Liên tiếp 5 năm giữ ‘ngôi vương’, Quảng Ninh vẫn luôn nỗ lực tìm giải pháp cải thiện PCI

Dù đã có 5 năm liên tiếp đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, nhưng lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh vẫn khẳng định: Mục tiêu của tỉnh không phải thứ hạng mà là hướng tới cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thực chất và hiệu quả.

Chú thích ảnh
Cầu Vân Tiên hiện là cây cầu vượt biển dài nhất Quảng Ninh, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, kết nối hạ tầng giao thông của tỉnh và cả nước. Ảnh: TTXVN

Giữ vững ngôi vị số 1

Mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2021 (PCI 2021) dựa trên khảo sát gần 11.312 doanh nghiệp (hơn 10.127 doanh nghiệp tư nhân và 1.185 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài - FDI). Theo đó,  tỉnh Quảng Ninh năm thứ 5 tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng PCI, với số điểm đánh giá 73,02. Các chỉ số đứng đầu gồm: Chỉ số gia nhập thị trường (7,98 điểm), chi phí thời gian trong giải quyết thủ tục hành chính (8,52 điểm).

Đây cũng là địa phương duy nhất được xếp ở nhóm "rất tốt" vì đã có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc, cải thiện chỉ số gia nhập thị trường, giảm thiểu chi phí không chính thức, cũng như kịp thời tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp...

Theo báo cáo điều tra PCI 2021, tại Quảng Ninh có 81,6% doanh nghiệp tư nhân trong nước và 100% doanh nghiệp FDI tại địa bàn tỉnh hài lòng với cách ứng phó của tỉnh về khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra. Kết quả trên phần lớn là nhờ công tác hỗ trợ giải quyết các thủ tục về đầu tư, doanh nghiệp được tỉnh Quảng Ninh triển khai với cách làm mới, nhanh, rút ngắn thời gian qua các hoạt động.

Đơn cử như việc luôn kịp thời và nhanh chóng ban hành các văn bản chỉ đạo hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo chuyên đề, lĩnh vực; thành lập các Tổ công tác đặc biệt để giải quyết nhanh chóng các thủ tục đầu tư, kinh doanh như Tổ Investor Care hỗ trợ, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án; tổ công tác hỗ trợ triển khai các dự án; tổ công tác đặc biệt của UBND tỉnh về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19...

Ngoài ra, việc giải quyết vướng mắc, khó khăn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng được thực hiện hiệu quả hơn thông qua nhiều hình thức như tổ chức Hội nghị làm việc với Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Hiệp hội du lịch tỉnh về tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh; Tổ chức Hội nghị gặp mặt, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ....

Đặc biệt, cách làm mới trong hỗ trợ các dự án đầu tư trọng điểm là công tác chỉ đạo sát sao, gắn với kiểm tra, đôn đốc tại thực địa dự án của các lãnh đạo tỉnh, qua đó đã chỉ đạo giải quyết ngay các vấn đề của các dự án đầu tư.

Năm 2021, Quảng Ninh thu hút hơn 1,1 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Quảng Ninh năm ngoái tăng 10,28%. Bình quân thu nhập đầu người khoảng 7.614 USD, đứng thứ hai cả nước.

Chú thích ảnh
Quảng Ninh thu hút nhiều doanh nghiệp lớn trong thời gian qua. Ảnh: TTXVN

Cải cách là hành trình không có điểm dừng

Ông Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh chia sẻ, để giữ được 5 năm liên tiếp dẫn đầu PCI, tỉnh đã có hệ thống giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, đồng hành cùng doanh nghiệp. Mục tiêu của Quảng Ninh là xây dựng chính quyền kiến tạo, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo cho sự phục vụ.

"Với 5 năm thành công như vậy, điều chúng tôi luôn suy nghĩ là Quảng Ninh không hài lòng, thỏa mãn với chính bản thân mình. Chúng tôi được kế thừa những thành công tốt đẹp nhiều thế hệ và đến thế hệ chúng tôi bây giờ", ông Nguyễn Tường Văn cho biết.

Khi được hỏi về những giải pháp cụ thể để Quảng Ninh duy trì thứ hạng PCI năm sau, chủ tịch tỉnh Quảng Ninh cho biết, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh chỉ có điểm khởi đầu mà không có kết thúc. Tỉnh sẽ tiếp tục phấn đấu, trăn trở tìm ra giải pháp mới cách làm mới cho vấn đề cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Điều mà Quảng Ninh mong muốn là làm sao có được niềm tin của doanh nghiệp.

Chú thích ảnh
PCI của 10 địa phương đứng đầu năm 2021 qua 10 năm. Infographics: TTXVN

Ông Nguyễn Tường Văn chia sẻ thêm, hai năm 2020 và 2021, dịch bệnh COVID-19 diễn ra phức tạp, doanh nghiệp chịu nhiều khó khăn và chưa bao giờ doanh nghiệp cần sự hỗ trợ và đồng hành của địa phương đến như vậy.

"Doanh nghiệp cần nhất sự đồng hành của chính quyền, cần chính quyền giải quyết những ách tắc trong thủ tục hành chính. Với Quảng Ninh, bí quyết rất đơn giản, đó là đổi mới tư duy, bám sát thực tiễn, tìm ra điểm nghẽn, giải quyết vướng mắc giải quyết doanh nghiệp", Chủ tịch Quảng Ninh chia sẻ.

Cùng với PCI, Quảng Ninh cũng xây dựng Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở ban ngành và địa phương (DDCI) của tỉnh. Thông qua hệ thống các chỉ số này, ông Nguyễn Tường Văn cho biết, Quảng Ninh đã kiểm soát tốt việc điều hành cấp huyện, từ đó nâng lên quản lý điều hành tốt hơn cấp tỉnh, đảm bảo sự cạnh tranh, sự phấn đấu vươn lên của Quảng Ninh so với các địa phương khác.

Với chi phí "bôi trơn" - một trong những vấn đề được người dân, doanh nghiệp quan tâm, đây cũng là chỉ số mà Quảng Ninh nỗ lực rất nhiều để giảm dần qua các năm. Theo thống kê, điểm số cho chỉ số chi phí không chính thức tại Quảng Ninh được chấm ngày một cao lên, nếu năm 2017 là 5,79 điểm thì năm 2021, con số này là 7,85 điểm.

"Giảm bôi trơn thì cần tính minh bạch. Chúng tôi đạt được cấp độ dịch vụ công trực tuyến cấp 4. Chúng tôi xác định đây là giải pháp trọng tâm để giảm tiếp xúc trực tiếp giữa bộ máy công quyền với người dân, doanh nghiệp. Qua đó giảm chi phí không chính thức. Chuyển đổi số là vấn đề được Chính phủ rất quan tâm. Quảng Ninh cũng đã ban hành Nghị quyết số 09 để triển khai nội dung này", Chủ tịch Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng xây dựng các kế hoạch triển khai, với các chỉ tiêu rất cụ thể cho giai đoạn 2025-2030 và tầm nhìn 2045 với kỳ vọng những nỗ lực từ cấp cao nhất của tỉnh, các mục tiêu chuyển đổi số sẽ đạt được kết quả tốt nhất.

Năm 2022, Quảng Ninh đặt mục tiêu phấn đấu cải thiện từ 73.02 lên 75.38 điểm, tăng 2.36 điểm so với năm 2021. Đối với 10 chỉ số thành phần, phấn đấu có 6 chỉ số trong top 5/63 tỉnh, thành phố. Trong đó, 3 chỉ số dẫn đầu cả nước. 

Chỉ số PCI là tên viết tắt tiếng Anh của Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (Provincial Competitiveness Index) – Chỉ số đo lường và đánh giá chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của của chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.

Được xây dựng từ dữ liệu điều tra doanh nghiệp thường niên có quy mô lớn nhất, thực hiện một cách công phu nhất tại Việt Nam hiện nay, Chỉ số PCI chính là “tập hợp tiếng nói” của cộng đồng doanh nghiệp dân doanh về môi trường kinh doanh tại các tỉnh, thành phố ở Việt Nam.
Thu Trang/Báo Tin tức
Bí quyết tạo ‘thương hiệu’ PCI Quảng Ninh
Bí quyết tạo ‘thương hiệu’ PCI Quảng Ninh

Nói đến PCI, Quảng Ninh là địa phương thường được nhắc đến đầu tiên khi liên tiếp 5 năm liền giữ ngôi đầu trong bảng xếp hạng danh giá về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh này. Năm 2021, Quảng Ninh còn là tỉnh duy nhất được xếp hạng chất lượng điều hành kinh tế "rất tốt". Đây cũng là một trong những địa phương có tỷ lệ doanh nghiệp  hài lòng về quản trị dịch bệnh cao nhất cả nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN