Theo Trung tâm Y tế thành phố Phú Quốc, những tháng đầu năm 2022, địa bàn thành phố chỉ ghi nhận vài trường hợp bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Từ cuối tháng 5 đến nay, số ca mắc bệnh tăng nhanh. Hiện nay, thời tiết trên đảo mưa, nắng thất thường, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn sinh sôi, phát triển, truyền bệnh trong cộng đồng, ảnh hưởng sức khỏe người dân. Trung tâm Y tế thành phố Phú Quốc đã triển khai phun hóa chất dập dịch tại các địa phương có ổ dịch để khống chế, dập tắt dịch bệnh.
Thành phố Phú Quốc tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp kiểm soát, ngăn chặn bệnh sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát trên địa bàn, bảo vệ an toàn sức khỏe cho nhân dân và khách du lịch đến đảo. Cụ thể, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ sự nguy hiểm của sốt xuất huyết, nâng cao hơn nữa ý thức phòng, chống dịch bệnh đang có chiều hướng diễn biến phức tạp, khó lường. Lực lượng chức năng các địa phương vận động người dân thường xuyên diệt muỗi, lăng quăng, vệ sinh khu vực nhà ở sạch sẽ, giữ môi trường thông thoáng, thu gom hủy bỏ những vật liệu phế thải ứ đọng nước quanh nhà nhằm tránh muỗi ẩn nấp, sinh sản….
Ngành Y tế thành phố Phú Quốc phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, không chủ quan; giám sát chặt chẽ các trường hợp phát bệnh hoặc nghi mắc bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời. Ngành Y tế khuyến cáo người dân khi phát hiện có dấu hiệu bệnh sốt xuất huyết phải đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời theo đúng phác đồ, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong do bệnh sốt xuất huyết gây ra.
Bác sĩ Võ Thành Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố cho biết: “Phú Quốc đang là địa phương có số ca mắc bệnh này nhiều nhất toàn tỉnh Kiên Giang. Dịch diễn biến khá phức tạp do đây là năm của chu kỳ sốt xuất huyết Dengue. Mặt khác, sau khi dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, người dân từ nơi khác đến làm ăn, sinh sống rất đông, trong số đó, nhiều người chưa có ý thức về phòng, chống dịch bệnh. Trong khi đó, hiện đang là thời điểm thuận lợi cho muỗi sinh sôi, phát triển nên tiềm ẩn mối nguy gây truyền bệnh… Bởi vậy, nếu không thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống hiệu quả, bệnh sốt xuất huyết có thể sẽ tiếp tục diễn biến rất phức tạp.”
Theo bác sĩ Võ Thành Dũng, trước đây, bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết chủ yếu là trẻ em. Hiện nay, người lớn mắc bệnh chiếm tỷ lệ khá cao, hơn 70%. Ý thức phòng, chống dịch bệnh của người dân còn hạn chế, nhất là khi có triệu chứng nóng, sốt, người dân tự ý mua thuốc về uống tại nhà và khi bệnh trở nặng mới được đưa vào cơ sở y tế khám, điều trị.