Nhiều lễ hội đầu xuân mới khai mạc trên cả nước

Ngày 25/2 (mùng 10 tháng Giêng), tại khu di tích lịch sử văn hóa đền Hạ (xã Minh Quang, huyện Ba Vì, Hà Nội), Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ huyện Ba Vì đã tổ chức lễ đón bằng công nhận Tục thờ Tản Viên Sơn Thánh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; khai hội Tản Viên Sơn Thánh và khai trương du lịch Ba Vì năm 2018.

Ông Nguyễn Thế Hùng (bên phải), Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa trao bằng chứng nhận tục thờ Tản Viên Sơn Thánh là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia cho lãnh đạo huyện Ba Vì. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN

Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh năm 2018 diễn ra trong 3 ngày từ 23 - 25/2 với nhiều hoạt động như: Dâng hương tri ân tổ tiên, tổ chức các trò chơi dân gian, giao lưu thể thao, tổ chức phiên chợ quê, giao lưu văn nghệ của nhân dân địa phương...

Lễ hội diễn ra đảm bảo đúng nghi thức truyền thống, trang trọng về nghi lễ, đa dạng và phong phú về phần hội, phát huy tối đa nội lực và các tiềm năng, thế mạnh về bản sắc văn hóa của các địa phương trên địa bàn huyện Ba Vì.

Đặc biệt, tại lễ hội năm nay đã diễn ra lễ đón bằng công nhận Tục thờ Tản Viên Sơn Thánh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng. Hoạt động này được tổ chức đã góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tinh thần của người dân Ba Vì nói riêng và cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung đối với công đức của Đức Thánh Tản Viên Sơn. Đồng thời, đây cũng là dịp giới thiệu, quảng bá, xúc tiến phát triển và gắn kết các sản phẩm du lịch thế mạnh trên địa bàn huyện Ba Vì.

Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Bạch Công Tiến cho biết: Ba Vì được coi là nơi phát tích về truyền thuyết Đức Thánh Tản - Sơn Tinh và là nơi ra đời của tục thờ Đức Thánh Tản Viên Sơn. Hiện nay, trên toàn huyện có tới gần 100 di tích thờ Tản Viên Sơn Thánh. Hằng năm, cụm di tích đền Thượng - đền Trung - đền Hạ thờ Đức Thánh Tản Viên Sơn đón gần một triệu lượt du khách trong và nước ngoài về hành lễ, nhất là vào dịp lễ hội đầu năm.

Năm 2018 là năm thứ 10 huyện Ba Vì khôi phục và tổ chức lễ hội Tản Viên Sơn Thánh tại cụm di tích đền Thượng - đền Trung - đền Hạ.

Dịp này, lãnh đạo thành phố Hà Nội cùng lãnh đạo huyện Ba Vì đã đánh trống khai hội Tản Viên Sơn Thánh; cắt băng khai trương du lịch Ba Vì năm 2018...

* Sáng cùng ngày, tại xã Yên Ninh, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa đã diễn ra lễ trao bằng công nhận lễ hội Trò Chiềng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Một trò chơi dân gian tại lễ hội. Ảnh: Khiếu Tư/TTXVN

Lễ hội Trò Chiềng ở làng Trịnh Xá, xã Yên Ninh, huyện Yên Định là trò diễn mang đậm yếu tố văn hóa cung đình, được dân gian hóa và được lưu giữ chốn thôn dã. Lễ hội phản ánh cuộc sống lao động, chiến đấu, mơ ước của nhân dân, gắn liền với lịch sử chống giặc ngoại xâm và tên tuổi của Tướng quân Tam công Trịnh Quốc Bảo - người có công lớn trong việc dẹp giặc, gìn giữ non sông, tạo dựng và truyền dạy Trò Chiềng cho người dân xã Yên Ninh.

Với những ý nghĩa đó, Trò Chiềng đã nhiều lần được công diễn tại các lễ hội, sự kiện lớn của đất nước và tỉnh Thanh Hóa như: Dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, lễ hội Lam Kinh, lễ hội 100 năm du lịch Sầm Sơn, lễ hội du lịch biển Hải Tiến...

Sau hơn 60 năm thất truyền (từ năm 1946 đến 2007), Trò Chiềng  đã được khôi phục với đầy đủ 12 trò diễn đặc sắc, trở thành một nét đẹp văn hóa được gìn giữ và tổ chức hằng năm. Mở đầu lễ hội Trò Chiềng là phần tế lễ rước Thành hoàng làng, kiệu vàng... Cụ Tiên chỉ hoặc một vị lão làng được Hội đồng làng tiến cử làm chức "Thượng soạn" tức là người điều khiển diễn trò. Phần hội trong lễ hội Trò Chiềng có các trò đặc sắc như: Kén rể, tẩu mã, chọi voi, chọi rồng - cá chép hóa rồng, lễ rước Phụng Hoàn...

Thuở sơ khai, Trò Chiềng vốn chỉ là trò voi trận (còn gọi là chọi voi) sau đó phát triển thành lễ hội với 12 trò diễn, tuy nhiên trò chọi voi vẫn được coi là linh hồn của Trò Chiềng. Trong trò chọi voi có voi chầu và voi chọi, voi chọi được đan bằng tre và mây, do 4 thanh niên lực lưỡng vác 4 chân và 1 lão nông khoẻ mạnh, có nhiều kinh nghiệm cầm cần điều khiển đầu voi để chọi.

Khi "Thượng soạn" phát lệnh, 2 con voi sẽ xông vào nhau, chọi bằng 2 chiếc ngà; lệ xưa quy định, voi sẽ chọi trong  2 vòng, mỗi vòng 3 hiệp, con nào bị đẩy lùi thì bị thua. Sau khi trò diễn kết thúc, tất cả voi, ngựa, rồng, được đem hóa yết cáo trời đất, tri ân công đức của cha ông và các bậc tiền nhân.

Người sáng lập ra Trò Chiềng là Thành hoàng Tam Công Trịnh Quốc Bảo (998 - 1085). Thành hoàng Tam Công Trịnh Quốc Bảo còn có tên là Trịnh Bạn, người làng Định Xá (làng Chiềng). Trịnh Quốc Bảo làm quan dưới triều Lý, có công giúp vua Lý Thánh Tông đánh quân Tống ở phía Bắc, dẹp yên giặc Chiêm Thành ở phía Nam nên được phong là Đông Phương Hắc Quang Đại Vương.

Theo truyền thuyết dân gian, vua Lý Thánh Tông lệnh cho tướng quân Trịnh Quốc Bảo tìm kế sách đánh giặc. Một lần, trong giấc chiêm bao Trịnh Quốc Bảo thấy 2 con voi (ứng với đó là 2 ngọn núi: Núi Vàng và núi Khoai, nằm ở phía Tây của làng Trịnh Xá) giữa một cánh đồng đang gầm gừ nhau. Từ đó ông đã nghĩ ra cách đánh giặc bằng cách xây dựng một đội tượng binh bằng tre nứa trông như voi thật.

Ngoài ra, ở vòi voi còn được trang bị pháo hoa để lúc xung trận, pháo hoa phát hỏa, kèm theo tiếng nổ inh tai như sấm ran, chớp giật, khói bay mù mịt khiến quân giặc hoảng sợ chạy tán loạn. Sau khi thắng trận, triều Lý mở hội, ôn lại chiến thắng giặc Chiêm Thành. Trò voi trận của tướng quân Trịnh Quốc Bảo được nhà vua yêu cầu biểu diễn và đã được ban khen. Sau khi mất, Trịnh Quốc Bảo được phong là Phúc thần làng Trịnh Xá .

Lễ hội Trò Chiềng tại làng Trịnh Xá diễn ra từ ngày 10-12 tháng Giêng để tưởng nhớ công lao của Tam Công Trịnh Quốc Bảo. Lễ hội cũng là dịp người dân thể hiện tín ngưỡng tâm linh, cầu cho dân an vật thịnh, mùa màng tốt tươi...
 
* Cùng ngày 25/2 (tức mùng 10 tháng Giêng), lễ hội Lồng tồng đã diễn ra tại thôn Đèo De, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên với ý nghĩa cầu cho một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Thi cấy tại Lễ hội. Ảnh: Thu Hằng/TTXVN

Lễ hội năm nay được tổ chức trang trọng với hai phần, phần lễ và phần hội, thu hút sự tham dự của nhiều người dân và du khách; qua đó góp phần nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trong tỉnh Thái Nguyên. Phần lễ bao gồm các hoạt động: Lễ dâng hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; lễ cầu mùa của đồng bào dân tộc Tày, Sán Chay; lễ cầu phúc, lễ cày tịch điền...

Phần hội diễn ra sôi nổi với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao như: Tung còn, thi cắm trại; thi văn nghệ; giã bánh dày; thi cấy; thi đi cà kheo, kéo co, đẩy gậy; triển lãm tranh; tái hiện không gian văn hóa trà...

Nét đặc sắc của lễ hội Lồng tồng huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên chính là những tiết mục múa rối cạn của phường rối người Tày, lễ tịch điền và nhiều nghi lễ cầu mùa khác của đồng bào dân tộc Tày, dân tộc Sán Chay và lễ cầu phúc của đồng bào dân tộc Dao. Những mâm cỗ tế lễ được người dân trong vùng chuẩn bị công phu với lòng thành kính, biết ơn các vị thần rừng, thần núi, thần trời và thần đất. Đây không chỉ là nét đặc sắc trong truyền thống văn hóa của đồng bào các dân tộc mà còn thể hiện ý nghĩa tâm linh sâu sắc.

Dịp này cũng đã diễn ra lễ trao bằng công nhận lễ hội Lồng tồng ATK Định Hóa - Thái Nguyên là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

TTXVN/Báo Tin tức
Đón Bằng công nhận Tục thờ Tản Viên Sơn Thánh là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia
Đón Bằng công nhận Tục thờ Tản Viên Sơn Thánh là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia

Lễ đón nhận Bằng công nhận Tục thờ Tản Viên Sơn Thánh là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia sẽ được huyện Ba Vì tổ chức vào ngày 25/2 (mùng 10 tháng Giêng) đúng dịp khai hội Tản Viên Sơn Thánh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN