Theo đó, số ca mắc sốt xuất huyết tại Đà Nẵng gia tăng từ tháng 4/2022, đã vượt ngưỡng trung bình 5 năm (2016-2020) và đạt cao nhất trong tháng 6/2022 với 1.380 ca. Tuy vậy số ca mắc sốt xuất huyết nặng chỉ chiếm 0,07%. Những địa phương có nhiều ca mắc sốt xuất huyết gồm: Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Hòa Vang. Đặc biệt, quận Liên Chiểu có tỷ lệ mắc sốt xuất huyết/100.000 dân cao nhất thành phố và cao gấp 3,56 lần so với trung bình 5 năm.
Phó Giám đốc CDC Đà Nẵng Nguyễn Hóa cho hay, tính trong tuần 26 (từ ngày 27/6 - 3/7), thành phố ghi nhận 330 ca mắc sốt xuất huyết, cao hơn với tuần 25 là 15 ca. Trên địa bàn thành phố có 299 ổ dịch sốt xuất huyết nhỏ, trong đó quận Liên chiểu có 109 ổ dịch nhỏ. Sở Y tế đã ban hành nhiều văn bản gửi đến các đơn vị trực thuộc, sở, ngành, địa phương về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết.
Bên cạnh đó, các quận, huyện đã tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy) phòng, chống sốt xuất huyết. Ngành Y tế triển khai 4 đợt kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết và một số bệnh truyền nhiễm khác tại 3 địa phương có số ca mắc cao trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; phân công cán bộ đứng điểm để theo dõi, đánh giá tình hình và phối hợp chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương. Ngành Y tế đã triển khai các đợt điều tra chủ động véc-tơ tại các điểm nóng sốt xuất huyết, điểm có nguy cơ bùng phát dịch; triển khai các chiến dịch diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành trên diện rộng…
Ngành Y tế đánh giá thành phố đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp tuy nhiên số ca mắc sốt xuất huyết vẫn tăng cao, kéo theo số bệnh nhân điều trị nội trú tăng. Trong khi đó, rất nhiều người đang phải đối mặt với tình trạng hậu COVID-19, cơ thể chưa thật sự khỏe hẳn, nếu mắc thêm sốt xuất huyết tình trạng bệnh dễ tiến triển nặng hơn. Do đó, người dân cần phải chủ động, chung tay cùng cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp để loại bỏ lăng quăng, phòng, chống muỗi đốt để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và mọi người xung quanh.