Quảng Nam hoàn thành các phương án ứng phó bão trước 12 giờ ngày 14/11

Trước diễn biến phức tạp, tốc độ di chuyển nhanh, sức gió mạnh của bão số 13 trên Biển Đông, để giảm thiểu tối đa các thiệt hại về người và tài sản của nhân dân và Nhà nước, ngày 13/11, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam đã có Công điện tập trung ứng phó với bão số 13 và tình hình mưa lũ.

Chú thích ảnh
Sáng 13/11/2020, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai họp trực tuyến với các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Định để chỉ đạo về công tác ứng phó với bão số 13, có tên quốc tế là VAMCO. Trong ảnh: Đầu cầu họp trực tuyến tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh, Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam, các đơn vị quản lý hồ chứa thủy lợi, thủy điện và các doanh nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp khẩn trương hoàn thành các phương án phòng, chống bão số 13.

Các địa phương phối hợp với các lực lượng, ban, ngành liên quan tiếp tục rà soát, kiểm tra, kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện, tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là những khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt sâu để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước, đối với bão, triển khai sơ tán theo phương án ứng phó bão mạnh; đối với ngập lụt triển khai phương án sơ tán theo mức ngập báo động III +1m tại các trạm thủy văn.

Đồng thời, các địa phương đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm và nước uống và nhu yếu phẩm thiết yếu tại nơi sơ tán tập trung. Các địa phương ven biển kiểm tra, hướng dẫn; đảm bảo các phương án an toàn cho nhân dân và du khách ven biển, các đảo, trên các lồng bè và khu vực nuôi trồng thủy, hải sản; kiên quyết không để người ở lại trên tàu, thuyền, lồng bè và phải hoàn thành trước 12 giờ ngày 14/11.

Các sở, ban ngành, cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp khẩn trương chằng, chống trụ sở làm việc và các cơ sở vật chất do đơn vị quản lý, không để tốc mái do gió bão, có biện pháp bảo vệ trang thiết bị, máy móc, tránh bị hư hỏng do mưa bão; cắt tỉa cành, chằng chống hệ thống cây xanh và phải hoàn thành trước 12 giờ ngày 14/11. Các doanh nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp chằng, chống cơ sở vật chất, nhà xưởng, hoặc cho nghỉ việc để bảo đảm an toàn tính mạng của công nhân và người lao động.

Bên cạnh đó, để kịp thời xử lý các tình huống xấu xảy ra, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của các sở, ngành, các địa phương phải tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ để kịp thời chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục, thường xuyên báo về Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn theo dõi, chỉ đạo.

Trịnh Bang Nhiệm (TTXVN)
Từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế khẩn trương triển khai phòng, chống bão số 13
Từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế khẩn trương triển khai phòng, chống bão số 13

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai yêu cầu các địa phương khẩn trương thực hiện công tác ứng phó theo Công điện số 1597/CĐ-TTg ngày 12/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ bởi bão số 13 dự báo sẽ đi vào đất liền các tỉnh, thành phố Trung Bộ từ đêm 14 đến rạng sáng 15/11.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN