Tỷ lệ trẻ em tiêm chủng bệnh bạch hầu ở Bình Dương còn thấp

Trong 6 tháng đầu năm 2020, tại Bình Dương, tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin liên quan đến bệnh bạch hầu còn thấp. 

Tỷ lệ tiêm chủng vắc xin DPT-VGB-Hib chỉ đạt 39,7% so với kế hoạch. Các huyện, thị xã không đạt gồm: Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Bến Cát, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên, Dĩ An, Thuận An. Tỷ lệ tiêm chủng vắc xin DPT4/SII cho trẻ 18 tháng tuổi chỉ đạt 35% so với kế hoạch. Các huyện, thị xã không đạt gồm: Dầu Tiếng, Bến Cát, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên, Dĩ An, Thuận An. 

Gần đây, bệnh bạch hầu liên tiếp xuất hiện tại các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt đã có trường hợp tử vong. Trong khi đó, Bình Dương tiếp giáp với Thành phố Hồ Chí Minh, là địa phương có nhiều khu công nghiệp, đông công nhân lao động, đặc biệt là lao động ở các tỉnh, thành khác đến làm ăn, sinh sống nên nguy cơ xâm nhập bệnh bạch hầu là rất cao.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương Huỳnh Thanh Hà, nguyên nhân việc tiêm chủng các loại vắc xin liên quan đến bệnh bạch hầu còn thấp là do trong thời gian qua, người dân phải thực hiện việc giãn cách xã hội do dịch COVID-19. Để nâng cao tỷ lệ tiêm chủng các loại vắc xin liên quan đến bệnh bạch hầu, trong 6 tháng cuối năm, Sở Y tế tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương khẩn trương rà soát đối tượng trẻ em trên 1 tuổi chưa được tiêm hoặc chưa tiêm đủ mũi vắc xin DPT-VGB-Hib; xây dựng kế hoạch tổ chức tiêm bù vắc xin DPT-VGB-Hib (SII) cho các đối tượng ngay trong tháng 7, 8.

Ngành triển khai tiêm vắc xin 5 trong 1 thay thế vắc xin DPT cho trẻ 18 tháng tuổi; tăng cường công tác tiêm chủng thường xuyên cho trẻ dưới 1 tuổi đủ 3 liều vắc xin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib (DPT-VGB-Hib), đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ đạt 95%.

Ngoài ra, Sở Y tế tỉnh Bình Dương yêu cầu các đơn vị trong và ngoài ngành chủ động tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu, không để bệnh lây lan và bùng phát trên địa bàn. Sở giao Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh xây dựng thông điệp và nội dung truyền thông phòng, chống bệnh bạch hầu với nhiều hình thức tuyên truyền, phù hợp để tổ chức tuyên truyền cho nhân dân các địa phương về một số biện pháp phòng, chống dịch bệnh. 

Sở Y tế tỉnh tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ y tế về công tác giám sát, phòng, chống dịch bệnh, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc bệnh nhân; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh. Các cơ sở y tế chuẩn bị đầy đủ các điều kiện và tổ chức tốt việc thu dung, khám, phân loại, điều trị bệnh nhân bạch hầu; bảo đảm điều trị tại chỗ, những trường hợp nhẹ, không chuyển tuyến khi không có chỉ định nhằm hạn chế lây nhiễm chéo và không để tử vong do bạch hầu. Các đơn vị thực hiện nghiêm túc công tác thống kê báo cáo dịch, duy trì hoạt động đường dây điện thoại nóng, thường xuyên tư vấn, trao đổi thông tin về chuyên môn và yêu cầu hỗ trợ khi cần thiết.

Huyền Trang (TTXVN)
Phát hiện thêm một ca dương tính với vi khuẩn bạch hầu tại Gia Lai
Phát hiện thêm một ca dương tính với vi khuẩn bạch hầu tại Gia Lai

Ngày 14/7, Sở Y tế tỉnh Gia Lai tiếp tục phát hiện thêm một ca dương tính với vi khuẩn bạch hầu (Corynebacterium diphtheria) tại làng H’lang, xã Hnol (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN