Bộ Xây dựng hỗ trợ các tỉnh phía Nam xây dựng bệnh viện dã chiến

Ngày 22/7, Tổ Công tác đặc biệt phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Xây dựng tại TP Hồ Chí Minh do Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng làm Tổ trưởng đã có cuộc họp trực truyến với 19 tỉnh, thành phố phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Chú thích ảnh
Bình Dương đưa vào vận hành bệnh viện dã chiến (Bệnh viện dã chiến đặt tại Trung tâm Thương mại Thành phố mới Bình Dương) quy mô 1.500 giường phòng chống dịch COVID-19. Ảnh minh họa: Chí Tưởng/TTXVN

Cuộc họp nhằm nắm bắt tình hình của các địa phương để kịp thời xử lý, giải quyết ngay những nhiệm vụ phát sinh trong phòng, chống dịch và các vấn đề liên quan trong phạm vi quản lý của Bộ Xây dựng.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, nhiều địa phương đang thống nhất đầu mối là Sở Xây dựng hoặc Ban quản lý đầu tư công trình xây dựng trong quy hoạch, thiết kế, đầu tư xây dựng các bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung. Nhờ đó, việc quản lý triển khai đầu tư xây dựng bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung thuận lợi, sáng tạo, khẩn trương và hiệu quả.

Trước đề xuất của các địa phương liên quan đến trách nhiệm, thẩm quyền quản lý nhà nước của ngành xây dựng, Thứ trưởng Lê Quang Hùng cam kết, Bộ Xây dựng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, không làm phát sinh thủ tục hành chính để hỗ trợ tối đa các địa phương trong việc thực hiện “mục tiêu kép”, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội. Ở một số nhiệm vụ cấp bách thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng, Bộ sẽ ủy quyền cho Sở Xây dựng, Sở chuyên ngành địa phương giải quyết nhằm bảo đảm tiến độ yêu cầu.

Tại cuộc họp, các địa phương đã báo cáo một số nội dung như: việc triển khai thiết kế, xây dựng bệnh viện dã chiến và các khu cách ly tập trung; hoạt động cung ứng các dịch vụ đô thị (cấp điện, cấp nước, thoát nước, thu gom và xử lý rác thải rắn sinh hoạt, chất thải bệnh viện, an táng…); hoạt động đầu tư xây dựng và biến động thị trường vật liệu xây dựng trên địa bàn; bố trí nơi ở cho người lao động tại các công trường, nhà máy công nghiệp vẫn đang duy trì hoạt động sản xuất trong mùa dịch…

Theo báo cáo của đại diện các tỉnh, thành phố Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Cà Mau, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh…, các địa phương đều thống nhất trong việc giao Sở Xây dựng làm đầu mối trong đầu tư xây dựng bệnh viện dã chiến, khu cách lý tập trung; chủ động triển khai các bệnh viện dã chiến với quy mô đảm bảo thu dung, khám chữa bệnh nhân F0, có dự phòng phát sinh trong thời gian tới.

Cụ thể, đại diện TP Hồ Chí Minh cho biết, địa phương đã hoàn thành xây dựng nhiều bệnh viện dã chiến với tổng quy mô lên đến 55.000 giường. Hiện nay, thành phố tiếp tục xây dựng một số bệnh viện dã chiến và dự kiến lần lượt hoàn thành, đưa vào sử dụng trong tháng 8, 9, nâng tổng quy mô của các bệnh viện dã chiến lên đến 87.000 – 90.000 giường.

Hầu hết các bệnh viện dã chiến được chuyển đổi chức năng từ các cơ sở hiện có như: bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện; ký túc xá của các cơ sở đào tạo; chung cư tái định cư có sẵn trên địa bàn; trung tâm triển lãm…

Riêng TP Hồ Chí Minh xây dựng mới hoàn toàn 2 bệnh viện dã chiến quy mô hơn 6.000 giường tại quận 7 và huyện Bình Chánh. Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình cho biết, việc xây dựng 2 bệnh viện dã chiến này thực hiện theo đúng Hướng dẫn xây dựng bệnh viện dã chiến điều trị người mắc bệnh truyền nhiễm gây bệnh do Bộ Xây dựng ban hành, từ san lấp mặt bằng đến đầu tư hoàn thiện. Thời gian thiết kế, xây dựng mới mỗi bệnh viện dã chiến gần 2 tháng.

Sở dĩ TP Hồ Chí Minh triển khai nhanh, xây dựng thành công các bệnh viện dã chiến vì xác định đây là công trình khẩn cấp, thực hiện đầu tư xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng và Nghị định 15/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng… - ông Bình cho hay.

Trong thiết kế, xây dựng bệnh viện dã chiến, các địa phương đều chú trọng phân luồng khu vực khám chữa của bác sỹ, nhân viên y tế với khu vực bệnh nhân F0; phân loại các F0 theo 3 mức F0 không triệu chứng, F0 phát bệnh thể nhẹ, F0 biến chứng nặng; lắp đặt bổ sung khu vực vệ sinh, nhà tắm; hệ thống camera giám sát và hệ thống mạng wifi… phục vụ hiệu quả hoạt động của bệnh viện dã chiến.

Theo báo cáo của các địa phương, việc cung ứng các dịch vụ đô thị như cấp điện, nước, thoát nước cơ bản ổn định, không có bất thường, bảo đảm phục vụ tốt cho đời sống nhân dân. Thị trường vật liệu xây dựng có tăng, nhưng chủ yếu là tăng từ đầu năm chứ không riêng đợt bùng phát dịch lần này...

Tại TP Hồ Chí Minh và một số địa phương khác, hoạt động đầu tư xây dựng công, nhất là các dự án hạ tầng trọng điểm vẫn được duy trì, bảo đảm tiến độ yêu cầu. Các dự án đầu tư xây dựng khác nếu đáp ứng được các yêu cầu “3 tại chỗ” (làm việc, ăn uống, nghỉ ngơi tại chỗ), “1 cung đường, 2 điểm đến”, kiểm tra sức khỏe thường xuyên, bảo đảm an toàn mùa dịch thì một số địa phương vẫn cho phép hoạt động…

Chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Quang Hùng đề nghị các địa phương học theo kinh nghiệm của TP Hồ Chí Minh xác định bệnh viện dã chiến là công trình khẩn cấp. Việc thực hiện quy trình đầu tư xây dựng công trình khẩn cấp đã được quy định rõ tại Luật Xây dựng năm 2020 và Nghị định 15/2021/NĐ-CP.

Thứ trưởng Lê Quang Hùng nhận định Hướng dẫn xây dựng bệnh viện dã chiến do Bộ Xây dựng ban hành đã phát huy hiệu quả trong thực tế triển khai của các địa phương. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị chức năng của Bộ nghiên cứu mở rộng hướng dẫn thiết kế chuyển đổi cơ sở vật chất hiện có như ký túc xá, nhà tái định cư… thành bệnh viện dã chiến để thu dung khám chữa bệnh nhân F0, (không nhất thiết phải xây dựng mới). Bởi đây là mô hình được các địa phương quan tâm và áp dụng nhiều trong thực tế.

Bên cạnh đó, Hướng dẫn thiết kế bệnh viện dã chiến cũng cần nghiên cứu thêm theo hướng mở rộng quy mô hơn nữa, phù hợp với đặc thù phân loại bệnh nhân và hiện trạng thực tế các công trình sẵn có của địa phương. Trên thực tế đã có những bệnh viện dã chiến quy mô trên 1.000 giường.

Nhằm hỗ trợ việc duy trì hoạt động đầu tư xây dựng tại các địa phương, Thứ trưởng Lê Quang Hùng đề nghị các đơn vị chức năng của Bộ, ngành xây dựng ở địa phương hướng dẫn cụ thể chủ đầu tư, nhà thầu trong việc thực hiện quy định “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến”; giám sát, kiểm tra sức khỏe thường xuyên tại công trường…

Thứ trưởng nhận định, hiện nay hoạt động cung ứng các dịch vụ đô thị tại các địa phương đều được duy trì ổn định, không có bất thường. Tuy nhiên, các địa phương không nên chủ quan, phải có những phương án dự phòng trong điều kiện khẩn cấp.

Bộ Xây dựng sẽ tổng hợp báo cáo của các địa phương tại cuộc họp và gửi Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19; đồng thời, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ hỗ trợ các địa phương tối đa trong lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành.

Thu Hằng (TTXVN)
Hà Nội: Có thể trưng dụng chung cư chưa bàn giao làm bệnh viện dã chiến
Hà Nội: Có thể trưng dụng chung cư chưa bàn giao làm bệnh viện dã chiến

Bí thư Thành uỷ Hà Nội yêu cầu các địa phương rà soát để trưng dụng một số nhà chung cư chưa bàn giao, nhà thi đấu, trung tâm văn hóa thể thao... phục vụ việc thiết lập bệnh viện dã chiến.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN