Đáng báo động
Trong thời gian gần đây, các bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh liên tục tiếp nhận cấp cứu các trường hợp mắc sốt xuất huyết nặng. Mới đây, khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng Thành phố tiếp nhận 2 trường hợp trẻ sốc sốt huyết dengue kèm suy hô hấp, rối loạn đông máu, tổn thương gan nặng.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, cả hai trẻ đều biểu hiện sốc, mạch nhanh nhẹ, huyết áp kẹp 90/70mmHg, khó thở, tiêu phân đen, bụng phình căng, siêu âm bụng ngực cho thấy tràn dịch màng bụng, tràn dịch màng phổi lượng vừa, xét nghiệm máu cho thấy cả 2 trẻ đều có tổn thương gan nặng, rối loạn đông máu nặng.
“Các trẻ được điều trị bằng truyền dịch cao phân tử chống sốc với sự hỗ trợ của các phương tiện đo huyết áp động mạch xâm lấn, đo áp lực tĩnh mạch trung ương, hỗ trợ hô hấp với thở áp lực dương liên tục, điều chỉnh rối loạn đông máu. Kết quả qua hơn 1 tuần điều trị, đến nay tình trạng các trẻ cải thiện dần, tỉnh táo, thở khí trời”, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến cho biết thêm.
Bác sĩ Lê Phan Kim Thoa, Trưởng khoa Nhi Bệnh viện đa khoa Tâm Anh (TP Hồ Chí Minh) cũng cho biết, khoa Nhi của bệnh viện tiếp nhận khá nhiều trường hợp trẻ bị sốt xuất huyết. Trong đó, không ít trường hợp người lớn e ngại đi bệnh viện đã tự cho trẻ điều trị tại nhà, chỉ nhập viện khi trẻ sốt cao không hạ, có biến chứng. Thậm chí có trẻ được nhập viện cấp cứu trong tình trạng trụy mạch, phải hồi sức chống sốc và hỗ trợ hô hấp tích cực, gây khó khăn cho quá trình điều trị.
Trong khi đó, theo báo cáo của Phòng y tế Bình Chánh, từ đầu tháng 4 đến nay, sốt xuất huyết đang có xu hướng gia tăng và đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong trên địa bàn. Số ca sốt xuất huyết cao nhất ghi nhận thuộc các xã Vĩnh Lộc B, Vĩnh Lộc A và Phạm Văn Hai.
Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Min cho biết, tính đến hết 29/4, TP Hồ Chí Minh ghi nhận 5.247 ca bệnh sốt xuất huyết với 126 ca sốt xuất huyết nặng, 4 ca tử vong, trong khi đó cả năm 2021, Thành phố chỉ ghi nhận có 99 ca nặng và 4 ca tử vong. “Qua những con số trên cho thấy mức độ sốt xuất huyết đang rất đáng báo động”, ông Nguyễn Hồng Tâm nói.
Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết có nguy cơ diễn biến phức tạp, trong tuần qua, các Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đã đồng loạt triển khai các lớp tập huấn nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết cho các bệnh viện quận, huyện, bệnh viện tư nhân và các tỉnh phía Nam.
Các học viên cho biết, đây là buổi tập huấn rất kịp thời và bổ ích giúp củng cố và cập nhật những điểm mới trong chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết, qua đó giúp nâng cao năng lực của bác sĩ tuyến quận, huyện ở TP Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh về chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết.
Nhiều điểm nguy cơ tiềm ẩn sốt xuất huyết
Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp, ngành y tế TP Hồ Chí Minh liên tục kiểm tra, giám sát về công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại những quận, huyện đang có số ca mắc tăng cao và ghi nhận có ca tử vong trên địa bàn.
Mới đây, đoàn giám sát hỗ trợ của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh do ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc về hoạt động phòng, chống dịch sốt xuất huyết tại huyện Bình Chánh. Theo đó, đoàn công tác đã giám sát thực tế tại trường Tiểu học Vĩnh Lộc B thuộc xã Vĩnh Lộc B và trường Tiểu học Võ Văn Vân thuộc xã Phạm Văn Hai.
Tại trường Tiểu học Vĩnh Lộc B, công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết đã được nhà trường triển khai tốt. Trong khi đó, tại trường Tiểu học Võ Văn Vân, đoàn phát hiện trong khuôn viên trường còn nhiều vật chứa, đọng nước dễ phát sinh lăng quăng như vỏ xe ô tô cũ, ly nhựa đã sử dụng, thùng rác không nắp đậy và những vật phế thải nằm ẩn trong các bồn cây... Qua đó, đoàn giám sát đã hướng dẫn nhà trường thực hiện tổng vệ sinh, dọn dẹp các vật chứa này và truyền thông cho học sinh về thực hiện bỏ rác đúng nơi quy định cũng như những việc có thể tự làm để phòng bệnh sốt xuất huyết cho bản thân và những người xung quanh.
Bên cạnh đó, đoàn giám sát đã góp ý với bệnh viện huyện về tổ chức tiếp nhận, chẩn đoán và điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết; đồng thời góp ý Phòng y tế huyện về việc tổ chức tập huấn chuyên môn cho các phòng khám tư nhân trên địa bàn. Các phòng khám này phải thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo bệnh truyền nhiễm theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Tương tự, quận Bình Tân là địa phương có số ca mắc cao nhất thành phố, tỉ suất mắc trên 100.000 dân cao thứ 2 chỉ sau huyện Bình Chánh. Tính từ đầu năm đến nay, quận Bình Tân có 663 ca mắc sốt xuất huyết nhưng tỉ lệ bệnh nặng chiếm 1,36%, cao gấp 2 lần những năm trước.
Theo UBND quận Bình Tân, trong tháng 4, quận Bình Tân có tổng cộng 1.372 điểm nguy cơ như các khu đất trống, các công trình xây dựng, hệ thống cống rãnh tại hơn 100 trường học, các hộ chăn nuôi gà, bình bông tại khu vực nghĩa trang, bãi xe và các cơ sở bán sắt thép trên địa bàn. Tại những điểm nguy cơ này, quận đã tiến hành xử lý và kiểm tra giám sát thường xuyên.
Theo bà Lê Thị Ngọc Dung, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, quận tập trung cho công tác tuyên truyền, nhắc nhở các cơ sở vi phạm, chưa đặt nặng việc xử phạt. Vừa qua, quận cũng đã làm việc với các đơn vị lớn về công tác phòng, chống dịch trong khuôn viên cũng như tuyên truyền, nhắc nhở cho công nhân. Trong thời gian tới, quận sẽ áp dụng Nghị định 117 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế và tập trung vào các điểm có nguy cơ cao, những công ty, xí nghiệp chưa chấp hành việc phòng, chống dịch.
TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết tăng mạnh trong 4 tháng đầu năm 2022 và nhận định sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian tới, do đó nhiệm vụ cấp bách hiện nay là phải khẩn trương rà soát lại toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch; phối hợp nhịp nhàng giữa công tác dự phòng và điều trị.
Ngành y tế Thành phố tiếp tục theo dõi sát sao tình hình diễn biến của dịch bệnh nói chung và sốt xuất huyết nói riêng để kịp thời có những biện pháp can thiệp phù hợp với mục tiêu hạn chế số ca chuyển nặng và tử vong cũng như không để xảy ra những ổ dịch lớn.
Theo các chuyên gia y tế, bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccine phòng ngừa nên biện pháp phòng tránh hiệu quả nhất vẫn là diệt muỗi và hạn chế môi trường sinh sống của muỗi. Ngành y tế khuyến cáo tất cả những người lớn hay trẻ em nếu phát hiện bị sốt cao đột ngột thì cần phải đi khám ngay ở các cơ sở y tế để bác sĩ theo dõi và hướng dẫn xử trí phù hợp.