Tiền Giang xây dựng nông thôn mới nâng cao - Bài 2: Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

Tại Tiền Giang, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn được xác định là nhiệm vụ, giải pháp trong tiến trình xây dựng nông thôn mới của các cấp, ngành và xã hội nhằm nâng cao chất lượng lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Chú thích ảnh
Chị Huỳnh Thị Kiều, ấp Khu phố, xã Long Định, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang được vay 100 triệu đồng trang bị máy dệt chiếu nên năng suất tăng lên, chất lượng sản phẩm tốt, thu nhập ổn định. Ảnh tư liệu: Minh Trí/TTXVN

Tiền Giang đã tăng cường đầu tư để phát triển đào tạo nghề và có chính sách bảo đảm thực hiện công bằng xã hội về cơ hội học nghề đối với mọi lao động nông thôn. Đồng thời, khuyến khích, huy động, tạo điều kiện để toàn xã hội tham gia đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Tỷ lệ lao động có việc làm cao

Xác định đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những giải pháp giảm nghèo bền vững, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Vĩnh - Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh Tiền Giang cho biết, tỉnh Tiền Giang đang triển khai hiệu quả Dự án “Hỗ trợ giảm nghèo bền vững” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Trong đó, tỉnh đẩy mạnh cho vay giải quyết việc làm; chú trọng dự án phi nông nghiệp kết hợp với dự án dạy nghề nông thôn nhằm tạo thêm việc làm cho người lao động. Đồng thời, phát triển các mô hình sản xuất, hỗ trợ đào tạo giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm,…

Nhờ có sự gắn kết chặt chẽ giữa tuyển sinh, đào tạo với nhu cầu doanh nghiệp, nên tỷ lệ sinh viên, học viên, học sinh tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng có việc làm chiếm hơn 87% với thu nhập bình quân khoảng 7 triệu đồng/tháng. 94% tốt nghiệp trình độ trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng có việc làm với thu nhập bình quân khoảng 6,5 triệu đồng/tháng.

Theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Tiền Giang Lý Văn Cẩm, toàn tỉnh hiện có số lao động học nghề thuộc nhóm phi nông nghiệp chiếm trên 32%. Một số ngành nghề mà tỉnh đang tập trung đào tạo cho lao động nông thôn gồm: Sửa chữa xe gắn máy; hàn; may công nghiệp; sửa chữa, lắp đặt điện dân dụng; sửa chữa máy may công nghiệp; kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi,...

Trong đó, các nghề may, sửa chữa máy may, cơ khí, đan lát,… người lao động được giới thiệu làm việc tại các doanh nghiệp hoặc nhận gia công hàng cho các cơ sở sản xuất nên có việc làm ổn định.

Qua khảo sát, đánh giá đối với lao động nông thôn đã tốt nghiệp sau 1 năm, tỷ lệ lao động đã có việc làm đạt hơn 85%. Thu nhập tăng thêm khoảng 750.000 đồng/tháng/hộ đối với lao động học kỹ thuật nông nghiệp; 1,5 triệu đồng/tháng/lao động đối với lao động học nghề phi nông nghiệp.

Đào tạo nghề phù hợp với thị trường lao động

Trong giai đoạn 2021 -2025, Tiền Giang đặt mục tiêu đào tạo 68.000 lao động gồm: 10.000 cao đẳng, 15.000 trung cấp và 43.000 trình độ sơ cấp, đào tạo nghề dưới 3 tháng. Giai đoạn 2026 - 2030, đào tạo 77.000 lao động gồm: 12.000 cao đẳng, 20.000 trung cấp và 45.000 trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng. Từ năm 2031 trở đi, dự kiến bình quân hàng năm đào tạo 3.500 - 4.000 cao đẳng, 6.000 -7.000 trung cấp và 10.000 trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng. Trong đó, mỗi năm hỗ trợ đào tạo khoảng 4.000 lao động nông thôn, trong đó có khoảng 2.000 học nghề nông nghiệp.

Để đạt được mục tiêu này, theo Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh, tỉnh thực hiện quy hoạch, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng tinh gọn, đảm bảo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu ngành, nghề, trình độ đào tạo và đạt chuẩn theo quy định. Phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng đa dạng, linh hoạt, gắn với quy hoạch của các ngành, khu công nghiệp trong tỉnh. Tăng cường kêu gọi xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, để góp phần tăng nhanh về quy mô, số lượng lao động qua đào tạo, đáp ứng nhu cầu học nghề của người dân, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp trong tỉnh.

Cùng đó, Tiền Giang đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trên cả 3 mặt quy mô, cơ cấu, chất lượng đào tạo. Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp từng bước đạt chuẩn khu vực và quốc tế để đáp ứng nhu cầu nhân lực trong tỉnh, trong nước, hội nhập với thị trường lao động khu vực và thế giới; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.

Tiền Giang cũng tăng cường sự phối hợp, chỉ đạo của các cơ quan chuyên môn và chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở, đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, dạy và học.

Đặc biệt, UBND tỉnh Tiền Giang giao lãnh đạo các ngành, địa phương, cơ sở theo dõi sát công tác đào tạo nghề lao động nông thôn; tăng cường kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi kết thúc các khóa đào tạo nghề cho lao động nhằm đánh giá, rút kinh nghiệm công tác hỗ trợ đào tạo nghề, giúp nâng cao hiệu quả đào tạo nghề trong thời gian tới phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông nghiệp – nông thôn – nông dân.

Ở góc độ quản lý chuyên ngành, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Tiền Giang Lý Văn Cẩm cho biết, hằng năm, các địa phương trên địa bàn tỉnh rà soát, thống kê số người trong độ tuổi lao động không có việc làm; khảo sát nhu cầu học nghề của người dân; xây dựng kế hoạch và phối hợp với các cơ quan chức năng, doanh nghiệp tổ chức các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm và đào tạo nghề tại địa phương, giúp lao động nông thôn có kiến thức để áp dụng vào sản xuất, phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo.

Cùng đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục rà soát, cập nhật các chương trình đào tạo nghề theo yêu cầu của công nghệ mới, quy trình sản xuất mới; xây dựng các chương trình đào tạo nghề phù hợp theo hướng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Đồng thời, yêu cầu các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn triển khai đào tạo nghề phù hợp với từng lĩnh vực.

Cụ thể, đối với lĩnh vực phi nông nghiệp, tỉnh quan tâm khảo sát nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, nhu cầu về kỹ năng nghề của người lao động để đào tạo đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp, cũng như đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng cho người lao động. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh yêu cầu việc đào tạo nghề cho lao động phải hướng đến phục vụ sản xuất ứng dụng công nghệ cao, tái cơ cấu nền nông nghiệp, đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ động nâng cao chất lượng, hiệu quả tư vấn, giới thiệu việc làm bằng nhiều hình thức đa dạng, phù hợp từng đối tượng người lao động, nhu cầu doanh nghiệp. Địa phương quan tâm phát huy vai trò kết nối doanh nghiệp và người lao động có nhu cầu tìm việc thông qua sàn giao dịch việc làm dưới các hình thức sàn giao dịch việc làm trực tuyến, sàn giao dịch việc làm điện tử…

Mặt khác, tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền về mục tiêu của giáo dục nghề nghiệp thông qua các đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ vốn vay cho người lao động ở khu vực nông thôn mở rộng, đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Ngoài ra, Tiền Giang tiếp tục thực hiện tốt các chính sách giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng người lao động học nghề từ Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững và từ Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu là để góp phần thúc đẩy nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho người lao động.

Bài cuối: Phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với liên kết chuỗi sản xuất

Trí Bình - Chí Nguyên (TTXVN)
Tạo sản phẩm níu chân du khách - Bài cuối: Thu hút khách quay lại điểm đến Việt Nam
Tạo sản phẩm níu chân du khách - Bài cuối: Thu hút khách quay lại điểm đến Việt Nam

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mới ban hành Đề án một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm nhằm khẳng định thương hiệu và nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường thu hút khách.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN