Nông thôn văn minh, khang trang, sạch đẹp, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Với những kết quả đạt được, khu vực nông thôn Tiền Giang đã dần đổi thay, rút ngắn khoảng cách kinh tế giữa thành thị và nông thôn. Đời sống vật chất, tinh thần người dân được nâng cao. Giờ đây, Tiền Giang vẫn tiếp tục hoàn thiện xây dựng nông thôn mới, đi lên xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Bài 1: Nhiều điểm sáng đáng ghi nhận
Trải qua gần 12 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, với nhiều nỗ lực, phấn đấu, Tiền Giang đã đạt được những kết quả quan trọng, đáng ghi nhận. Diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, được người dân đánh giá cao.
Những kết quả nổi bật
Nằm ven sông Tiền, có vị trí giao thương thủy bộ thuận lợi, Đông Hòa Hiệp là xã đầu tiên được huyện Cái Bè, Tiền Giang lựa chọn xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Năm 2016, xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đến năm 2020, xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đầu tiên của huyện.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Đông Hoà Hiệp Dương Văn Phương, toàn xã có diện tích tự nhiên gần 1.300 ha, trong đó có trên 1.000 ha đất nông nghiệp với trên 3.900 hộ dân, khoảng 13.300 nhân khẩu đang sinh sống, trên địa bàn 7 ấp gồm: An Bình Đông, An Hiệp, An Hòa, An Lợi, An Ninh, An Thạnh, Phú Hòa.
Đến nay, toàn xã đã bê tông, nhựa hóa các tuyến đường ấp, xóm. Hệ thống điện chiếu sáng công cộng trên các tuyến đường đạt 100%. Dọc theo các tuyến đường đều được trồng hoa, lắp đặt hệ thống camera an ninh. Hệ thống trường học, trạm y tế, chợ nông thôn, các công trình văn hóa, điện thắp sáng khu dân cư được duy trì, nâng cao chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu đời sống người dân địa phương.
Bà Nguyễn Thị Bé Hai, ngụ xã Đông Hoà Hiệp chia sẻ, từ khi xã đạt nông thôn mới nâng cao, môi trường sống nơi đây ngày càng tốt hơn. Nhà cửa khang trang, hộ nào cũng xây dựng 3 công trình vệ sinh đạt chuẩn. Rác thải được thu gom, cảnh quan nông thôn luôn xanh -sạch - đẹp. Đường sá phẳng phiu. An ninh trật tự, an toàn giao thông được đảm bảo. Hệ thống y tế, giáo dục phát huy hiệu quả, chăm sóc tốt sức khỏe nhân dân, tạo điều kiện học hành nâng cao dân trí. Nông dân nâng cao ý thức về phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi sinh, môi trường.
Tương tự, ông Trần Văn Út, một người dân ấp An Ninh chia sẻ, bản thân ông vô cùng tự hào khi xã nhà đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Diện mạo xã ngày nay thay da đổi thịt từng ngày, không còn những con đường sình lầy như ngày xưa. Đời sống người dân cũng đã khấm khá lên rất nhiều.
Theo ông Dương Văn Phương, địa phương hiện đang sở hữu hai di sản vốn quý hình thành từ xa xưa. Đó là Làng cổ Đông Hòa Hiệp và làng nghề bánh phồng mì nổi tiếng cả trong và ngoài nước. Đặc biệt, Làng cổ Đông Hòa Hiệp đã được công nhận di tích văn hóa cấp quốc gia và là một trong 3 làng cổ tiêu biểu được Tổng cục Du lịch và Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) chọn đầu tư phát triển mô hình du lịch cộng đồng. Còn làng bánh phồng mì, với hàng trăm hộ dân làm nghề cha truyền con nối cũng được công nhận là một trong những làng nghề tiêu biểu của tỉnh. Đây là những lợi thế rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới ở xã Đông Hòa Hiệp.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn, với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, chung lòng của nhân dân, qua gần 12 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh đạt được nhiều kết quả rất quan trọng.
Tiền Giang hiện có khoảng 140 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có gần 40 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Ba đô thị, gồm: thành phố Mỹ Tho, thị xã Cai Lậy, thị xã Gò Công được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Bốn huyện Chợ Gạo, Gò Công Đông, Gò Công Tây, Cai Lậy được Thủ tướng công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới.
Hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư ngày càng hoàn chỉnh. Chất lượng y tế, giáo dục thay đổi rõ nét. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm tăng nhanh, đạt trên 90%. Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi đạt chuẩn bền vững. Phổ cập giáo dục tiểu học đạt chuẩn mức độ 3. Phổ cập giáo dục trung học cơ sở đạt chuẩn mức độ 2. Xóa mù chữ đạt chuẩn mức độ 2. Môi trường, cảnh quan nông thôn ngày càng khởi sắc, xanh, sạch, đẹp hơn. Giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn. An ninh chính trị được giữ vững.
Cùng đó, sản xuất nông nghiệp đã từng bước dịch chuyển sang hướng sản xuất hàng hóa. Các sản phẩm hàng hóa chủ lực được xác định để phát triển. Kinh tế tập thể từng bước ổn định, phát triển liên kết theo chuỗi giá trị gắn với an toàn thực phẩm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt khoảng 63 triệu đồng, tăng 7 triệu đồng so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 1,96% năm 2020 xuống còn 1,32% năm 2022. Khoảng cách phát triển giữa nông thôn – đô thị từng bước được thu hẹp.
Nhiệm vụ chính trị quan trọng
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh - Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh Tiền Giang cho biết, xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và đã trở thành một điểm sáng của tỉnh. Tiền Giang đặt mục tiêu đến năm 2025 được Thủ tướng công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Trong đó, tỉnh phấn đấu xây dựng ít nhất 65 xã, chiếm 45,77% và 2 huyện, chiếm 25% đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; cao hơn mức quy định lần lượt là 40% và 20%.
Nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đã ban hành hàng loạt các văn bản như: Nghị quyết Tỉnh ủy về lãnh đạo xây dựng nông thôn mới đến năm 2025; 9 nghị quyết của HĐND tỉnh về cơ chế phân bổ, sử dụng vốn ngân sách nhà nước; đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh Tiền Giang, giai đoạn 2021 – 2025; 20 quyết định, kế hoạch và nhiều văn bản khác của UBND tỉnh về phân công nhiệm vụ, phối hợp, hướng dẫn các cấp, sở, ngành thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã tham mưu HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 16/2022/NQ-HĐND quy định phân bổ chi hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2022 – 2025. Trong đó, Nghị quyết quy định: Chi hỗ trợ ít nhất 5 tỷ đồng/xã cho các địa phương phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao để xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; chi khen thưởng công trình phúc lợi với mức thưởng 500 triệu đồng/xã và 10 tỷ đồng/huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Vĩnh, từ nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Tiền Giang ưu tiên hỗ trợ cho các xã, huyện phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao xây dựng, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, chuyển đổi cơ cấu sản xuất; hỗ trợ các dự án liên kết, kế hoạch liên kết chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ thực hiện chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ chi giữ gìn và khôi phục cảnh quan truyền thống của nông thôn; phát triển các mô hình xóm, ấp sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn; hỗ trợ mô hình giám sát an ninh hiện đại và giám sát cộng đồng,...
Năm 2023, Tiền Giang đầu tư trên 153 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư phát triển và gần 39 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp cho mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Các cấp, ngành đang tích cực giải ngân nhanh nguồn vốn đầu tư công để triển khai nhanh các công trình, góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng theo chuẩn xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết, tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2023 có thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới, hướng tới 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu, 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Để đạt được các mục tiêu trên, Tiền Giang tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện hiệu quả 6 chương trình chuyên đề gồm: chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới; chương trình phát triển du lịch nông thôn; chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh; chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới; chương trình nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng nông thôn mới.
Ngoài ra, Tiền Giang còn xây dựng, triển khai các mô hình điểm, nhân rộng cách làm hay; phát huy tính chủ động, sáng tạo của mỗi địa phương và tích cực thu hút các nguồn lực xây dựng nông thôn mới của toàn xã hội; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc gắn với phát huy vai trò người đứng đầu, đưa ra những biện pháp quyết liệt, hiệu quả, phù hợp với tình hình nhằm gỡ khó và đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Bài 2: Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn