Quảng Ninh tăng tốc hoàn thành mục tiêu năm 2022 - Nền tảng vững chắc cho năm 2023

Nhờ những quyết sách đúng đắn, triển khai đồng bộ các giải pháp từ tỉnh tới cơ sở, đến thời điểm này, bức tranh kinh tế - xã hội của Quảng Ninh tiếp tục duy trì ổn định với nhiều điểm sáng. Đây là tiền đề quan trọng để Quảng Ninh hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2022 đạt trên 11%.

Chú thích ảnh
Cầu Vân Tiên hiện là cây cầu vượt biển dài nhất Quảng Ninh, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, kết nối hạ tầng giao thông của tỉnh và cả nước. Ảnh: TTXVN

Nhiều điểm sáng 10 tháng đầu năm

Năm 2022 là năm rất quan trọng để Quảng Ninh bước vào triển khai nhiệm vụ giai đoạn  2022-2025. Đây cũng là năm đầu thực hiện thời kỳ ổn định ngân sách 2022 - 2025, trong điều kiện có nhiều thuận lợi, tiếp nối thành quả giữ vững địa bàn “An toàn - Ổn định - Phát triển”.

Trong năm 2022, việc phát triển kinh tế của tỉnh cũng đối diện với nhiều khó khăn, thách thức khi đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca mắc mới tăng nhanh sau nghỉ Tết Nguyên đán; thị trường tiêu thụ, xuất, nhập khẩu hàng hóa khó khăn; đứt gãy chuỗi cung ứng lao động; ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga - Ukraina; giá nguyên, nhiên vật liệu tăng… đã tác động trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh và mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội.

Với những phân tích, dự báo từ xa, từ sớm, Quảng Ninh đã mạnh dạn xây dựng mục tiêu phát triển cụ thể cho năm 2022, dựa trên quan điểm “phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực” để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tính đến hết tháng 9/2022, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cơ bản đạt và vượt kế hoạch: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng 10,12%, cao hơn so với năm 2020 và 2021; trong đó, khu vực I (nông, lâm nghiệp và thủy sản) tăng 3,86%, khu vực II (công nghiệp - xây dựng) tăng 8,96%, khu vực III (dịch vụ) tăng 14,35% so với cùng kỳ năm 2021.

Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đều ghi nhận sự tăng trưởng, trong đó đáng chú ý nhất là thủy sản, tổng sản lượng đạt gần 116.000 tấn, tăng 8,21%; mức tăng này chủ yếu đến từ nuôi trồng thủy sản, với sản lượng đạt trên 58.800 tấn, tăng gần 15% so với cùng kỳ.

Đối với khu vực ngành công nghiệp - xây dựng, sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo mặc dù chưa đạt so với kỳ vọng của tỉnh, nhưng có mức tăng 15,85%. Một số sản phẩm tiêu biểu, có sức đóng góp lớn như: Màn hình ti vi trên 1,1 triệu cái, tăng 175,8%; thân mũ trên 35 triệu cái, tăng 88,4%; gạch nung 880 triệu viên, tăng 16,2% so với cùng kỳ…

Ngành khai khoáng có đóng góp tích cực, với chỉ số sản xuất tăng 8% so với cùng kỳ. Có được kết quả này là sự nỗ lực, cố gắng của ngành Than với sản lượng sản xuất than sạch 9 tháng đạt 35,52 triệu tấn, tăng 3,3% so với cùng kỳ.

Chú thích ảnh
Hoạt động sản xuất tại Khu công nghiệp Texhong Hải Hà tại Quảng Ninh. Ảnh: TTXVN phát.

Khu vực dịch vụ có mức tăng cao nhất (tăng 14,35%), đóng góp 4,28 điểm % trong tăng trưởng GRDP của tỉnh, đảm bảo tăng trưởng đều ở các lĩnh vực du lịch, dịch vụ, thương mại khi mà thị trường kinh doanh du lịch hoạt động trở lại. Tổng khách du lịch đạt trên 9,1 triệu lượt, gấp trên 3,5 lần so với cùng kỳ; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 19.635 tỷ đồng, gấp trên 3,8 lần so cùng kỳ.

Từ những kết quả tăng trưởng kinh tế của các ngành, thu nộp cho ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 39.780 tỷ đồng, bằng 77% dự toán năm, 121% so với cùng kỳ (thu xuất, nhập khẩu 10.800 tỷ đồng, bằng 102% dự toán, 153% so với cùng kỳ; thu nội địa 29.830 tỷ đồng, bằng 71% dự toán, 113% so với cùng kỳ). Trong đó, có đến 13/16 khoản thu đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, cho biết, kết quả tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2022 cho thấy, tỉnh đã xác định và lựa chọn hướng đi đúng đắn, phù hợp với thực tế, dựa trên tiềm năng, thế mạnh sẵn có và đón bắt kịp thời những xu hướng phát triển mới từ sự dịch chuyển nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Đồng thời tỉnh cũng đã tận dụng địa bàn an toàn, hỗ trợ thúc đẩy các thành phần kinh tế phát triển, nâng cao giá trị sản xuất, gia tăng hoạt động xuất, nhập khẩu.

Phấn đấu đạt mục tiêu đề ra

Mặc dù kinh tế có sự khởi sắc sau chuỗi thời gian bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, tuy nhiên nhìn một cách toàn diện, vẫn còn nhiều chỉ tiêu chưa đạt yêu cầu theo kịch bản tăng trưởng kinh tế của tỉnh (Kế hoạch số 35/KH-UBND ngày 28/1/2022 của UBND tỉnh) như 12/17 sản phẩm công nghiệp chủ yếu, trong đó có các sản phẩm quan trọng, như than (97% kịch bản 9 tháng), điện sản xuất (94%), dầu thực vật (93%), vải dệt từ sợi tổng hợp (81%), tấm sàn Vinil Tines (53%), quần áo (68%), sợi bông cotton (87%)...

Thu hút, hỗ trợ đầu tư còn nhiều điểm nghẽn, trong 9 tháng thu hút đầu tư chỉ đạt 64% so với cùng kỳ, trong đó thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 186,2 triệu USD, bằng 12,4% so với kịch bản đề ra năm 2022; số doanh nghiệp tạm ngừng, giải thể tăng lần lượt là 20% và 15% so với cùng kỳ. Công tác giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt theo kỳ vọng, hết tháng 9 mới giải ngân được 48,1%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (62%).

Những tồn tại, hạn chế nêu trên đã tạo áp lực lớn lên mục tiêu tăng trưởng kinh tế quý IV/2022 và cả năm 2022; đòi hỏi quý IV phải có tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 13,54% so với cùng kỳ năm 2021, khi đó tính chung cả năm mới đạt tăng trưởng trên 11% như Kế hoạch số 210/KH-UBND (ngày 30/8/2022) của UBND tỉnh về điều chỉnh kịch bản tăng trưởng kinh tế (GRDP) 6 tháng cuối năm 2022.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong quý IV/2022, bài toán đưa ra cho khu vực I phải đạt tăng trưởng 6,08% ; khu vực II tăng 9,24%; khu vực III tăng 20,54% so cùng kỳ năm trước; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 14.386 tỷ đồng; tổng khách du lịch đạt 2,43 triệu lượt; thu hút vốn đầu tư FDI đạt 1,3 tỷ USD.

Từ những mục tiêu được xác định, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có nhiều cuộc họp bàn, thống nhất các biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện trên các lĩnh vực. Trong đó, khu vực I cần chuyển đổi nhanh cơ cấu cây trồng, tổ chức kết nối tiêu thụ sản phẩm trong chăn nuôi; truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, bảo đảm ATTP để nâng cao giá trị sản phẩm; đẩy mạnh nuôi tôm vụ 3 tại các địa phương Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên, Uông Bí.

Khu vực công nghiệp - xây dựng cần tiếp tục tạo điều kiện tốt nhất, tháo gỡ tối đa các khó khăn, vướng mắc cho ngành Than, điện, phấn đấu sản lượng than quý IV đạt 13 triệu tấn, đưa sản lượng cả năm đạt 48,3 triệu tấn; sản lượng điện quý IV đạt 9,8 tỷ kWh, đưa sản lượng sản xuất cả năm đạt 35,5 tỷ kWh. Đặc biệt, các cấp, ngành phải chủ động nắm tình hình, kịp thời giải quyết ngay khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi đối với các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo đi vào hoạt động. 

Những tháng cuối năm, thị trường du lịch của Quảng Ninh có xu hướng giảm, do bước vào mùa đông. Do vậy ở khu vực III các sở, ngành, địa phương cần đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá, kích cầu du lịch trong nước, tổ chức các chương trình xúc tiến du lịch tại một số thị trường trọng điểm như Thái Lan, Ấn Độ, Hàn Quốc..., nhất là tranh thủ hội nghị Đại hội đồng Diễn đàn Du lịch Liên khu vực Đông Á (EATOF) lần thứ 17 gắn với Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập EATOF được tổ chức tại Quảng Ninh, để quảng bá, kích cầu du lịch vào tỉnh.

Đồng thời các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác điều hành thu ngân sách Nhà nước, trong đó phối hợp thực hiện 6 kế hoạch của UBND tỉnh về quản lý thuế, liên quan đến kinh doanh nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê, căn hộ du lịch, cho thuê mặt bằng kinh doanh; hoạt động vận tải; khai thác khoáng sản; xây dựng; kinh doanh xăng dầu; kinh doanh bất động sản; triển khai rộng rãi hóa đơn điện tử.

Bám sát chỉ đạo của tỉnh, nhiều sở, ngành, địa phương của tỉnh đã chủ động tiếp xúc, gặp gỡ các doanh nghiệp để nắm thông tin tình hình hoạt động xuất, nhập khẩu và hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp. Trong đó, tập trung lựa chọn những doanh nghiệp có kim ngạch xuất, nhập khẩu lớn, hàng hóa phù hợp với đặc thù cửa khẩu để thu hút nhằm tăng kim ngạch và thu ngân sách tại các chi cục thuế.

Một trong những nhiệm vụ cốt lõi là các chủ đầu tư cần tập trung chỉ đạo thực hiện 6 nhóm giải pháp chủ yếu của UBND tỉnh đưa ra theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 124/NQ-CP (ngày 15/9/2022) "Về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022", đảm bảo đến ngày 31/12 phải giải ngân 100% kế hoạch vốn. Đặc biệt, các chủ đầu tư chủ động phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các địa phương hoàn thành chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với một số dự án động lực, trọng điểm; đồng thời hướng dẫn các đơn vị (chủ đầu tư mỏ đất) hoàn thiện các thủ tục để thuê đất, làm cơ sở cho các nhà thầu khai thác đất đắp nền một số dự án có nhu cầu về đất đắp nền.

Với sự chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh cùng những giải pháp cụ thể được giao cho các sở, ngành, địa phương, mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2022 của tỉnh chắc chắn sẽ hoàn thành, làm động lực, nền tảng để tỉnh xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 với nhiều chỉ tiêu cao hơn.

Trung Hiếu/Báo Tin tức
Liên tiếp 5 năm giữ ‘ngôi vương’, Quảng Ninh vẫn luôn nỗ lực tìm giải pháp cải thiện PCI
Liên tiếp 5 năm giữ ‘ngôi vương’, Quảng Ninh vẫn luôn nỗ lực tìm giải pháp cải thiện PCI

Dù đã có 5 năm liên tiếp đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, nhưng lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh vẫn khẳng định: Mục tiêu của tỉnh không phải thứ hạng mà là hướng tới cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thực chất và hiệu quả.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN