Dự án tham dự cuộc thi cần đáp ứng các yêu cầu chính như: Có ý tưởng sáng tạo phục vụ chính sách để phát triển du lịch; xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc, đặc trưng, độc đáo trên cơ sở khai thác, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa và con người, gia tăng trải nghiệm thú vị cho du khách; xây dựng môi trường du lịch an toàn, an ninh cho khách du lịch; ứng dụng công nghệ trong việc hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch và công tác quảng bá, xúc tiến du lịch gắn với đô thị thông minh.
Ban tổ chức cuộc thi sẽ chọn ra các dự án sáng tạo nổi bật để trao cơ hội được tiếp cận và nhận sự tư vấn, đào tạo, hỗ trợ từ các chuyên gia trên các lĩnh vực du lịch, kinh tế, quản trị tài chính, quản trị rủi ro, quản lý dự án, quản lý đầu tư... nhằm phát huy và ươm mầm các giá trị đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre Nguyễn Văn Trung, cuộc thi là cơ hội để ngành du lịch tiếp nhận các ý tưởng sáng tạo nhằm nâng cao kết quả hoạt động. Từ đó, các doanh nghiệp hàng đầu cùng tham gia ươm tạo, huấn luyện, đầu tư để góp phần hình thành các doanh nghiệp trẻ, sản phẩm sáng tạo trong tương lai. Thông qua cuộc thi, các ý tưởng sáng tạo sẽ được được các địa phương có điều kiện trong khu vực triển khai kết nối thực hiện, tạo thành hệ sinh thái du lịch bền vững.
Ông Nguyễn Văn Trung cho rằng, để thích ứng với sự phát triển và hướng tới mục tiêu du lịch xanh, bền vững, việc phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch độc đáo, mang đậm bản sắc bản địa cần được ưu tiên hàng đầu. Ngoài ra, việc nâng cao chất lượng các chương trình, sản phẩm du lịch là yếu tố thiết yếu để thu hút du khách và phục vụ việc tái định vị thương hiệu du lịch mỗi địa phương. Điều này đòi hỏi những cách tiếp cận mới như du lịch thông minh, du lịch an toàn, du lịch bền vững và du lịch bản địa bằng cách sử dụng các mô hình mới được thúc đẩy mạnh mẽ dựa trên chuyển đổi kỹ thuật số và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Song song đó, các doanh nghiệp du lịch liên tục sáng tạo, thay đổi các phương thức nghiên cứu, tiếp cận thị trường, vận hành doanh nghiệp, liên kết các chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng dựa trên nền tảng công nghệ tạo động lực và nền tảng vững chắc để phát triển du lịch bền vững.
Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Thị Ngọc Hiếu cho biết, thời gian qua, sự liên kết, hợp tác giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long đã góp phần thúc đẩy, phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Số lượt du khách nội địa và quốc tế đến tham quan và lưu lại tại Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng tăng. Sản phẩm du lịch đặc trưng của từng vùng, miền ngày càng phong phú. Cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ phát triển du lịch tiếp tục được quan tâm đầu tư để ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu chia sẻ, cuộc thi lần đầu tiên được tổ chức với quy mô vùng sẽ góp phần phát huy trí tuệ, tâm huyết, sự sáng tạo của tất cả các dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch và khả năng kết nối liên vùng nhằm phát triển du lịch cho các địa phương; đồng thời kêu gọi sự hưởng ứng tham gia tích cực của các tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, các trường đại học, cao đẳng và cộng đồng trên cả nước, các tổ chức nước ngoài nhằm tạo hiệu ứng xã hội rộng lớn, để lại dấu ấn tốt đẹp về tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đặc biệt là đối với ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Tại lễ phát động, đại diện các cá nhân, doanh nghiệp có dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo du lịch thành công trong các năm vừa qua đã giới thiệu về dự án; chia sẻ về hệ sinh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và tầm quan trọng của việc đổi mới sáng tạo trong du lịch. Đơn vị đồng hành cuộc thi giới thiệu và hỗ trợ kỹ thuật trong việc đăng ký tham gia cuộc thi.