Chỉ số PCI và những điểm sáng

Kết quả điều tra về chỉ số cạnh tranh (PCI) năm 2021 vừa được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố cho thấy, Quảng Ninh tiếp tục là điểm sáng khi năm thứ 5 liên tiếp dẫn đầu và kéo dài chuỗi 9 năm liên tục trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có điểm số PCI cao nhất toàn quốc.

Chú thích ảnh
Tuyến mương hiện tại và hạng mục cầu của dự án nối đường bao biển Hạ Long-Cẩm Phả với trung tâm thành phố Cẩm Phả nhìn từ trên cao. Ảnh minh họa: Thanh Vân/TTXVN

Quảng Ninh có được kết quả trên là dựa vào nền tảng những cải cách đột phá khi là tỉnh đầu tiên trên cả nước thành lập, vận hành Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư và Trung tâm hành chính công, tập trung vào việc tối ưu hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, từ đó rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng như minh bạch hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính tại địa phương.

Quảng Ninh cũng là tỉnh chú trọng vào việc nâng cao chất lượng thực thi của bộ máy chính quyền, chất lượng hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp, có những sáng tạo mới khi lập tổ thường trực chăm sóc các nhà đầu tư cùng với việc triển khai đánh giá hiệu quả hoạt động của các sở, ngành, huyện, thị cũng như chủ động tổ chức các cuộc đối thoại để thu thập và xử lý vướng mắc của các nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Có điểm chung là các tỉnh, thành phố nằm trong top 10 về chỉ số PCI 2021, đều là những địa phương có nhiều nỗ lực, sáng kiến trong quản trị, điều hành, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp.

Cụ thể, Hải Phòng đã tập trung tháo gỡ kịp thời những vướng mắc nảy sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua đối thoại trực tiếp hằng tháng giữa các nhà đầu tư, doanh nghiệp với lãnh đạo thành phố và các sở, ngành chức năng. Hải Phòng đã triển khai hiệu quả chương trình hành động và cam kết công khai cắt giảm 50% thời gian thủ tục so với quy định. Hải Phòng cũng là địa phương có bước tiến rõ rệt trong vận dụng chính sách linh hoạt, giúp các nhà đầu tư, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất kinh doanh trong bối cảnh chịu tác động tiêu cực của dịch COVID-19.

Đồng Tháp là tỉnh khởi nguồn của mô hình cà phê doanh nhân trên cả nước, tiến hành nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp và tăng cường hỗ trợ kết nối giữa các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp, thúc đẩy hình thành các chuỗi giá trị tại địa phương. Đồng Tháp thực hiện phương thức "4 tại chỗ" như tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, trả kết quả khi giải quyết thủ tục hành chính công các cấp.

Phải khẳng định, những nỗ lực của chính quyền các địa phương trong việc thực hiện cam kết tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, đặc biệt là thông qua các cuộc đối thoại trực tiếp với các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp, đã giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư làm ăn chân chính ở Việt Nam ngày càng tin tưởng vào chính sách ưu việt, nhất quán của Đảng, Nhà nước ta trong bối cảnh hội nhập càng sâu rộng của Việt Nam.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp vẫn còn phàn nàn, không phải địa phương nào cũng làm tốt công tác hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Những hạn chế, bất cập, chậm được bổ sung, sửa sai trong các thủ tục hành chính đã tạo kẽ hở để cán bộ thực thi công vụ trục lợi. Tình trạng nhũng nhiễu, vô cảm của một bộ phận viên chức, công chức, cán bộ thực thi công vụ là những rào cản, gây khó khăn, làm mất cơ hội làm ăn kinh doanh của nhà đầu tư, doanh nghiệp. Đơn cử, ở lĩnh vực quản lý đất đai, hầu hết các tỉnh, thành phố đã đưa văn phòng đăng ký đất đai một cấp đi vào hoạt động, thủ tục hành chính tuy có được cải thiện, nhưng tình trạng vòi vĩnh, nhiêu khê, gây phiền hà của người thực thi công vụ chưa được ngăn chặn triệt để. Dù được đánh giá đã có chuyển biến tích cực, nhưng kết quả của công cuộc cải cách thủ tục hành chính ở nhiều tỉnh, thành phố vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Vật cản lớn nhất trong cải cách thủ tục hành chính hiện nay chính là sự chồng chéo, rối rắm, thiếu nhất quán của một số văn bản pháp luật liên quan. Các quy trình, thủ tục chưa thật sự rõ ràng, thiếu đồng bộ, mỗi địa phương làm một kiểu gây bức xúc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Đáng chú ý, trong thực hiện "một cửa, một cửa liên thông", hồ sơ thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đất đai phần lớn bị trả chậm so với thời gian quy định, khiến nhà đầu tư, doanh nghiệp nản lòng do phải đi lại nhiều lần và mất nhiều thời gian để giải quyết.

Ý kiến của nhiều doanh nghiệp cho rằng, chỉ khi nào cán bộ công chức thực sự tận tâm, chính quyền địa phương thực sự tận tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp, coi việc thành công (hay thất bại) của doanh nghiệp cũng là niềm vui (hay nỗi buồn) của mình, thì khi đó doanh nghiệp mới thoát khỏi sự phiền toái và yên tâm làm ăn lâu dài.

Yến Nhi
CPI tháng 4/2022 tăng 0,18%
CPI tháng 4/2022 tăng 0,18%

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng nhẹ 0,18% so với tháng trước đó. Trong đó, 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 3 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN