Liên tiếp 5 năm dẫn đầu
Mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2021 (PCI 2021) dựa trên khảo sát gần 11.312 doanh nghiệp (hơn 10.127 doanh nghiệp tư nhân và 1.185 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài - FDI).
Theo đó, tỉnh Quảng Ninh năm thứ 5 tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng PCI, với số điểm đánh giá 73,02. Các chỉ số đứng đầu gồm: Chỉ số gia nhập thị trường (7,98 điểm), chi phí thời gian trong giải quyết thủ tục hành chính (8,52 điểm).
Đây cũng là địa phương duy nhất được xếp ở nhóm "rất tốt" vì đã có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc, cải thiện chỉ số gia nhập thị trường, giảm thiểu chi phí không chính thức, cũng như kịp thời tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp...
Trong điều tra PCI 2021, các doanh nghiệp tại Quảng Ninh cũng đánh giá "tốt" và "rất tốt" về ứng phó của chính quyền địa phương trước dịch COVID-19. Đây là một trong số địa phương có tỷ lệ doanh nghiệp hài lòng về quản trị dịch bệnh cao nhất cả nước.
Năm 2021, Quảng Ninh thu hút hơn 1,1 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Quảng Ninh năm ngoái tăng 10,28%. Bình quân thu nhập đầu người khoảng 7.614 USD, đứng thứ hai cả nước.
Quảng Ninh là tỉnh có 5 năm liên tiếp giữ vị trí thứ Nhất về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) (từ 2017-2021) và 9 năm liền (từ 2013-2021) trong nhóm 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước.
Đánh giá về kết quả PCI, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI cho hay, điều tra PCI năm qua cho thấy, trong bối cảnh năm 2021 với những khó khăn chưa từng có do dịch COVID-19, chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh tại Việt Nam tiếp tục duy trì xu hướng cải thiện theo thời gian, theo đánh giá của các doanh nghiệp tư nhân trong nước. Cải cách hành chính có chuyển biến tích cực, với hiệu quả và hiệu lực thực thi tại các cấp địa phương gia tăng. Những nỗ lực phòng chống tham nhũng đang phát huy tác dụng trong việc giảm gánh nặng chi phí không chính thức cho doanh nghiệp.
Cùng với đó, theo kết quả điều tra doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp này ghi nhận những cải thiện tích cực trong môi trường kinh doanh Việt Nam. Gánh nặng thanh, kiểm tra đã giảm, cùng với những chuyển biến tương đổi tích cực trong cải cách thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực. Gánh nặng chi phí không chính thức tiếp tục xu hướng giảm.
Với những kết quả điều tra nêu trên, ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh, doanh nghiệp trên cả nước đã dồn toàn lực thay đổi để vượt khó và chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt với đại dịch COVID-19. Năm 2022 có thể vẫn còn nhiều khó khăn nhưng cộng đồng doanh nghiệp đang bước vào cuộc sống “bình thường mới” sau khi kiên cường và sáng tạo vươn lên từ cú sốc do dịch bệnh gây ra.
Nỗ lực duy trì vị trí dẫn đầu
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, ông Nguyễn Xuân Ký, cho rằng, thành tích trên là kết quả của cả quá trình nhận thức đầy đủ vai trò của các khu vực kinh tế; trong đó, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng cho phát triển để xác định trách nhiệm của cả hệ thống chính trị địa phương, nhất là thực hiện các cam kết, giữ vững niềm tin, luôn đặt mình ở vị trí nhà đầu tư để thấu hiểu, thấu cảm, chia sẻ, đồng hành.
Năm 2021, dù còn nhiều khó khăn, Quảng Ninh vẫn là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư với tổng thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách đạt trên 360 nghìn tỷ đồng; trong đó, thu hút FDI thế hệ mới đạt gần 1,2 tỷ USD, gấp gần 3 lần so với năm 2020. Trên địa bàn tỉnh hiện có 145 dự án FDI của các nhà đầu tư tới từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 8,15 tỷ USD.
Quảng Ninh đã nổi lên là một điểm sáng về sự chủ động trong phòng, chống dịch, giữ vững địa bàn an toàn, ổn định, phát triển trong trạng thái bình thường mới, thực hiện tốt “mục tiêu kép”, đạt mức tăng trưởng 10,28% (đứng thứ 2 cả nước), giữ vững đà tăng trưởng GRDP hơn hai con số trong 6 năm liên tiếp 2016 - 2021.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh, đây là kết quả của quá trình kiên trì, nỗ lực, liên tục bền bỉ, có kế thừa, đổi mới và phát triển để xây dựng chính quyền liêm chính, hành động, kiến tạo, phục vụ, định hình nền quản trị địa phương hiện đại, tự chủ, năng động, hiệu quả, quyết tâm đột phá vào các nút thắt, điểm nghẽn để mở ra cơ hội mới cho phát triển.
Tỉnh cũng chú trọng đúng mức việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là các hành vi “tham nhũng vặt”; đồng thời, tập trung cải cách nền hành chính quản lý - quản trị - kiến tạo phát triển, hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, năng động, công khai, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ người dân, doanh nghiệp và xã hội; giảm tối đa rủi ro pháp lý, chi phí hành chính và tuân thủ đối với người dân cũng như doanh nghiệp.
Tỉnh Quảng Ninh đã nỗ lực xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức liêm chính, kỷ cương, dấn thân, sáng tạo gắn với tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy; giữ vững sự đoàn kết, đề cao sự gương mẫu, trách nhiệm của người đứng đầu; quyết liệt trong hành động, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Ngoài ra, tỉnh cũng mạnh dạn xây dựng thí điểm thành công nhiều mô hình quản trị mới như: Thành lập Trung tâm Truyền thông tỉnh, thành lập Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư (IPA) trực thuộc UBND tỉnh; thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện trực thuộc UBND cùng cấp; thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn; lập Tổ công tác đặc biệt hỗ trợ các nhà đầu tư và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19...
Đồng thời, Quảng Ninh đã mạnh dạn trao quyền cho cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp “đo lường”, đánh giá khách quan, độc lập thông qua phiếu điều tra, khảo sát mức độ tín nhiệm đối bộ máy chính quyền điều hành cấp cơ sở như: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện DDCI Quảng Ninh và các chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), Chỉ số hiệu quả quản trị cấp huyện (DGI) và Chỉ số đánh giá mức độ, xếp hạng chính quyền điện tử (ICT) của các sở, ban, ngành, các cơ quan ngành dọc Trung ương đóng trên địa bàn và UBND các huyện, thị xã, thành phố.
Cùng với kết quả đã đạt được, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nêu lên trăn trở về trách nhiệm của lãnh đạo một số địa phương khi có biểu hiện né tránh trách nhiệm, ngại va chạm, chưa dành sự quan tâm đúng mức để cải thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh; cùng với đó là tư duy 5 năm liên tiếp ở trên đỉnh nên còn tâm lý chủ quan.
Theo ông Nguyễn Xuân Ký, nếu không có sự thay đổi, quyết tâm cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh thì nguy cơ bị "soán ngôi" có thể xảy ra.
Theo phân tích của các chuyên gia về chỉ số PCI Quốc gia, hiện nay, bên cạnh các chỉ số được chấm điểm và xếp thứ hạng ổn định, ở vị trí tốp đầu, Quảng Ninh cũng còn một số chỉ tiêu có thứ hạng thấp.
Vẫn còn tỷ lệ đáng kể doanh nghiệp không hài lòng khi thực hiện các thủ tục hành chính cấp phép kinh doanh có điều kiện, thể hiện ở một số chỉ tiêu có thứ hạng rất thấp như: Tỷ lệ doanh nghiệp phải hủy bỏ kế hoạch kinh doanh do những khó khăn gặp phải khi thực hiện thủ tục sửa đổi đăng ký doanh nghiệp đạt 11,76% đứng thứ 52/63; tỷ lệ doanh nghiệp phải hủy bỏ kế hoạch kinh doanh do những khó khăn gặp phải khi thực hiện thủ tục đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh có điều kiện đạt 25% đứng thứ 42/63; tỷ lệ doanh nghiệp chưa hài lòng với việc tiếp cận các thủ tục đất đai, thuế phí, quản lý thị trường, phòng chống cháy nổ… cao so với mức bình quân của cả nước.
Năm 2022, Quảng Ninh đặt mục tiêu cải thiện tổng điểm Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh từ 73,02 lên 75,38 điểm, tăng 2,36 điểm so với năm 2021.
Đối với 10 chỉ số thành phần, tỉnh phấn đấu có 6 chỉ số trong tốp 5, gồm: Chi phí gia nhập thị trường, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, tính năng động, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự.
Đồng thời, tỉnh ưu tiên tập trung và cải thiện vượt bậc điểm số và thứ hạng của 3 chỉ số: Tính minh bạch, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và đào tạo lao động.
Thời gian tới, Quảng Ninh sẽ tiếp tục chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược, đề cao trách nhiệm người đứng đầu và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong việc xây dựng chính quyền minh bạch, liêm chính, hành động, kiến tạo, phục vụ; tận dụng tối đa mọi cơ hội nhanh chóng chuyển đổi số toàn diện, thúc đẩy tăng trưởng xanh; đồng hành thực chất, tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp, nhà đầu.
Tỉnh cũng sẽ tập trung huy động tổng hợp mọi nguồn lực, lấy “đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”; tiếp tục kêu gọi các phương thức đầu tư, mô hình kinh doanh mới có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài, đầu tư tư nhân, nhất là phát huy hiệu quả mô hình đối tác công - tư (PPP)…; hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi giá trị; củng cố niềm tin vào thị trường cho người tiêu dùng, doanh nghiệp và nhà đầu tư…