Hành trình vươn lên dẫn đầu
Hơn 10 năm trước, Quảng Ninh vẫn còn khiêm tốn đứng ở vị trí thứ 58 trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Thế nhưng, năm 2016, Quảng Ninh đã xuất sắc vươn lên vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng; sau đó tiếp tục vươn lên dẫn đầu các tỉnh, thành phố trên cả nước trong năm 2017 và duy trì vị trí "quán quân" suốt 5 năm liên tiếp (2017-2021).
Việc Quảng Ninh bứt phá vươn lên thứ hạng hàng đầu này là thành quả kết tinh từ quyết tâm chính trị rất cao của tỉnh. Tỉnh đã chủ động, quyết liệt và đổi mới trong công tác chỉ đạo điều hành, tạo sự vào cuộc đồng bộ từ các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị trong nỗ lực xây dựng chính quyền kiến tạo.
Từ năm 2014 tới nay, các nghị quyết cấp tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ cho năm kế tiếp đều chú trọng, đưa vào nội dung về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh hướng tới cải thiện, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Hàng năm, UBND tỉnh ban hành kế hoạch hành động về triển khai cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Đặc biệt, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Quảng Ninh lần đầu tiên và duy nhất trong cả nước đưa mục tiêu "hàng năm giữ vững vị trí nhóm đầu về các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS và PAPI" vào văn kiện Đại hội.
Cụ thể hóa định hướng này, tỉnh đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 9/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 với quan điểm tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy quản lý, từ mệnh lệnh sang phục vụ - kiến tạo, lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ, chất lượng điều hành của cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở..
Tỉnh cũng chú trọng đúng mức việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là các hành vi “tham nhũng vặt”; đồng thời, tập trung cải cách nền hành chính quản lý - quản trị - kiến tạo phát triển, hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, năng động, công khai, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ người dân, doanh nghiệp và xã hội; giảm tối đa rủi ro pháp lý, chi phí hành chính và tuân thủ đối với người dân cũng như doanh nghiệp.
Tỉnh Quảng Ninh đã nỗ lực xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức liêm chính, kỷ cương, dấn thân, sáng tạo gắn với tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy; giữ vững sự đoàn kết, đề cao sự gương mẫu, trách nhiệm của người đứng đầu; quyết liệt trong hành động, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Ngoài ra, tỉnh cũng mạnh dạn xây dựng thí điểm thành công nhiều mô hình quản trị mới như: thành lập Trung tâm Truyền thông tỉnh, thành lập Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư (IPA) trực thuộc UBND tỉnh; thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện trực thuộc UBND cùng cấp; thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn; lập Tổ công tác đặc biệt hỗ trợ các nhà đầu tư và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19...
Những mô hình này đã ngày càng khẳng định tính cần thiết, hiệu quả thông qua sự đánh giá, hài lòng của các nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân. Từ đó, góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch trong thực hiện cung cấp các dịch vụ công phục vụ doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân và xã hội với chất lượng ngày càng tốt hơn.
Quảng Ninh mạnh dạn trao quyền cho cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp “đo lường”, đánh giá khách quan, độc lập thông qua phiếu điều tra, khảo sát mức độ tín nhiệm đối bộ máy chính quyền điều hành cấp cơ sở như: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện DDCI Quảng Ninh và các chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), Chỉ số hiệu quả quản trị cấp huyện (DGI) và Chỉ số đánh giá mức độ, xếp hạng chính quyền điện tử (ICT) của các sở, ban, ngành, các cơ quan ngành dọc Trung ương đóng trên địa bàn và UBND các huyện, thị xã, thành phố.
Năm 2021 là lần thứ 5 liên tiếp Quảng Ninh được giữ ngôi vị quán quân PCI đã làm nên thương hiệu, sự khác biệt của Quảng Ninh. Đây là kết quả xứng đáng cho những nỗ lực mà cả hệ thống chính trị, cộng đồng các nhà đầu tư, doanh nghiệp của Quảng Ninh; đồng thời cho thấy khát vọng phát triển của tỉnh Quảng Ninh trên hành trình cải cách, xoá bỏ rào cản, xây dựng chính quyền kiến tạo, phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp.
Cải thiện môi trường kinh doanh, giữ vững niềm tin doanh nghiệp
Theo ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh, những nỗ lực của tỉnh Quảng Ninh đã được cộng đồng doanh nghiệp, người dân đánh giá, ghi nhận, động viên và trong đó có cả sự gửi gắm những mong muốn, kỳ vọng lớn hơn về một chính quyền liêm chính, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gắn với tổ chức bộ máy ngày càng tinh gọn. Do đó, đòi hỏi trách nhiệm ngày càng cao của chính quyền, các sở ngành, nhất là liên quan tới những đòi hỏi về sự thay đổi trong chính bộ máy liên quan tới con người, công nghệ, quy trình và sự phối hợp liên thông giữa các ngành, các cấp trong hệ thống chính quyền địa phương.
Để thực hiện hiệu quả, Bí thư Tỉnh uỷ yêu cầu cần tiếp tục kiên trì đẩy mạnh cải cách hành chính một cách quyết liệt, đồng bộ, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch, hấp dẫn. Ứng dụng mạnh mẽ và có hiệu quả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo bước đột phá hiện đại hóa nền hành chính; cung cấp tối đa các dịch vụ tiện ích số, mang lại giá trị gia tăng và tạo sự thuận tiện nhất cho mọi người dân; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi giá trị.
Đặc biệt, không tự chủ quan, tự thỏa mãn, mà luôn nhận diện kịp thời những khó khăn, thách thức của địa phương, đơn vị, ngành, lĩnh vực mình và của nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân để tìm cách tháo gỡ, giải quyết theo quy định với phương châm “làm đúng, làm nhanh, làm hiệu quả”, “nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật để người dân và doanh nghiệp được thụ hưởng thật”...
Theo các chuyên gia, dù Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu PCI, xếp hạng có chất lượng điều hành kinh tế “rất tốt”, tuy nhiên, so với năm 2020, chỉ số giảm 2,07 điểm, một số chỉ số thành phần chưa đạt được mục tiêu đã đề ra. Một số chỉ tiêu mặc dù đã có sự cải thiện tăng điểm hoặc tăng hạng nhưng nhìn chung vẫn ở thứ hạng chưa cao so với các địa phương trên cả nước, còn nhiều dư địa để cải cách. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đặc biệt là cơ quan đầu mối các chỉ số thành phần và các cơ quan chủ trì các chỉ tiêu còn chưa thực sự nhuần nhuyễn và thường xuyên.
Năm 2022, Quảng Ninh đặt mục tiêu phấn đấu cải thiện từ 73.02 lên 75.38 điểm, tăng 2.36 điểm so với năm 2021. Đối với 10 chỉ số thành phần, phấn đấu có 6 chỉ số trong top 5/63 tỉnh, thành phố. Trong đó, 3 chỉ số dẫn đầu cả nước. Để đạt mục tiêu này, các chuyên gia, đại biểu dự hội nghị đã thẳng thắng phân tích, đưa ra một số gợi ý, tham góp để Quảng Ninh tiếp tục cải thiện bền vững các chỉ số thành phần, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Trong đó, tập trung đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; phát triển doanh nghiệp và phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân, khởi nghiệp sáng tạo; thực hiện hiệu quả “ba đột phá chiến lược” trong tình hình mới, thích ứng linh hoạt với tình hình kinh tế thế giới và khu vực, nhất là diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19.
Cùng với đó, cần đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền, nền kinh tế số và xã hội số, công dân số; nâng cao chất lượng phần mềm hệ thống quản lý, xử lý văn bản, nền tảng tích hợp, chia sẻ;
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, ông Nguyễn Xuân Ký, nhấn mạnh: "Cần tập trung vào người đứng đầu các cấp, đây là tâm điểm của vấn đề có tiếp tục đổi mới sáng tạo hay không. Mục tiêu cuối cùng là người dân được gì, doanh nghiệp được gì, tỉnh sẽ được gì. Tôi yêu cầu phải ngày càng hoàn thiện chức năng nhiệm vụ, ngày càng phân công, phân cấp rõ ràng. Đi liền với đó càng phải xem xét hiệu quả công việc bằng những sản phẩm đầu ra một cách kỹ lưỡng, căn cơ hơn với những chu trình thanh tra, kiểm tra, giám sát một cách nghiêm ngặt".
Liên tục đứng đầu bảng xếp hạng PCI nhiều năm, kỳ vọng của doanh nghiệp với Quảng Ninh đang ngày càng cao hơn. Năm 2022, Quảng Ninh đề ra mục tiêu tiếp tục duy trì vị trí trong nhóm dẫn đầu cả nước về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện bền vững năng lực cạnh tranh, hướng tới tăng dần điểm tổng PCI qua từng năm. Mục tiêu cốt lõi có được khi môi trường kinh doanh được cải thiện, chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn đó là nâng cao thu nhập và chất lượng đời sống của người dân một cách thực chất và hiệu quả.