Theo đó, từ hôm nay tỉnh sẽ xét nghiệm trên diện rộng tại 4 địa phương có nguy cơ cao và rất cao là các huyện Đức Hòa, Cần Giuộc, Bến Lức và thành phố Tân An.
Đánh giá tình hình dịch bệnh tại tỉnh Long An của Tổ công tác cho thấy, trong những ngày qua số ca mắc mới tập trung nhiều tại 3 huyện Cần Giuộc, Đức Hòa, Bến Lức và thành phố Tân An, trung bình là 500 ca/ngày (chiếm khoảng 10% số mẫu được xét nghiệm).
Căn cứ Quyết định số 2686/QĐ-BCĐQG về quy định đánh giá mức độ nguy cơ trong phòng chống dịch COVID-19, tỉnh Long An phân loại các mức độ nguy cơ cho 4 huyện, thành phố trọng điểm. Cụ thể, huyện nguy cơ rất cao: 30% số xã trở lên có nguy cơ rất cao, nằm rải rác trên địa bàn hoặc 50% số xã trở lên có nguy cơ cao. Xã nguy cơ rất cao (vùng đỏ): có chùm F0 chưa rõ nguồn lây; có F0 xác định được nguồn lây từ khu công nghiệp, trường học, siêu thị lớn và các khu nguồn lây nhiễm khó kiểm soát, khó truy vết. Xã nguy cơ cao (vùng cam) là có F0 chưa rõ nguồn lây; có F0 xác định nguồn lây từ nhà máy, cơ sản xuất kinh doanh, chợ dân sinh, bệnh viện… có nguy cơ lây nhiễm cao.
Theo đó, các huyện Cần Giuộc, Đức Hòa, Bến Lức và thành phố Tân An của Long An có 40 xã có nguy cơ rất cao và 13 xã có nguy cơ cao.
Thống kê trên địa bàn tỉnh cho thấy, tỷ lệ dương tính PCR gộp (gộp 10) và giải gộp lần lượt là 10% và 20% trên tổng số mẫu xét nghiệm PCR. Chiến dịch xét nghiệm trên diện rộng tại 4 huyện, thành phố đợt này sẽ lấy mẫu của người dân trong cộng đồng, khu – cụm công nghiệp… với tổng số hơn 870.000 người. Theo đó, với tổng số mẫu gộp được lấy trong chiến dịch là 87.001 thì dự kiến có 10%, tương ứng 8.700 mẫu gộp dương tính và 20% mẫu sau giải gộp dương tính thì ước tính, sau chiến dịch sẽ có khoảng 17.400 ca F0.
Theo tổ công tác, chiến dịch xét nghiệm trên diện rộng trong cộng đồng là nhằm kịp thời phát hiện người nhiễm SARS-CoV-2 bằng phương pháp Real time RT-PCR; ngăn chặn và cách ly triệt để, tránh lây nhiễm mới trong cộng đồng, hạn chế đến mức thấp nhất số mắc và tử vong, nhằm đưa người dân tỉnh Long An trở lại hoạt động bình thường sớm nhất có thể.
Thực hiện chiến dịch, Long An tổ chức 326 đội với tổng nhân sự hơn 1.000 người từ tỉnh đến địa phương, gồm nhân lực y tế và lực lượng tình nguyện. Lực lượng được chia thành 200 đội lấy mẫu, 100 đội nhập liệu và các đội chuyển mẫu, giám sát hiện trường, truy vết, vận chuyển F0… Thời gian thực hiện chiến dịch là từ ngày 16/8 đến hết ngày 25/8.
*Trao đổi với phóng viên TTXVN, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Lộc Hà cho biết, Bộ Y tế vừa phân bổ cho tỉnh đợt 21 với 250.000 liều vaccine AstraZeneca, bổ sung kịp thời để tỉnh tiêm ngừa cho người dân trong thời gian tới.
Trước đó, UBND tỉnh Bình Dương đề nghị được phân bổ 1 triệu liều vaccine để tiêm ngừa cho người dân trên địa bàn tỉnh. Bình Dương có 2,6 triệu dân, tuy nhiên, đến nay mới được Bộ Y tế phân bổ 544.060 liều (từ đợt 1 đến đợt 16) và địa phương đã tiêm hết số vaccine này.
Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã hỗ trợ về nhân lực, vật tư y tế cũng như phân bổ vaccine phòng COVID-19 cho Bình Dương. Trên cơ sở phân bổ của Bộ Y tế, tỉnh đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch và triển khai tiêm vaccine với năng lực hơn 100.000 liều/ngày.
Bình Dương đặt quyết tâm trong 10 ngày, tỉnh sẽ tiêm 1 triệu liều vaccine cho người dân để nhanh chóng trở về trạng thái "bình thường mới".