Quảng Yên nỗ lực giải phóng mặt bằng thu hút đầu tư FDI

Thị xã Quảng Yên là địa phương có nhiều khu công nghiệp nhất tỉnh Quảng Ninh, để thu hút các dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào tỉnh, Quảng Yên phải thực hiện khối lượng giải phóng mặt bằng lớn để giao cho các chủ đầu tư.

Chú thích ảnh
Thi công các hạng mục đường gom thuộc giai đoạn 3 Dự án Khu công nghiệp Sông Khoai. 

Trong quá trình triển khai, bên cạnh những thuận lợi, công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn bởi hoạt động này chạm đến quyền lợi của hàng nghìn hộ dân.

Khối lượng giải phóng mặt bằng lớn

Từ năm 2020-2023, thị xã Quảng Yên thực hiện giải phóng mặt bằng 139 dự án, tương đương với 11.000 ha diện tích cần phải thu hồi với gần 27.000 hộ dân, tổ chức bị ảnh hưởng. Thị xã Quảng Yên đã và đang triển khai nhiều dự án trọng điểm, như: Đường ven sông kết nối từ đường tỉnh lộ 338 đi thị xã Đông Triều; Khu phức hợp Hạ Long Xanh; Khu đô thị sinh thái Sông Chanh Riverside, hạ tầng các khu công nghiệp... Riêng năm 2023, địa phương phải thực hiện giải phóng mặt bằng cho 34 dự án, thu hồi trên 3.500 ha, gần 7.700 hộ dân bị ảnh hưởng.

Với khối lượng công việc lớn, cả hệ thống chính trị của thị xã Quảng Yên phải quyết tâm, nỗ lực vào cuộc để bàn giao mặt bằng "sạch" cho các chủ đầu tư, từ đó tạo thành kết cấu hạ tầng đảm bảo để Quảng Ninh thu hút các nhà đầu tư lớn, nhất là các dự án vốn trực tiếp nước ngoài. Các Khu công nghiệp Sông Khoai, Bắc Tiền Phong, Nam Tiền Phong… là những điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Trung Quốc và hàng chục quốc gia, vùng lãnh thổ khác.

Tuy nhiên hiện nay, tại một số dự án, công tác giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều khó khăn do một số hộ dân chưa nhận tiền để bàn giao mặt bằng như: Dự án Khu công nghiệp Sông Khoai (giai đoạn 2, giai đoạn 3+4, đợt 1); Dự án Khu công nghiệp, cảng tổng hợp và dịch vụ tại khu vực Đầm Nhà Mạc; Dự án Khu công nghiệp Nam Tiền Phong; Dự án Đường ven sông; Dự án Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh.

Chú thích ảnh
Nạo vét bùn, đắp đất cho dự án đường gom thuộc Khu công nghiệp Sông Khoai. 

Theo Trung tâm Phát triển Quỹ đất thị xã Quảng Yên, nguyên nhân của những khó khăn trên là do thay đổi liên tục về chế độ chính sách, hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai không đồng bộ, công tác quản lý nhà nước về đất đai trong thời gian qua còn chưa chặt chẽ và chưa tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật… Vì vậy, công tác xét duyệt nguồn gốc sử dụng đất phục vụ công tác bồi thường gặp nhiều khó khăn, làm phát sinh nhiều đơn thư khiếu nại. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản biến động nhanh, giá trị đất tăng nên nhiều người dân không đồng thuận với phương án bồi thường…

Anh Đào Văn Huy, công chức địa chính xã Sông Khoai cho biết, với khối lượng công việc (xác định nguồn gốc đất để thu hồi) lớn, nhiều người dân chưa hợp tác nên cán bộ địa chính phải đi lại nhiều lần. Trong khi đó, xã chỉ có hai biên chế thực hiện các nhiệm vụ khác cùng với phục vụ công tác giải phóng mặt bằng. Anh Huy mong muốn xã được bổ sung thêm công chức địa chính có kinh nghiệm để cùng thực hiện nhiệm vụ.

Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Công tác giải phóng mặt bằng phức tạp, khó khăn và rất nhạy cảm, do vậy để hài hoà lợi ích của Nhân dân và trách nhiệm với Nhà nước, điều đầu tiên và quan trọng khi triển khai công tác giải phóng mặt bằng các dự án là phải thực hiện đầy đủ các bước theo đúng trình tự quy định, đảm bảo công khai, dân chủ. Bên cạnh đó, các đơn vị cần thường xuyên tuyên truyền, vận động, giải thích cho Nhân dân hiểu và đồng thuận, tạo điều kiện để Nhà nước thu hồi đất.

Ông Đỗ Văn Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sông Khoai, thị xã Quảng Yên là thành viên của Tổ vận động nhân dân giao đất triển khai các dự án trên địa bàn chia sẻ, xã đang thực hiện giải phóng mặt bằng cho Dự án Khu công nghiệp Sông Khoai, do Công ty Cổ phần Đô thị Amata Hạ Long làm chủ đầu tư có tổng diện tích quy hoạch 714 ha, thuộc địa bàn các xã Sông Khoai, Đông Mai, Cộng Hòa, và phường Minh Thành. Trong đó, xã Sông Khoai có 591 ha, với  3.664 hộ dân bị thu hồi đất. Quá trình Tổ vận động nhân dân bàn giao đất, bên cạnh các hộ đồng thuận, còn các hộ chưa am hiểu về chính sách hỗ trợ, còn so sánh cây cối, ao đầm, đất nông nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản… Tổ công tác đã giải thích cho họ và chỉ ra các quy định về chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quyết định của UBND tỉnh Quảng Ninh. Đồng thời, Tổ nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân, đối với con em các hộ bị thu hồi đất sẽ được nhận vào làm việc tại các khu công nghiệp, người cao tuổi được triển khai các mô hình kinh tế phù hợp để người dân duy trì kế mưu sinh.

Năm 2023, thị xã Quảng Yên phải thực hiện giải phóng mặt bằng cho 34 dự án, thu hồi trên 3.500 ha, gần 7.700 hộ dân bị ảnh hưởng, do vậy có dự án còn chậm tiến độ giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến kết quả thu hút đầu tư. Để tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện thu hồi, giải phóng mặt bằng, Trung tâm Phát triển Quỹ đất thị xã Quảng Yên kiến nghị: Tỉnh có điều chỉnh và ban hành khung chính sách trong việc bồi thường cho các hộ dân như chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, ổn định đời sống, di chuyển và thuê nhà, cơ chế chính sách tái định cư. Về việc sửa đổi, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật của Nhà nước, các cấp chính quyền cần có các văn bản hướng dẫn chi tiết, cụ thể, phù hợp với thực tế công tác giải phóng mặt bằng.

Cùng với đó, UBND và Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường cần tăng cường phối hợp nhằm nâng cao công tác tuyên truyền, phổ biến về chính sách bồi thường, hỗ trợ cho người dân bị thu hồi đất; nâng cao hiệu quả thực thi các chính sách bồi thường hỗ trợ, tái định cư của Nhà nước, trong đó có chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp. Các đơn vị tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước về đất đai và các chế độ chính sách liên quan đến giải phóng mặt bằng cho đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác giải phóng mặt bằng từ Trung ương đến cơ sở.

Bài và ảnh: Thanh Vân (TTXVN)
Top 10 địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất
Top 10 địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến hết năm 2023, Việt Nam thu hút được 39.140 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký đạt 468,917 tỷ USD; trong đó, 10 địa phương thu hút nhiều FDI nhất, bao gồm: Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Long An và Quảng Ninh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN