Nét văn hóa độc đáo của người Mông nơi đại ngàn xanh Nà Hẩu

Đối với đồng bào dân tộc Mông ở xã Nà Hẩu (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái), lễ cúng rừng hay còn gọi Tết rừng có từ khi tổ tiên di cư đến nơi đây lập làng, lập bản và trở thành bản sắc văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng có.

Độc đáo lễ cúng rừng

Chú thích ảnh
Lễ vật để dâng cúng Thần rừng gồm một cặp gà trống - mái, một con lợn đen, xôi, rượu, hương và giấy bản. Ảnh: TTXVN phát

Xã Nà Hẩu nằm trong vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu với diện tích tự nhiên hơn 5.640 ha. Toàn xã có hơn 500 hộ dân với trên 2.500 nhân khẩu. Dù cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn nhưng họ luôn đồng lòng gìn giữ bảo vệ rừng bằng những luật tục truyền từ đời này sang đời khác.

Ông Sùng Nhà Páo ở thôn Bản Tát chia sẻ, đối với người Mông Nà Hẩu, rừng như nguồn sống, là mái nhà che chở, chỗ dựa tinh thần của cộng đồng. Đồng bào nơi đây đã trải qua hàng trăm năm chung sống hòa thuận với rừng, bà con đặt ra những quy định, hương ước về việc giữ, bảo vệ rừng và được cộng đồng tôn trọng, truyền từ đời này sang đời khác.

Chú thích ảnh
Thầy cúng tiến hành nghi lễ cúng thần rừng. Ảnh: TTXVN phát

Vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hằng năm, các bản, làng trong xã Nà Hẩu lại tụ họp về khu rừng cấm, rừng thiêng của thôn để tổ chức Tết rừng. Ngày nay, dù đời sống đã hiện đại hơn và có nhiều đổi thay, nhưng người Mông ở Nà Hẩu vẫn duy trì tục lệ tốt đẹp này.

Tết rừng được mở đầu bằng phần rước lễ vật lên khu rừng cấm; nghi thức này diễn ra ở cửa rừng và dưới gốc cây cổ thụ. Lễ vật để dâng cúng thần rừng gồm một cặp gà trống - mái, một con lợn đen, xôi, rượu, hương và giấy bản. Đến giờ lành, thầy cúng mời thần linh về chứng giám, hưởng lễ vật, phù hộ, ban lộc rừng cho người dân, cầu cho mưa thuận, gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu...

Sau lễ Tết rừng, các thôn bản của xã Nà Hẩu đều cấm rừng 3 ngày để tạ ơn thần rừng. Đây cũng là dịp để đồng bào Mông ăn Tết rừng, thăm hỏi nhau, góp phần thắt chặt tình đoàn kết và chuẩn bị một năm lao động mới với những điều tốt đẹp sẽ đến với mọi người, mọi nhà.

Chú thích ảnh
Tết rừng giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng người Mông, là sản phẩm sáng tạo thể hiện sự gắn kết cộng đồng. Ảnh: TTXVN phát

Tín ngưỡng thờ thần rừng của đồng bào Mông được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Ở tất cả thôn bản của xã Nà Hẩu đều có một khu rừng cấm - rừng thiêng nằm ở địa thế đẹp nhất của thôn, nơi hội tụ đầy đủ linh khí của trời đất để thờ cúng thần rừng. Theo quan niệm của người Mông, những cánh rừng xanh, rừng cấm, rừng thiêng gần bản là nơi chở che dân bản tránh gió, tránh lũ ống, lũ quét, cho dân bản sản vật để ăn, nguồn nước để uống và tưới tiêu cho ruộng đồng. Giữ cánh rừng luôn tươi tốt cũng chính là giữ cho bản làng luôn bình an, no ấm. Vì vậy không một người dân nào tự ý vào rừng phá rừng trái phép. Với người Mông ở Nà Hẩu, việc giữ rừng giống như giữ mái nhà nên ai cũng tự bảo nhau không được phá rừng làm nương rẫy, không để người lạ vào rừng...

Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Chú thích ảnh
Tết rừng giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng người Mông, là sản phẩm sáng tạo thể hiện sự gắn kết cộng đồng. Ảnh: TTXVN phát

Tết rừng giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng người Mông; là sản phẩm sáng tạo thể hiện sự gắn kết cộng đồng. Tết rừng còn trở thành tập quán lâu đời để người Mông Nà Hẩu nhớ về cội nguồn. Đó là nét đẹp văn hóa đáng được trân trọng của người dân sống nơi đại ngàn xanh Nà Hẩu, đồng thời góp phần thiết thực vào quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng, môi trường sinh thái, đa dạng sinh học ở huyện Văn Yên và toàn tỉnh Yên Bái.

Bí thư Đảng bộ xã Nà Hẩu Vũ Xuân Bá cho biết, Tết rừng là nghi lễ truyền thống lớn nhất và có ý nghĩa quan trọng nhất trong năm đối với người dân nơi đây. Nghi lễ không chỉ có ý nghĩa tâm linh cầu phúc, giúp bảo tồn các giá trị vật chất, tinh thần trong cộng đồng dân tộc Mông mà còn góp phần thiết thực bảo vệ rừng. Nhờ vậy nhiều năm qua, diện tích rừng nguyên sinh đặc dụng trong vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu được các nhóm hộ nhận khoán bảo vệ tốt, góp phần đưa nơi đây trở thành địa phương hiếm có ở Yên Bái với độ che phủ rừng đạt 90%.

Chú thích ảnh
Khu vực cửa rừng Nà Hẩu. Ảnh: TTXVN phát

Với những nghi lễ truyền thống, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mông cùng những tục lệ tốt đẹp lưu truyền hàng trăm năm nay, ngày 10/12/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Lễ cúng rừng của đồng bào Mông, xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên (Yên Bái) vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là niềm vinh dự, tự hào để người dân bảo tồn, phát huy giá trị di sản Lễ cúng rừng hằng năm.

Ông Lê Thành Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: Đây không chỉ là niềm vinh dự, tự hào mà còn là điểm tựa để huyện Văn Yên bảo tồn, phát huy giá trị di sản Lễ cúng rừng và các di sản văn hóa khác theo phương châm “lấy người dân là trung tâm, là chủ thể của các hoạt động”, “biến di sản thành tài sản” phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Qua đó, Văn Yên quảng bá, tuyên truyền ý thức giữ rừng, từng bước thu hút khách du lịch đến tham quan hệ sinh thái rừng nguyên sinh; thưởng thức các sản phẩm ẩm thực của người dân làm ra, tạo điều kiện phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái lâu dài, bền vững.

Chú thích ảnh
Nhờ bảo vệ rừng tốt, Nà Hẩu trở thành địa phương hiếm có trong tỉnh Yên Bái với độ che phủ rừng đạt 90%. Ảnh: TTXVN phát
Đinh Thùy - Thu Nhài (TTXVN)
Độc đáo Lễ hội cúng rừng Nà Hẩu
Độc đáo Lễ hội cúng rừng Nà Hẩu

Trong hai ngày 18 và 19/2 (tức 28 và 29 tháng Giêng Quý Mão), UBND xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên (tỉnh Yên Bái) tổ chức Lễ hội cúng rừng (Tết rừng) năm 2023.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN