Bồi dưỡng Đảng viên trẻ trong trường đại học - Bài 1: Thử thách với đảng viên dự bị từ cấp THPT

Tại Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 21/NQ-TW về nâng cao chất lượng phát triển đảng viên trong giai đoạn mới đã nhấn mạnh việc đổi mới nội dung, chương trình bồi dưỡng đối tượng kết nạp đảng và đảng viên mới nhằm tăng cường năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Nhân kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng, báo Tin tức xin giới thiệu loạt bài về việc thực hiện Nghị quyết này trong trường đại học.  

Đảng viên dự bị được xét kết nạp đảng ở cấp THPT nhưng lại gặp khó khăn khi chuyển đảng chính thức ở bậc đại học vì học lực chưa đạt yêu cầu. Đây là thực tế ở các trường đại học, đặc biệt những trường top đầu.

Yêu cầu cao với Đảng viên trẻ

Đảng bộ Đại học Quốc gia là một trong những Đảng bộ lớn thuộc Thành uỷ Hà Nội với hơn 2.000 đảng viên ở 32 chi bộ cơ sở. Lực lượng đảng viên trẻ là sinh viên đến từ các đơn vị thành viên đóng góp cho sự phát triển chung của Đảng bộ.

Ghi nhận trong những năm gần đây, số lượng tân sinh viên là đảng viên của Đại học Quốc gia Hà Nội ngày càng tăng. Tuy nhiên, bước vào môi trường đại học, không phải đảng viên dự bị hay đảng viên trẻ nào cũng đáp ứng được các tiêu chí do tổ chức đảng đề ra. Vì thế, đã có trường hợp đảng viên dự bị không đạt tiêu chí, buộc phải tiếp tục phấn đấu, thậm chí, có trường hợp đảng viên bị xóa tên.

Chú thích ảnh
Hoạt động tình nguyện của sinh viên khoa Toán cơ - Tin học, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC

Anh Trần Bá Tuấn, cán bộ Khoa Toán cơ - Tin học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) là một trong những đảng viên trẻ được kết nạp từ khi còn là sinh viên. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh được trường giữ lại.

“Trường Đại học Khoa học Tự nhiên là trường nghiên cứu khoa học cơ bản hàng đầu cả nước. Các bạn đã xác định vào trường thì việc học cần ưu tiên. Nhưng kết quả học tập không đạt thì sao nêu gương được cho sinh viên khác. Từng có những cuộc họp nhận xét để đảng viên dự bị chuyển đảng chính thức gây tranh cãi. Một số ý kiến cho rằng, hãy tạo điều kiện vì các bạn đã có quá trình phấn đấu bậc THPT. Sau khi trở thành đảng viên chính thức, đảng viên sẽ xác định lại việc học. Tuy nhiên, tôi phản đối và mong muốn hãy để cá nhân tiếp tục phấn đấu. Đã có những trường hợp không thể tiếp tục phấn đấu, rời khỏi Đảng bởi yêu cầu về học tập rất khắt khe”, anh Trần Bá Tuấn nói.

GS.TSKH Vũ Hoàng Linh, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), Bí thư Đảng ủy trường cho biết: “Đảng ủy Trường đưa tiêu chí khá cao đối với đảng viên dự bị là sinh viên. Vì vậy, các đảng viên dự bị được kết nạp Đảng khi là học sinh THPT gặp khó khăn để đạt được các tiêu chí này, nhất là sinh viên năm thứ nhất chưa quen với cách học ở bậc đại học, lại thường phải học các môn cơ bản, khó”.

Đảng viên Cao Thị Thuý Anh, Phó Bí thư Đoàn Trường Đại học Y Hà Nội cũng cho biết: “Tiêu chí về học tập của Trường Đại học Y Hà Nội là một thách thức với những đảng viên dự bị từ các trường phổ thông. Bên cạnh những tiêu chí khá phổ biến ở các trường đại học như: Điểm học tập loại khá trở lên, điểm rèn luyện tốt, hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, thì đảng viên ở Trường Đại học Y Hà Nội còn phải đáp ứng tiêu chí như phải có bài báo khoa học, giấy khen, bằng khen. Vì thế, trường cũng có một số sinh viên là đảng viên dự bị không đủ điều kiện để trở thành đảng viên chính thức vì kết quả học tập”.

Thực tế này diễn ra ở nhiều trường đại học khi những tân sinh viên là đảng viên dự bị “sốc” với môi trường học tập mới. Đảng viên Hứa Thanh Hoa, Bí thư Đoàn Đại học Quốc gia Hà Nội thì cho biết: “Quá trình thực tiễn công tác thanh niên tại đơn vị, tôi biết một số trường hợp đảng viên mới chưa bắt kịp với môi trường và phương thức học tập ở đại học nên có sự suy giảm về kết quả học tập cũng như tính xung kích, tiên phong của người đảng viên. Rất đáng tiếc, có những trường hợp trong quá trình rèn luyện, phấn đấu để trở thành đảng viên chính thức đã không đủ tiêu chuẩn để chuyển đảng chính thức (theo tiêu chuẩn cụ thể của từng tổ chức cơ sở Đảng)”.

Đảng mong muốn phát triển được nhiều đảng viên, nhưng không vì vậy mà không đưa ra khỏi Đảng những người không còn đủ tư cách. Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương

Tạo "khoảng chờ" để thích nghi 

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, ông Bùi Đức Hùng, Bí thư Đảng ủy Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: “Hiện nay số đảng viên kết nạp Đảng ở địa phương trước khi vào đại học khá lớn. Khi chuyển đến sinh hoạt Đảng ở bậc đại học, một số bạn gặp khó khăn như chưa quen với môi trường và phương pháp học tập mới, nề nếp sinh hoạt khi xa gia đình, những tác động của ngoại cảnh... dẫn đến kết quả học tập và rèn luyện không đạt tiêu chuẩn để xét chuyển đảng chính thức”.

Đảng ủy Đại học Bách khoa Hà Nội đã chỉ đạo chi ủy các chi bộ sinh viên và Ban thường vụ Đoàn trường quan tâm tạo điều kiện trong phân công nhiệm vụ đảng viên cũng như giúp đỡ để các đồng chí này bố trí thời gian học tập hợp lý, cải thiện kết quả học tập và rèn luyện. Đảng ủy trường cũng cho phép kéo dài thời gian phấn đấu cho các đảng viên này thêm một học kỳ.

Theo GS. TSKH Bí thư Đảng ủy Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đảng ủy trường luôn xác định bồi dưỡng, rèn luyện và phát huy sức mạnh của đội ngũ đảng viên đã có, kết nạp thêm những đảng viên mới có chất lượng cao vào Đảng, đưa những người không xứng đáng, không đủ tư cách, phẩm chất đảng viên ra khỏi Đảng.

Trước thực trạng đảng viên mới còn gặp khó khăn trong thích nghi với môi trường đại học, Đảng bộ trường đã phân công đảng viên giúp đỡ, phổ biến các quy định của Đảng ủy trường tới các đảng viên dự bị ngay từ khi nhập học. Bên cạnh đó, Ban tổ chức Đảng ủy trường cũng tư vấn cho Đảng ủy trường ban hành các tiêu chuẩn riêng để chuyển đảng chính thức cho đối tượng này. Để được chuyển đảng chính thức, đảng viên dự bị được kết nạp ở trường THPT cần có kết quả học tập đạt loại khá trở lên tại thời điểm xem xét.

Chú thích ảnh
Sinh viên Nguyễn Ngọc Minh Hải cùng các bạn lên đường vào Nam chống dịch COVID-19. Ảnh: NVCC. 

Cách làm này cũng là giải pháp của Trường Đại học Y Hà Nội. Theo đồng chí Cao Thị Thuý Anh, Phó Bí thư Đoàn trường, Đoàn Thanh niên nắm được thực trạng và phối hợp với chi bộ sinh viên để có văn bản đề xuất Đảng ủy cho kéo dài thời gian dự bị của các sinh viên này. Điều này để giúp đỡ các em trong quá trình học tập cũng như tìm hiểu nguyên nhân, tâm lý của các em, giúp các em có động lực trong cuộc sống, đảm bảo vượt qua các kỳ thi để đủ điều kiện trở thành đảng viên chính thức.

Bên cạnh đó, các cấp bộ đoàn, hội đã tạo môi trường, hoạt động thực tiễn giúp những đảng viên dự bị gắn bó với trường, thêm động lực để phấn đấu trong học tập, rèn luyện.

Sinh viên Nguyễn Ngọc Minh Hải, chuyên ngành Bác sĩ đa khoa, Trường Đại học Y Hà Nội cho biết: “Áp lực học tập của sinh viên trường y gần như được xếp vào hàng “đặc thù”. Để cân đối được học tập và hoạt động Đoàn, Hội là cả một sự cố gắng. Cá nhân em thấy, dù ở trường nào thì các hoạt động Đoàn, Hội đều gắn với nhiệm vụ đào tạo. Vì thế, những hoạt động này lại giúp em cân bằng được việc học và thêm nỗ lực phấn đấu”.

Bên cạnh những hoạt động bề nổi, những hoạt động chiều sâu được Đoàn thanh niên Trường Đại học Y Hà Nội thực hiện là: Thúc đẩy sự tìm tòi, nghiên cứu khoa học trong sinh viên Y; Thúc đẩy phong trào học ngoại ngữ; Tạo điều kiện về kinh phí tổ chức, sự quan tâm, truyền thông về các hoạt động liên quan đến ngành học để sinh viên có động lực học tập. Đồng thời gắn với tuyên dương, khen thưởng thông qua các cuộc thi thường niên như: Sinh viên của năm, Cuộc thi tìm kiếm gương mặt đại diện cho sinh viên...

Bí thư Đoàn Đại học Quốc gia Hà Nội Hứa Thanh Hoa cho biết: “Đoàn Thanh niên Đại học Quốc gia Hà Nội hàng năm tổ chức nhiều chương trình, hoạt động, qua đó bồi dưỡng sinh viên về phẩm chất, năng lực, kỹ năng, tầm nhìn bằng những hoạt động cụ thể như thi tìm hiểu kiến thức, tọa đàm, hành trình về nguồn, các chương trình tình nguyện, các lớp học phát triển kỹ năng... Thông qua các hoạt động của tổ chức đoàn, hội, sẽ dễ dàng nhận diện các sinh viên ưu tú làm nguồn giới thiệu cho Đảng”.  

Bài 2: Vào Đảng là nỗ lực không ngừng 

Lê Vân/Báo Tin tức
Bồi dưỡng Đảng viên trẻ trong trường đại học-Bài cuối: Chất lượng hơn số lượng
Bồi dưỡng Đảng viên trẻ trong trường đại học-Bài cuối: Chất lượng hơn số lượng

Trước vấn đề củng cố, nâng cao chất lượng đảng viên trong các trường đại học, cao đẳng, ông Nguyễn Thanh Sơn, Bí thư Đảng uỷ khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội cho rằng, phát triển đảng viên trẻ không nên là phong trào hoặc giao chỉ tiêu số lượng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN