TP Hồ Chí Minh: Cảnh báo các dịch bệnh truyền nhiễm đang bùng phát mạnh

Thời gian gần đây, các dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng tại TP Hồ Chí Minh đang có chiều hướng gia tăng; trong đó, nhiều trẻ bị nặng và đã có trường hợp tử vong.

Các chuyên gia y tế cảnh báo, trong thời gian tới, các dịch bệnh này tiếp tục diễn biến phức tạp. Do đó, người dân cần phòng ngừa bệnh ngay từ sớm để dịch bệnh không bùng phát, nhất là không để gây tử vong.

Tay chân miệng,  sốt xuất huyết đồng loạt tăng

Theo thống kê của các bệnh viện nhi tại TP Hồ Chí Minh, số trẻ mắc bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết đến khám và điều trị liên tục tăng trong thời gian gần đây. Cụ thể, tại Bệnh viện Nhi đồng 1, trung bình mỗi ngày khoa Nhiễm - Thần kinh tiếp nhận khoảng 30 - 47 trường hợp trẻ mắc tay chân miệng, hiện trong khoa cũng đang điều trị cho 26 trẻ.

Chú thích ảnh
Theo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, số trẻ mắc tay chân miệng đến khám và điều trị tại bệnh viện trong thời gian gần đây đang có xu hướng tăng.

Bác sĩ Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho hay, 2 năm trước, do thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19 nên các ca mắc bệnh tay chân miệng rất ít, thậm chí chỉ một vài ca. Còn thời gian gần đây, số trẻ mắc bệnh tay chân miệng đang tăng cao so với trước.

“Trước nguy cơ trẻ mắc tay chân miệng tăng cao, bệnh viện đã tăng công suất khám, điều trị và tăng thêm phòng khám để sàng lọc bệnh”, bác sĩ Dư Tuấn Quy nói.

Tương tự, tại khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2, trong tuần qua có gần 500 trẻ mắc tay chân miệng đến khám và có 40 trẻ phải nhập viện điều trị, tăng gấp 4 lần so với 4 tuần trước đó. Trước tình hình trẻ nhập viện đang có dấu hiệu gia tăng, khoa Nhiễm phải bố trí thêm phòng ốc và giường xếp để bệnh nhi nhập viện điều trị. Còn tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 50 - 70 trẻ mắc bệnh tay chân miệng đến khám, chủ yếu là bệnh nhẹ.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, trong tuần 18 (từ ngày 29/4 đến ngày 5/5), Thành phố ghi nhận 420 ca tay chân miệng, trong đó có 378 ca bệnh tay chân miệng ngoại trú, 42 ca nội trú, tăng 136,4% so với trung bình 4 tuần trước, trong đó số ca ngoại trú tăng 325,9% và nội trú tăng 75%. Số ca bệnh tay chân miệng có sự gia tăng báo động ở hầu hết các quận, huyện và thành phố Thủ Đức; đặc biệt ở Quận 12, Bình Tân, Gò Vấp, Hóc Môn, Tân Bình, thành phố Thủ Đức.

Đối với dịch sốt xuất huyết, vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi số ca bệnh mới vẫn tiếp tục tăng cùng với hàng chục ổ dịch mới phát sinh thêm ở các quận, huyện.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, trong tuần 18 ghi nhận có 680 ca bệnh sốt xuất huyết, tăng 45,7% so với trung bình 4 tuần trước (467 ca), số ca nội trú tăng 16,6% và ngoại trú tăng 94,5%. Trong tuần, ghi nhận một ca sốt xuất huyết tử vong tại huyện Củ Chi. Từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận 6.176 ca, tương đương với cùng kỳ năm 2021 là 6.177.

Chú thích ảnh
Các công trình xây dựng, bãi đất trống là điểm nguy cơ lớn về sốt xuất huyết.

Cũng trong tuần 18, toàn Thành phố ghi nhận 53 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh ở 28 phường, xã thuộc 6/22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức; tăng 27 ổ dịch mới so với tuần 17. Số ổ dịch tích luỹ từ đầu năm đến nay là 269 ổ dịch; 20/22 quận, huyện có số ca bệnh trong tuần tăng so với số ca trung bình 4 tuần trước.

Theo các bác sĩ, giai đoạn từ tháng 5 - 8 là thời điểm của dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm màng não, bệnh hô hấp, tiêu chảy... nên dịch chồng dịch rất phức tạp.

Đẩy mạnh công tác phòng dịch

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh nhận định, sau khi mọi hoạt động xã hội trở lại trạng thái bình thường sau 2 năm gián đoạn do COVID-19, các dịch bệnh lưu hành thường niên tại TP Hồ Chí Minh như sốt xuất huyết, tay chân miệng sẽ diễn biến phức tạp. Do đó, phòng ngừa dịch bệnh ngay từ sớm là điều rất quan trọng, không để dịch bùng phát và nhất là không để gây tử vong.

