Thưa ông, thời gian qua Đảng uỷ khối đã thực hiện Nghị quyết 21, Hội nghị Trung ương 5 về củng cố, nâng cao chất lượng đảng viên như thế nào?
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng ủy khối đã có kế hoạch phát triển đảng cho học sinh, sinh viên và kịp thời bổ sung những tinh thần của Nghị quyết 21, Hội nghị Trung ương 5. Trong đó, yêu cầu tất cả các tổ chức cơ sở Đảng hàng năm và cả nhiệm kỳ phải có kế hoạch phát triển đảng, tập trung vào những việc như sau:
Thứ nhất, Đảng ủy khối các trường đại học, cao đẳng tiếp tục tích cực làm công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho thanh niên, sinh viên. Tạo môi trường thuận lợi cho thanh niên, sinh viên có khát vọng cống hiến. Thông qua các hoạt động cộng đồng để tuyên truyền giúp các em gắn bó với trường, từ đó yêu Đảng hơn.
Thứ hai, tiếp tục mở các lớp giáo dục lý luận chính trị. Riêng năm 2022, Đảng ủy khối đưa ra chỉ tiêu tổ chức các lớp bồi dưỡng giáo dục lý luận chính trị cho trên 10.000 em theo Nghị quyết của Thành ủy Hà Nội.
Thứ ba, Đảng ủy khối tập trung thực hiện Nghị quyết 21, củng cố tổ chức cơ sở đảng. Trong đó, yêu cầu nâng cao nhận thức của các cấp uỷ, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy về công tác phát triển Đảng, gắn với trách nhiệm cấp ủy và người đứng đầu.
Thứ tư, hàng năm, Đảng ủy khối tiến hành các cuộc kiểm tra, giám sát. Trong đó có nội dung quan trọng là kiểm tra công tác phát triển Đảng với các hình thức cụ thể như: Đơn vị có xây dựng kế hoạch hay không, trong kế hoạch đặt ra mục tiêu gì và kết nạp được bao nhiêu đảng viên. Chi bộ đang gặp những khó khăn gì và giải pháp khắc phục ra sao. Công tác đào tạo bồi dưỡng đảng viên như thế nào đều được thể hiện rõ hàng năm, gắn với công tác thi đua của Đảng uỷ khối.
Có ý kiến cho rằng “phong trào phát triển đảng viên trong trường THPT phần nào đã ảnh hưởng đến chất lượng đảng viên là sinh viên kết nạp trong trường đại học”, ông có ý kiến gì về vấn đề này?
Phát triển đảng viên không nên là phong trào, vì đã là phong trào sẽ đến lúc thoái trào. Tôi nghĩ, phát triển đảng trong bậc phổ thông là cần thiết. Những học sinh có động cơ thực sự, phấn đấu trong học tập, rèn luyện và mong muốn đứng trong hàng ngũ của Đảng thì tổ chức nên quan tâm và tạo điều kiện để các em phát triển. Đây là tiền đề, nền tảng để các em phát triển tiếp khi lên đại học. Con số sinh viên kết nạp ở bậc phổ thông rồi khó chuyển đảng chính thức ở bậc đại học không nhiều. Trên thực tế, có một số đồng chí đi bộ đội mới vào học đại học. Khi vào học, tình trạng học tập sa sút, dẫn đến việc phải xóa tên khỏi tổ chức đảng là có.
Ở bậc THPT môi trường học tập hoàn toàn khác với bậc đại học. Trong khi đó, địa phương mong muốn có thành tích là phát triển nhiều về số lượng đảng viên trẻ. Đây là động cơ tốt. Nhưng cần làm rõ phát triển nhiều về số lượng khác với việc tạo điều kiện để các em có hành trang đầy đủ để bước vào môi trường học tập mới. Bởi khi vào đại học, nhiệm vụ chính trị số 1 của các em vẫn là học, nếu không đạt được học lực trung bình thì rất khó đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Khi vào đại học, nhiệm vụ chính trị số 1 của các em vẫn là học, nếu không đạt được học lực trung bình thì rất khó đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Trước thực trạng này, Đảng ủy khối cùng với các trường đại học đã đưa ra nhiều giải pháp. Thay vì đánh giá 1 kỳ thì cho các em có vài năm phấn đấu. Đảng ủy khối cũng đề nghị các trường linh hoạt trong kết quả học tập với những em này. Các em hoàn thành nhiệm vụ học tập là tốt, tạo điều kiện để các em chuyển đảng chính thức.
Thực tế, có những em được đánh giá là giỏi ở bậc phổ thông nhưng khi vào đại học là không theo kịp. Chẳng hạn, Đảng ủy cũng nêu điều kiện chung là học lực trung bình khá là có thể kết nạp được.
Tuy nhiên, nhiều trường có mặt bằng sinh viên khá, giỏi rất nhiều nên tiêu chí cần phù hợp với trường nữa. Ví dụ, mức học lực khá của sinh viên các trường top đầu như: Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Y Hà Nội... khác với sinh viên các trường top giữa.
Mặt khác, ngay trong cộng đồng sinh viên, các em cũng rất khắt khe trong việc bầu chọn đảng viên cũng như theo dõi sự phát triển của đảng viên trong chi bộ. Dù đảng ủy, ban giám hiệu ra định hướng như vậy nhưng kết quả học tập của cá nhân không tốt thì chính các em cũng không tán thành.
Vậy theo ông giải pháp trong thời gian tới là gì để khắc phục thực trạng vừa nêu?
Câu chuyện tồn tại nhiều năm chưa giải quyết được là sinh viên là đảng viên ra trường làm việc ở các doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ, nước ngoài không có tổ chức Đảng khiến nhiều em gặp khó khăn.
Thậm chí, có những em đã phải rời tổ chức Đảng. Có những em có tư cách đạo đức tốt, nhận thức được nhưng cũng không trách các em được khi rời Đảng bởi lựa chọn về thu nhập, môi trường sống. Hiện nay, Đảng ủy khối hay các trường cũng không nắm được có bao nhiêu sinh viên tốt nghiệp ra trường bỏ sinh hoạt Đảng.
Có một thực tế rất khó là Thành uỷ giao cho Đảng ủy khối vừa tiếp tục kết nạp đảng viên mới đi cùng với yêu cầu thắt chặt về quản lý chất lượng đảng viên. Thành uỷ thực hiện rất nghiêm việc tăng cường nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ: Đề cao tính phê và tự phê; tác phong, lề lối làm việc, ý thức chính trị; sinh hoạt chính trị phải trao đổi Nghị quyết, phải đưa những chuyên đề. Đồng thời nêu chi bộ làm gì, bàn gì, duy trì nề nếp sinh hoạt chi bộ. Trong đó phải có tính chiến đấu, tính chính trị không thuần tuý là chuyên môn...
Vừa rồi, tôi dự sinh hoạt ở 23 chi bộ đã thấy công tác này làm rất tốt. Những điều trên đây không phải là mới, mà làm lại những gì chúng ta đã làm một cách nghiêm túc hơn.
Đã đến lúc chúng ta phải đặt vấn đề phát triển đảng viên trong sinh viên chú trọng về chất lượng hơn số lượng. Bởi, phát triển Đảng được rồi nhưng để đứng trong hàng ngũ của Đảng là một vấn đề khác. Do đó, trách nhiệm của nhà trường cần nâng cao chất lượng đảng viên để các em đủ độ chín, bản lĩnh trước những thách thức của xã hội. Vì thế mới có câu chuyện, đảng viên được giáo dục, bồi dưỡng tốt rồi nhưng làm sao các đồng chí đủ bản lĩnh để có những lựa chọn phù hợp, trở thành lực lượng nòng cốt phát triển kinh tế - xã hội của đất nước mới là đích đến của việc siết chặt chất lượng đảng viên trẻ là sinh viên hiện nay.