Thanh Hóa: Bàn giải pháp nâng cao năng lực xét nghiệm, điều trị COVID-19

Nhằm ứng phó với những diễn biến của dịch COVID-19, ngày 16/8, tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị bàn giải pháp nâng cao năng lực xét nghiệm và điều trị bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Chú thích ảnh
Đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: baothanhhoa.vn

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu cho rằng việc nâng cao năng lực xét nghiệm và điều trị bệnh nhân COVID-19 là hết sức cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến khó lường, phức tạp như hiện nay. Tại Thanh Hóa, dịch bệnh đang được kiểm soát, tuy nhiên nguy cơ bùng phát dịch bệnh là rất lớn. Do đó, các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục vào cuộc đồng bộ, quyết liệt hơn nữa, nâng cao mức độ phòng, chống dịch ở tất cả các khâu, trong đó có việc nâng cao năng lực xét nghiệm và điều trị bệnh nhân COVID-19.  

Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa, với hệ thống máy xét nghiệm COVID-19 trang bị tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thanh Hoá, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Phổi và Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực (bệnh viện tư), công suất xét nghiệm RT-PCR khẳng định virus SARS-CoV-2 ở Thanh Hóa hiện đạt tối đa 1.900 mẫu đơn/ngày (dự kiến 6 giờ/lần xét nghiệm). Nếu xét nghiệm gộp 5 mẫu, công suất sẽ đạt khoảng 9.000 mẫu gộp/ngày; gộp 10 mẫu, công suất đạt khoảng 18.000 mẫu/ngày.  

Dự kiến trong thời gian tới, Thanh Hóa sẽ bổ sung 1 hệ thống xét nghiệm RT-PCR cho Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Lặc với công suất khoảng 400 mẫu đơn/ngày; tiếp nhận 2 hệ thống xét nghiệm RT-PCR (dự kiến cấp cho Bệnh viện Nhi Thanh Hoá và CDC Thanh Hoá); 1 máy tách chiết cấp cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thanh Hoá. Sau khi mua sắm bổ sung, năng lực xét nghiệm RT-PCR của Thanh Hoá sẽ nâng lên khoảng 24.000 mẫu/ngày nếu gộp 10 mẫu.   

Đối với công tác điều trị bệnh nhân COVID-19, Sở Y tế Thanh Hóa cũng đưa ra phương án khi có các tình huống mắc COVID-19. Phương án xác định rõ các nhiệm vụ liên quan đến quản lý, chỉ đạo điều hành, ngăn chặn nguồn lây nhiễm dịch từ bên ngoài cũng như công tác giám sát, phát hiện sớm, cách ly, khoanh vùng dập dịch… đặc biệt là việc thiết lập mạng lưới cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19. Trong điều trị, Thanh Hóa sẽ áp dụng và thực hiện theo sơ đồ tháp 3 tầng: tầng 1 nhóm bệnh nhân nhẹ, tầng 2 nhóm bệnh nhân vừa và tầng 3 nhóm bệnh nhân nặng, nguy kịch.   

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn khẳng định việc nâng cao năng lực xét nghiệm và điều trị bệnh nhân COVID-19 phải được xác định là nhiệm vụ rất quan trọng. Vì thế, yêu cầu các đơn vị đang vận hành hệ thống xét nghiệm RT-PCR, kể cả công lập và tư nhân chủ động nghiên cứu, đầu tư để nâng công suất và năng lực xét nghiệm. Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khẩn trương triển khai các công việc chuyên môn liên quan để sớm đưa hệ thống xét nghiệm RT-PCR vừa được đầu tư bổ sung đi vào hoạt động, đặc biệt là hệ thống máy xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Lặc. Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Lặc phải xác định đây là nhiệm vụ rất quan trọng để bố trí nhân lực, cơ sở vật chất đủ điều kiện để vận hành hệ thống. Khi hệ thống máy xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Lặc đi vào hoạt động, các mẫu xét nghiệm sẽ không phải gửi xuống thành phố như hiện nay, rút ngắn được quãng đường, thời gian chờ kết quả...  

Đối với công tác điều trị, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các ngành chức năng, bệnh viện, cơ sở y tế phải chuẩn bị tốt nhất phương án về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19. Sở Y tế khẩn trương xây dựng kịch bản, phương án, phác đồ điều trị tối ưu nhất. Bên cạnh đó, tất cả các ngành, địa phương, bệnh viện phải cùng vào cuộc với tinh thần hết sức chủ động thực hiện phương châm “4 tại chỗ” áp dụng từ cấp tỉnh đến cấp huyện, từ bệnh viện công lập đến bệnh viện tư nhân. Các bệnh viện tiếp tục đảm bảo công tác khám chữa bệnh như bình thường; đồng thời, chủ động xây dựng mô hình “Bệnh viện COVID-19 trong bệnh viện” để không bị động, bất ngờ khi có tình huống xảy ra.  

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng giao Sở Y tế khẩn trương tham mưu để UBND tỉnh thành lập 3 tiểu ban gồm: Tiểu ban chỉ đạo xét nghiệm, Tiểu ban tiêm vaccine và Tiểu ban điều trị bệnh nhân COVID-19.  

Tính từ đầu đợt dịch thứ 4 đến nay, tại Thanh Hóa ghi nhận 176 trường hợp dương tính với COVID-19; trong đó, có 62 bệnh nhân đã được điều trị khỏi và ra viện. Toàn tỉnh có 7.038 trường hợp đang thực hiện các ly tập trung tại các cơ sở y tế, các khu cách ly tập trung tuyến huyện, xã, các khách sạn... Trong chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19, đến nay Thanh Hóa đã tiêm cho 61.622 người trên tổng số 62.070 liều vaccine được cấp, đạt 98,8%.

Hoa Mai (TTXVN)
Thanh Hóa cơ bản hoàn thành tiêm vaccine phòng COVID-19 đợt 3
Thanh Hóa cơ bản hoàn thành tiêm vaccine phòng COVID-19 đợt 3

Ông Trịnh Hữu Hùng, Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa cho biết, tính đến cuối giờ chiều 11/8, tỉnh đã cơ bản hoàn thành chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 đợt 3, năm 2021.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN