Lơ là quản lý loại hình du lịch nước ngoài

Theo thống kê của Hiệp hội du lịch Việt Nam, năm 2018 có gần 10 triệu người Việt Nam du lịch nước ngoài và đang có xu thế tăng mạnh. Cùng với sự phát triển của loại hình du lịch này, công tác quản lý cũng cần được siết chặt hơn.

Chưa được đánh giá đúng thực tế

Để có số liệu chính thức cho diễn đàn du lịch người Việt Nam đi du lịch nước ngoài (outbound) lần đầu tiên được tổ chức mới đây, Hiệp hội du lịch Việt Nam đã phải thống kê từ 15 thị trường chính của khách Việt Nam dựa trên chính số liệu do các cơ quan du lịch các nước công bố.

Chú thích ảnh
Hàn Quốc là điểm đến của nhiều du khách Việt Nam

Thị trường mà khách Việt đến nhiều nhất là Trung Quốc. Năm 2014, người Việt đi Trung Quốc là 1,98 triệu người, thì đến 2018 là gần 4 triệu người, trong khi cũng có gần 5 triệu khách Trung Quốc sang Việt Nam vào năm 2018. Năm 2014, mới có 185.400 người Việt đi du lịch Nhật Bản, thì năm 2018 là xấp xỉ 400.000 người. Tổng hợp từ 15 thị trường khách Việt Nam đến du lịch nhiều nhất cho thấy lên tới gần 10 triệu lượt năm 2018 và có mức tăng 10-12%/năm. Đi du lịch nước ngoài góp phần tăng cường hiểu biết, quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam, tìm kiếm cơ hội đầu tư…

“Số lượng nhiều như vậy nhưng hệ thống văn bản pháp luật cũng như quy định của các cơ quan chức năng cho hoạt động outbound chưa rõ ràng nên loại hình du lịch này chưa được đánh giá tương xứng với tiềm năng”, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch đánh giá.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quang Thắng, Giám đốc Công ty Tictour travel (Khánh Hòa), cho rằng: “Do nhìn nhận chưa đúng về du lịch outbound nên chưa có quy định rõ ràng dẫn tới tình trạng nhiều công ty lữ hành chưa đủ năng lực, không có giấy phép vẫn tổ chức cho khách du lịch nước ngoài. Đỉnh điểm là vụ 152 khách Việt bỏ trốn ở Đài Loan (Trung Quốc) hồi tháng 12/2018, khi thanh tra Sở Du lịch thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vào cuộc kiểm tra mới vỡ lẽ công ty tổ chức cho các đoàn khách trên có đơn vị không có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế nhưng vẫn gom khách”.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công ty du lịch Transviet cho biết: “Có những tour khuyến mại, 1/3 số khách đăng ký tour đi Hàn Quốc trong đoàn có biểu hiện nghi vấn trốn ở lại làm lao động. Các công ty du lịch làm ăn chân chính đều có thể kiểm soát được việc này nhưng cũng không ít công ty lữ hành làm ăn chộp giật, tiếp tay cho người đội mác đi du lịch sau đó trốn ở lại nước ngoài lao động bất hợp pháp”.

“Việc khách du lịch bỏ trốn, trong đó có sự tiếp tay của công ty du lịch “ma” đang để lại ảnh hưởng rất xấu đến hoạt động du lịch của các đơn vị làm ăn chân chính. Đơn cử như sau vụ 152 khách Việt Nam bỏ trốn tập thể, phía Đài Loan đã tạm dừng loại hình cấp visa Quan Hồng với tất cả các công ty du lịch Việt Nam (chính sách ưu đãi visa khách đoàn) và khi nối lại thì siết chặt hơn. Thực tế khi đi làm visa cho khách đi Đài Loan khó hơn trước”, ông Đặng Thanh Tùng, Giám đốc Neworld Travel chia sẻ.

“Do không có quy định quản lý nên có tình trạng các công ty làm đại lý gom khách cho doanh nghiệp outbound cũng ngang nhiên cho là công ty đứng ra tổ chức tour. Để ngăn chặn thì phải xử lý nghiêm ngay từ đầu”, ông Nguyễn Quang Thắng thẳng thắn.

Còn theo ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc HanoiRedtour, khách du lịch nước ngoài giờ còn kết hợp chữa bệnh, làm đẹp. Để đảm bảo quyền lợi của du khách, cơ quan quản lý cần bổ sung thêm điều kiện chặt chẽ hơn khi cấp phép cho các doanh nghiệp lữ hành outbound theo từng mảng chuyên đề này. Cũng liên quan đến bảo vệ quyền lợi du lịch, ông Nguyễn Tiến Đạt cho hay, lợi dụng sự thiếu hiểu biết và ham rẻ của khách hàng, nhiều công ty du lịch chào bán các tour du lịch nước ngoài kém chất lượng, bớt xén, cắt đi các điểm tham quan hoặc trải nghiệm, cho vào các điểm shopping bắt buộc để hạ giá thành, kiếm thêm lợi nhuận. Các dịch vụ ăn nghỉ, đi lại không tương xứng với đồng tiền bỏ ra và quảng cáo.

Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhận xét, do nhìn nhận du lịch outbound thuần túy chỉ là hoạt động kinh tế nên loại hình này chưa được quan tâm thích đáng. Ngay cả trong những báo cáo của Tổng cục Du lịch không tổng hợp số liệu du lịch outbound.

Cần hành lang pháp lý phù hợp

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung cho rằng: “Du lịch là sự cấu thành của 3 loại hình: Đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (inbound), đưa khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài (outbound) và khách du lịch nội địa. Ba loại hình này cần được cân đối để bảo đảm sự phát triển của du lịch. Đồng thời cần chỉ rõ một số vấn đề còn tồn tại liên quan đến dòng khách outbound, khuyến khích và quan tâm đúng mức tới loại hình du lịch này”.

Từ truyền thông và mạng xã hội cho thấy người Việt Nam đến nay đã in dấu chân của mình ở khắp nơi trên thế giới, cả những nơi tưởng chừng xa xôi nhất như: Bắc Cực, Nam Cực, sa mạc Sahara…”Với số lượng người Việt đi du lịch ngày càng đông, đã đến lúc xem xét phương thức bảo vệ khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài. Nhất là các vụ việc đã từng xảy ra như vụ 700 khách Việt Nam bị Công ty du lịch Travel Life bỏ rơi ở Bangkok, Thái Lan (năm 2013); 56 khách Việt Nam trốn lại đảo Jeju của Hàn Quốc (năm 2016) và gần đây nhất là sự việc 152 khách Việt bỏ trốn tập thể ở Đài Loan (2018)… Thực tế, mức xử phạt hành chính như hiện nay không có tính răn đe, không giải quyết đến nơi đến chốn khiến nguy cơ tái diễn gia tăng thời gian tới”, ông Vũ Thế Bình nhận xét.

Ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist cho rằng: “Du lịch outbound cần được định hướng bởi một cơ quan cụ thể để giám sát, đồng thời đồng hành cùng doanh nghiệp giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức du lịch outbound”.

Còn ông Nguyễn Tiến Đạt phàn nàn: “Trong Luật Du lịch sửa đổi năm 2017 đã có quy định về mức đóng tiền ký quỹ kinh doanh lữ hành quốc tế, tiêu chuẩn người điều hành du lịch, tiêu chuẩn HDV du lịch quốc tế. liên tiếp những sự việc khách Việt bỏ trốn xảy ra nhưng rốt cuộc đều bị “chìm xuồng” cho thấy các cấp quản lý chưa thực sự quan tâm và có những biện pháp quản lý tốt nhất đối với hoạt động du lịch outbound. Bên cạnh đó, khi khách lựa chọn đi du lịch tại những vùng có mức độ an ninh chưa đảm bảo, cơ quan quản lý phải có cảnh báo để du khách biết mà phòng tránh. Chứ không để xảy ra tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”, như vụ việc xe chở khách du lịch bị đánh bom ở Ai Cập, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mới có thông tin đôn đốc kiểm tra, rồi sau đó cũng rơi vào im lặng”.

Ngay sau vụ khách Việt bỏ trốn tập thể tại Đài Loan (Trung Quốc) cuối năm 2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã có công văn yêu cầu địa phương và Tổng cục Du lịch chấn chỉnh hoạt động này. Bộ cũng nhận định thời gian qua, hiện tượng lợi dụng du lịch để đưa người Việt Nam ra nước ngoài trái phép có chiều hướng gia tăng, gây ảnh hưởng đến hình ảnh của ngành du lịch Việt Nam. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu các doanh nghiệp lữ hành quốc tế kiểm tra, rà soát các đối tượng khách trước khi nhận khách, thực hiện thủ tục thị thực xuất cảnh; đồng thời rà soát, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh đưa khách Việt Nam ra nước ngoài du lịch của các doanh nghiệp lữ hành quốc tế.

“Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, Tổng cục Du lịch đang triển khai xây dựng dự thảo bộ quy tắc ứng xử cho người Việt Nam đi nước ngoài, sau khi được phê duyệt sẽ in ấn và phát hành trên các hãng hàng không để du khách Việt Nam tham khảo và có cách ứng xử phù hợp”, ông Ngô Hoài Chung cho biết.

Bài và ảnh: Xuân Cường/Báo Tin tức
Tỷ lệ thất nghiệp dài hạn có xu hướng tăng lên
Tỷ lệ thất nghiệp dài hạn có xu hướng tăng lên

Theo Viện nghiên cứu Lao động Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), tỷ lệ thất nghiệp dài hạn (12 tháng trở lên) có xu hướng tăng lên, chiếm hơn 34% tổng số người thất nghiệp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN