TP Hồ Chí Minh: Chỉ đạo khẩn về phòng, chống dịch sốt xuất huyết

UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu các quận, huyện và thành phố Thủ Đức chỉ đạo quyết liệt các ban, ngành tham gia vào công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết; đồng thời đưa tiêu chí "không có lăng quăng và côn trùng truyền bệnh" vào nội dung kiểm tra vệ sinh của nhà hàng, khách sạn, quán ăn.

UBND TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản khẩn gửi đến các đơn vị trên địa bàn Thành phố về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết trong mùa mưa.

Chú thích ảnh
TP Hồ Chí Minh sẽ đưa tiêu chí "không có lăng quăng và côn trùng truyền bệnh" vào nội dung kiểm tra vệ sinh của nhà hàng, khách sạn, quán ăn.

Theo đó, UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu các quận, huyện và thành phố Thủ Đức chỉ đạo quyết liệt các ban, ngành tham gia vào công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết; thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị, tổ chức, chủ các điểm nguy cơ cố tình không thực hiện các hướng dẫn phòng, chống sốt xuất huyết; xây dựng và triển khai kế hoạch “Kiểm soát điểm nguy cơ gây dịch sốt xuất huyết” theo hướng dẫn của ngành y tế.

Song song đó, các quận, huyện và thành phố Thủ Đức cần tiếp tục đẩy mạnh việc lồng ghép các hoạt động vệ sinh môi trường vào các hoạt động thường quy khác, như đưa tiêu chí "không có lăng quăng và côn trùng truyền bệnh" vào nội dung kiểm tra vệ sinh của nhà hàng, khách sạn, quán ăn.

UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo hệ thống y tế, bệnh viện, các cơ sở y tế trên địa bàn Thành phố chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, dịch truyền, máu và các chế phẩm của máu, phương tiện cấp cứu để tiếp nhận thu dung và điều trị người bệnh kịp thời; tổ chức tập huấn về phòng, chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết Dengue theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

UBND TP Hồ Chí Minh cũng đề nghị Sở Y tế giám sát chặt chẽ ca bệnh, côn trùng trung gian truyền bệnh nhằm theo dõi và phát hiện sớm, kịp thời xử lý triệt để các ổ dịch phát sinh trong vòng 24 giờ. Thành lập đoàn kiểm tra giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên các quận, huyện, thành phố Thủ Đức.

Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh công tác truyền thông hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết lần thứ 12 (15/6) với nhiều hình thức, nội dung tuyên truyền phù hợp và sát với thực tiễn; thường xuyên cập nhật điều chỉnh nội dung giúp cho mọi người, mọi nhà thực hiện tốt và hiệu quả.

Phòng Tài nguyên và môi trường phối hợp với Trung tâm y tế quận, huyện và thành phố Thủ Đức lên danh sách các điểm nóng môi trường có nguy cơ đọng nước chứa lăng quăng là nơi phát sinh muỗi và có phương án giải quyết.

Sở Giáo dục và đào tạo tổ chức các hoạt động phòng, chống dịch bệnh theo đúng hướng dẫn, huy động lực lượng học sinh, sinh viên tham gia các hoạt động diệt muỗi, lăng quăng tại gia đình và cộng đồng coi như là hoạt động ngoại khóa. Tổ chức tổng vệ sinh môi trường hàng tuần trong khuôn viên của trường, không để ứ đọng nước phát sinh lăng quăng.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, đến cuối tháng 4/2022, Thành phố ghi nhận trên 5.200 ca mắc sốt xuất huyết với 126 ca nặng và 4 ca tử vong. Các quận, huyện ghi nhận có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất gồm huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn, quận Bình Tân...

Tin, ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức
Rà soát, khoanh vùng các ổ bệnh sốt xuất huyết, không để dịch bùng phát 
Rà soát, khoanh vùng các ổ bệnh sốt xuất huyết, không để dịch bùng phát 

Từ đầu năm 2022 đến nay, mặc dù số ca mắc bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh Bình Thuận giảm so với cùng kỳ năm 2021 và chưa ghi nhận trường hợp tử vong nhưng hiện bệnh đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN