảng viên trẻ trong trường đại học - Bài 2: Vào Đảng là nỗ lực không ngừng

Vượt qua "bức tường" tiêu chí chuyển đảng của trường đại học để trở thành đảng viên vẫn chưa đủ. Để duy trì tính tiên phong, xung kích luôn là vấn đề đặt ra trong việc nâng cao chất lượng đảng viên là sinh viên ở trường đại học.

Động cơ phấn đấu

Nhận định về những đảng viên mới, đảng viên trẻ, đồng chí Hứa Thanh Hoa, Bí thư Đoàn Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Sinh viên hiện nay có nhiều kiến thức, kỹ năng, năng động và thích nghi nhanh. Tuy nhiên, một bộ phận các bạn thiếu bản lĩnh, thiếu khả năng nhận định, phân tích, dẫn đến dễ nhiễu động và nhạy cảm trước các thông tin trái chiều. Một bộ phận khác ít quan tâm đến tình hình kinh tế - xã hội đất nước nói chung và chỉ quan tâm tới sự phát triển cá nhân”.

Chú thích ảnh
Hoạt động của sinh viên Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC 

Đảng viên trẻ Hoàng Minh Ngọc, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ, bản thân Ngọc đã trưởng thành từ hoạt động đoàn, hội. Qua hoạt động đoàn, hội, việc định hướng tư tưởng vào đảng của Minh Ngọc rõ ràng hơn.

“Tham gia hoạt động đoàn, hội giúp tôi học tập tốt hơn. Đây là nơi mà em cũng như nhiều sinh viên phát triển các kỹ năng mềm, thêm cơ hội học hỏi, bên cạnh các kiến thức được học ở giảng đường. Đồng thời, sinh viên sớm được tiếp cận với những định hướng trở thành đảng viên. Do đó, động cơ vào Đảng của mỗi đoàn viên tích cực hoạt động đoàn, hội cũng rõ ràng hơn”, Minh Ngọc nói.

Chia sẻ về những định hướng phát triển trong thời gian tới, Minh Ngọc cho rằng: “Đã là Đảng viên cần có tinh thần cống hiến và nêu gương. Bản thân em nhận thấy mình có nhiều trách nhiệm hơn, cần cống hiến cho xã hội và cộng đồng nhiều hơn”.

Giảng viên Trần Đức Hoà, Khoa Thông tin - Thư viện, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) được kết nạp Đảng từ khi còn là sinh viên và luôn đồng hành cùng sinh viên trong những hoạt động Đoàn, Hội. Những chương trình talkshow của sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn không thể thiếu vai trò của anh.

Giảng viên Trần Đức Hoà cho biết: “Với mỗi sinh viên có động cơ phấn đấu vào Đảng thì tổ chức Đoàn, Hội cần nêu rõ tiêu chí cũng như hiểu mong muốn của sinh viên. Từ đó, tổ chức đưa ra những tư vấn phù hợp để các em có định hướng phấn đấu. Khi là đảng viên chính thức rồi, các em cũng cần tiếp tục được dẫn dắt để luôn giữ được phong độ học tập cũng như tính tiên phong của đảng viên”.

GS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) khẳng định: “Việc đứng vào hàng ngũ của Đảng là tự nguyện, do đó các em sinh viên phải tự nguyện, nhà trường, Đảng bộ hỗ trợ tối đa cho các em”.

Chú thích ảnh
Sinh viên Hoàng Minh Ngọc tham gia hoạt động tình nguyện. Ảnh: NVCC

GS Hoàng Anh Tuấn dẫn chứng, trong tuần sinh hoạt công dân đầu năm khi nhập học, nhà trường luôn có chuyên đề phát triển Đảng để trao đổi cho sinh viên. Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng như phòng chính trị và công tác học sinh sinh viên, phòng đào tạo, đặc biệt là đoàn thanh niên và hội sinh viên nhà trường, luôn luôn lan tỏa tinh thần của nhà trường và giới thiệu cho các em được biết. Chính vì vậy, trong những năm vừa qua, số lượng sinh viên bày tỏ các nguyện vọng trong nhà trường chiếm tỷ lệ cao trên tinh thần tự nguyện.

Theo nhiều ý kiến từ các trường đại học, để củng cố, nâng cao chất lượng đảng viên nên dừng việc “giao chỉ tiêu về số lượng”, mà nên tập trung nâng cao chất lượng đảng viên đang có. Đây là bài toán cần có sự chung tay của các cấp.

Nêu cao tinh thần phê và tự phê 

Để nâng cao chất lượng đảng viên là sinh viên trong tình hình mới, theo GS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), ngay trong quá trình đào tạo bồi dưỡng và sàng lọc, nhà trường luôn trú trọng vào các hạt nhân. Nhiều em sau đó trở thành giảng viên, cán bộ nhà trường và là lực lượng nòng cốt ở những đơn vị nơi các em tới sau khi tốt nghiệp.

“Chúng tôi tự ý thức, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn là trường đặc thù trong lĩnh vực chính trị, tư tưởng, văn hoá, đạo đức. Dó đó, Đảng uỷ luôn phải cẩn trọng và đảm bảo về nhận thức tự nguyện của đảng viên trẻ là sinh viên cũng như sự trưởng thành của đảng viên sau kết nạp. Để có được điều này cũng là một phần ở trách nhiệm người đứng đầu, người được giao việc cũng như chỉ đạo nhất quán từ trên xuống”, GS Hoàng Anh Tuấn nói.

Video GS. Hoàng Anh Tuấn chia sẻ:

Theo đồng chí Hứa Thanh Hoa, khi trở thành đảng viên trẻ, các bạn sẽ là những hạt nhân của phong trào đoàn, tiếp tục quá trình tu dưỡng, rèn luyện để có thể gánh vác những trọng trách lớn hơn. Các đảng viên trẻ là tấm gương, là người dẫn đầu, cổ vũ các đoàn viên, thanh niên khác và trở thành nguồn lực quan trọng trong xây dựng tổ chức Đoàn cũng như tổ chức Đảng. Công tác này nếu làm tốt mới nâng cao được chất lượng đảng viên, chất lượng đội ngũ, làm nền tảng cho sự phát triển của tổ chức.

Chị Thanh Hoa cho biết: “Để  củng cố, nâng cao chất lượng đảng viên trẻ, Đoàn Thanh niên Đại học Quốc gia Hà Nội đã quan tâm tới công tác phát triển đảng, có sự lựa chọn, đánh giá kĩ từ khâu kết nạp đảng; thực hiện tốt công tác nêu gương. Các thầy cô giáo, các cán bộ đoàn làm gương cho sinh viên, thanh niên trong phấn đấu, rèn luyện và cống hiến; trẻ hóa công tác giáo dục của tổ chức Đoàn, lựa chọn những giải pháp, phương thức làm mềm hóa, phù hợp với thị hiếu của giới trẻ. Ví dụ, đoàn thanh niên tổ chức các hoạt động thi kiến thức chính trị bằng hình thức sân khấu hóa; truyền tải những thông tin tuyên truyền lịch sử, văn hóa qua các kênh truyền thông trực tuyến; tổ chức cho sinh viên gặp gỡ, giao lưu với những tấm gương vượt khó vươn lên, những trải nghiệm, được thấu hiểu; tạo cơ hội để sinh viên tham gia nhiều hơn các hoạt động xã hội, các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng”.

Ông Bùi Đức Hùng, Bí thư Đảng ủy Đại học Bách khoa Hà Nội nhấn mạnh: “Đảng ủy chú trọng công tác tạo nguồn, bồi dưỡng cảm tình đảng và đặc biệt quan tâm đến đối tượng là đoàn viên, thanh niên. Kết nạp đảng viên luôn phải coi trọng cả về số lượng và chất lượng. Người được kết nạp vào Đảng phải đảm bảo các tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định, đặc biệt chú ý đến sự giác ngộ lý tưởng của Đảng, đạo đức, lối sống và năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đảng ủy Đại học Bách khoa Hà Nội tiếp tục quan tâm xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ phụ trách công tác Đảng, cấp ủy các Đảng bộ bộ phận, chi bộ để đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thông qua việc đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về công tác tổ chức, xây dựng Đảng, nhất là các quy trình, thủ tục về công tác phát triển đảng viên”. 

Bài cuối: Chất lượng hơn số lượng

Lê Vân/Báo Tin tức
Bồi dưỡng Đảng viên trẻ trong trường đại học-Bài cuối: Chất lượng hơn số lượng
Bồi dưỡng Đảng viên trẻ trong trường đại học-Bài cuối: Chất lượng hơn số lượng

Trước vấn đề củng cố, nâng cao chất lượng đảng viên trong các trường đại học, cao đẳng, ông Nguyễn Thanh Sơn, Bí thư Đảng uỷ khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội cho rằng, phát triển đảng viên trẻ không nên là phong trào hoặc giao chỉ tiêu số lượng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN