Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ ngày 14-20/6, tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh triển khai chiến dịch diệt lăng quăng hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết.
Bên cạnh đó, trước tình hình số ca sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh tăng cao, các địa phương đồng loạt triển khai chiến dịch diệt lăng quăng, chia làm 2 đợt: Đợt 1 từ ngày 28/6-1/7/2022; đợt 2 từ ngày 5-8/7/2022. Chỉ tính riêng chiến dịch diệt lăng quăng trên địa bàn toàn tỉnh đợt 2, gần 7.120 người thuộc lực lượng y tế, tổ chức chính trị - xã hội... tham gia, trên 412.000 hộ gia đình được Tổ phòng, chống bệnh sốt xuất huyết đến tuyên truyền, nhắc nhở, kiểm tra việc diệt lăng quăng, muỗi, hơn 114.000 dụng cụ chứa nước có lăng quăng được phát hiện, xử lý.
Bác sĩ chuyên khoa II Dương Ân Hận, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, trong tuần 27 của năm 2022 (từ ngày 27/6-3/7), Đồng Tháp không có ca tử vong vì sốt xuất huyết. Toàn tỉnh ghi nhận 385 ca sốt xuất huyết, giảm 26 ca so với tuần 26. Các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết được thực hiện quyết liệt, đi đúng hướng và phát huy tác dụng nên tình hình bệnh trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu chững lại. Tuy nhiên, nhìn chung, số mắc trên địa bàn còn ở mức rất cao nên cần quyết liệt triển khai biện pháp phòng, chống, nhất là diệt muỗi, lăng quăng.
Tính đến tuần 27 của năm 2022, ở khu vực phía Nam, Đồng Tháp tiếp tục là một trong 8 tỉnh, thành phố có số ca mắc sốt xuất huyết cao và là một trong 4 tỉnh, thành phố có số ca tử vong vì sốt xuất huyết nhiều tại khu vực. Toàn tỉnh ghi nhận hơn 4.130 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 477% (3.415 ca) so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, có 144 ca nặng và 6 trường hợp tử vong. Ca mắc sốt xuất huyết phân bố ở tất cả địa phương trong tỉnh, tập trung chủ yếu tại huyện Hồng Ngự với 664 ca, thành phố Hồng Ngự 566 ca, thành phố Cao Lãnh 569 ca.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu đánh giá cao sự tập trung, quyết liệt của các địa phương trong thực hiện 2 đợt của chiến dịch diệt lăng quăng trên địa bàn tỉnh vừa qua và đã đạt kết quả tích cực. Tuy nhiên, thành phố Cao Lãnh, các huyện Tháp Mười và Châu Thành có chỉ số BI (số dụng cụ chứa nước có bọ gậy muỗi Aedes trong 100 nhà điều tra) còn cao. Ông Đoàn Tấn Bửu yêu cầu, các địa phương này tiếp tục triển khai chiến dịch diệt lăng quăng đợt 3, thực hiện đồng loạt, diện rộng. Riêng các huyện, thành phố còn lại không thực hiện chiến dịch chuyển sang trạng thái diệt muỗi, lăng quăng thường xuyên và duy trì.
Mùa mưa đang diễn ra tại Đồng Tháp và khí hậu nóng ẩm là điều kiện thuận lợi để muỗi phát triển, quần thể cảm nhiễm (người có khả năng bị mắc bệnh) với sốt xuất huyết tăng cao nên nguy cơ bùng phát sốt xuất huyết vẫn còn. Do đó, ông Đoàn Tấn Bửu yêu cầu, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiếp tục giám sát, hỗ trợ cách thức diệt lăng quăng và xử lý dụng cụ chứa nước có lăng quăng ở nhà dân. Ngành chức năng, chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động nhằm tạo sự ủng hộ, tích cực tham gia phòng, chống sốt xuất huyết của nhân dân.