Chú thích ảnh
UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu các quận, huyện và thành phố Thủ Đức chỉ đạo quyết liệt các ban, ngành tham gia vào công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết.

Theo các chuyên gia y tế, sốt xuất huyết vẫn là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và có thể tử vong. Trong thời điểm hiện nay, khi số ca sốt xuất huyết nặng đang tăng cao thì nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết luôn hiện hữu.

PGS.TS.BS Nguyễn Vũ Trung, Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cho biết, diễn biến này phù hợp với chu kỳ dịch bệnh của sốt xuất huyết, một loại dịch bệnh đặc hữu của thành phố. Cùng với biến đổi khí hậu, dấu hiệu gia tăng số ca mắc bệnh giai đoạn đầu mùa dịch, dự báo năm 2022, bệnh sốt xuất huyết sẽ rất phức tạp và ngành y tế cần hành động ngay; mục tiêu là hạn chế số ca chuyển nặng và tử vong cũng như không để xảy ra những ổ dịch lớn.

Đối với bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lưu hành quanh năm, thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là các bé dưới 5 tuổi. Bệnh có tốc độ lây lan nhanh, dễ thành dịch, thời điểm dịch bùng phát thường vào khoảng từ tháng 3 - 5 và tháng 8 - 9 hằng năm. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ, tuy nhiên ở một số trường hợp bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não – màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Bệnh tay chân miệng lây truyền qua đường tiêu hóa nên trẻ dễ bị nhiễm bệnh do liên quan đến thực hành vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường. Việc huấn luyện cho trẻ, người chăm sóc trẻ về vệ sinh cá nhân, nhất là việc rửa tay thường xuyên với xà phòng là rất quan trọng.

Trước tình hình số ca bệnh tăng cao, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu phòng y tế các quận, huyện và thành phố Thủ Đức có văn bản nhắc nhở các đơn vị y tế  cơ quan, phòng khám tư nhân, các cơ sở chẩn đoán, bác sĩ gia đình trên địa bàn ngay sau khi tiếp nhận các trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết phải báo cáo cho Trung tâm y tế để điều tra, xác minh trong vòng 24 giờ.

Bên cạnh đó, triển khai hoạt động giám sát công tác phòng, chống bệnh tay chân miệng ở các tuyến quận, huyện, phường xã; công tác phối hợp giáo dục và y tế trong điều tra dịch tễ các ca bệnh tay chân miệng được thông báo, thống kê ca bệnh theo trường mẫu giáo, nhà trẻ, theo khu phố ấp; đánh giá nguy cơ hình thành ổ dịch và kiểm soát dịch.

Đối với dịch sốt xuất huyết, ngành y tế cũng đề nghị các địa phương thực hiện rà soát, cập nhật danh sách các điểm nguy cơ trên toàn địa bàn để giám sát định kỳ theo hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố; Trạm y tế phường, xã tiến hành điều tra dịch tễ các ca bệnh sốt xuất huyết khi nhận được thông báo và xử lý theo quy định. Thống kê ca bệnh theo khu phố, ấp và cập nhật ca bệnh trên hệ thống GIS nhằm đánh giá đầy đủ nguy cơ hình thành các ổ dịch và kiểm soát dịch tốt.

Trước đó, UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã có văn bản khẩn gửi đến các đơn vị, quận, huyện về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết trong mùa mưa. Theo đó, UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu các quận, huyện và thành phố Thủ Đức chỉ đạo quyết liệt các ban, ngành tham gia vào công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết; thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị, tổ chức, chủ các điểm nguy cơ cố tình không thực hiện các hướng dẫn phòng, chống sốt xuất huyết; xây dựng và triển khai kế hoạch “Kiểm soát điểm nguy cơ gây dịch sốt xuất huyết” theo hướng dẫn của ngành y tế.

Song song đó, UBND Thành phố cũng yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo hệ thống y tế, bệnh viện, các cơ sở y tế trên địa bàn chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, dịch truyền, máu và các chế phẩm của máu, phương tiện cấp cứu để tiếp nhận thu dung và điều trị người bệnh kịp thời; tổ chức tập huấn về phòng, chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết Dengue theo hướng dẫn của Bộ Y tế...

Bài và ảnh: Đan Phương/ Báo Tin tức
TP Hồ Chí Minh: Chỉ đạo khẩn về phòng, chống dịch sốt xuất huyết
TP Hồ Chí Minh: Chỉ đạo khẩn về phòng, chống dịch sốt xuất huyết

UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu các quận, huyện và thành phố Thủ Đức chỉ đạo quyết liệt các ban, ngành tham gia vào công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết; đồng thời đưa tiêu chí "không có lăng quăng và côn trùng truyền bệnh" vào nội dung kiểm tra vệ sinh của nhà hàng, khách sạn, quán ăn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN