Trước mắt, địa phương đã hình thành những vùng chuyên canh lớn như: vùng sầu riêng xuất khẩu trên 14.000 ha ở các huyện địa bàn kiểm soát lũ phía Tây tỉnh là Cai Lậy, Cái Bè, thị xã Cai Lậy; vùng trồng thanh long xuất khẩu trên 9.000 ha ở huyện Chợ Gạo nằm trong vùng ngọt hóa Gò Công; vùng trồng dứa chuyên canh phục vụ chế biến xuất khẩu trên 16.000 ha ở huyện Tân Phước trong vùng Đồng Tháp Mười (Tiền Giang), vùng trồng mít Thái siêu sớm hàng chục ngàn ha ở vùng kiểm soát lũ phía Tây và vùng Đồng Tháp Mười…
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết, sắp tới, địa phương tiếp tục định hướng phát triển cây ăn trái chù lực ở những địa bàn trọng điểm; khuyến khích nông dân mở rộng diện tích cây ăn quả đặc sản trên đất giồng cát ven biển, ven kênh mương ngọt hóa, đất trồng lúa khó khăn và thu nhập bấp bênh gắn với tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2025.
Song song đó, tỉnh áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học công nghệ để tăng năng suất, sản lượng, đảm bảo chất lượng cung ứng ứng thị trường, tiến tới hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác nhằm liên kết chuỗi giá trị, giải quyết đầu ra cho nông sản hàng hóa, nông dân an tâm đẩy mạnh sản xuất.
Hiện nay, sầu riêng Cai Lậy, xoài cát Hòa Lộc, thanh Long Chợ Gạo đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa; từ đó, tạo động lực để các chủng loại cây ăn quả đặc sản tỉnh Tiền Giang thăng hoa, chiếm lĩnh thị trường trong nước và xuất khẩu.
Huyện Cai Lậy có thế mạnh về trồng và xuất khẩu sầu riêng, huyện Chợ Gạo có thế mạnh về trồng và xuất khẩu thanh long…là những địa phương trong thời gian qua đã đi tiên phong trên lĩnh vực phát triển kinh tế vườn quả đặc sản, nhanh chóng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phá thế độc canh và hình thành những vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản hàng hóa lớn, góp phần giúp nông nghiệp, nông thôn đổi mới và nông dân tạo dựng nên cơ nghiệp bền vững.
Huyện Cai Lậy có 378 ha cây ăn trái sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP; trong đó, sầu riêng 305 ha, chôm chôm 50 ha, nhãn 23 ha. Đồng thời, huyện có 21 ha sầu riêng đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Cùng với đó, huyện Cai Lậy tiếp tục quan tâm việc sản xuất, đảm bảo chất lượng và quảng bá thương hiệu tập thể "Sầu riêng Cai Lậy".
Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ Hợp tác xã nông nghiệp Hiệp Đức tham gia Đề án phát triển vùng nguyên liệu cây ăn trái vùng Đồng Tháp Mười; Hợp tác xã sầu riêng Ngũ Hiệp xây dựng Dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sầu riêng, tham gia Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm".
Nhờ nguồn lợi từ kinh tế vườn quả đặc sản đã giúp huyện đạt tiêu chí về thu nhập, giảm nghèo nông thôn theo chuẩn nông thôn mới. Từ đó, 100% số xã trong huyện đã được công nhận đạt chuẩn về xã nông thôn mới. Năm 2022, huyện Cai Lậy phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới và 2 xã là Ngũ Hiệp và Phú Nhuận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao.
Huyện Cái Bè nằm ở đầu nguồn sông Tiền (Tiền Giang) nhiều năm nay đã hướng nông dân chuyển đổi sản xuất những địa bàn khó khăn sang lập vườn trồng cây ăn quả đặc sản như: bưởi lông Cổ Cò, bưởi da xanh, cây có múi, xoài cát Hòa Lộc…mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng lúa năng suất cao.
Xoài cát Hòa Lộc - đặc sản nổi tiếng cả nước và là nguồn nông sản chất lượng cao xuất khẩu của tỉnh Tiền Giang có xuất xứ từ xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè. Hiện nay, xoài cát Hòa Lộc Cái Bè đã được chấp nhận xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Hoa Kỳ, được đưa lên phục vụ khách hạng thương gia trên các chuyến bay của Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines). Cái Bè cũng đã thành lập Hợp tác xã Xoài cát Hòa Lộc tại xã Hòa Hưng thu hút 114 hộ xã viên, diện tích canh tác 68 ha đạt chứng nhận VietGAP
Theo Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cái Bè Phan Thanh Sơn, nhằm nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh của trái cây đặc sản Tiền Giang, địa phương chú trọng chuyển giao kỹ thuật, xây dựng thương hiệu trái cây đặc sản, định hướng nông dân chọn giống tốt, sạch bệnh, thâm canh theo hướng VietGAP, GlobalGAP kết hợp phát triển các mô hình kinh tế hợp tác để giải quyết đầu ra ổn định cho nông sản hàng hóa hoặc liên kết theo mô hình chuỗi giá trị, nông dân được lợi.
Là địa phương nằm ven biển tỉnh Tiền Giang, huyện Gò Công Đông vốn gặp nhiều khó khăn trong phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống cho nhân dân. Gần đây, phát huy các tiềm năng kinh tế theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu, đặc biệt là chuyển đổi cây trồng địa bàn ven biển phù hợp với đặc thù thổ nhưỡng, thời tiết, thủy văn đã mở ra tương lai mới cho nền nông nghiệp địa phương, được bà con ủng hộ, hưởng ứng một cách tích cực.
Theo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông, huyện hiện có 810 ha vườn trồng cây ăn quả, chủ yếu trồng các loại cây kinh tế cao như: Sơ ri, thanh long ruột đỏ, mãng cầu xiêm,…Ngoài sơ ri, mãng cầu ta là những cây ăn quả truyền thống thích hợp với điều kiện đất đai nhiễm mặn, chịu hạn hán, gần đây, nông dân Gò Công Đông còn đưa thêm nhiều cây ăn quả đặc sản, có giá trị kinh tế cao vào cơ cấu trồng trọt: thanh long ruột đỏ, mãng cầu xiêm, chanh tứ quí…
Trước mắt, địa phương đã xây dựng vùng chuyên canh thanh long ruột đỏ gần 200 ha tại xã ven biển Kiểng Phước. Kiểng Phước cũng đã hình thành Hợp tác xã trồng thanh long VietGAP Kiểng Phước quy tụ các hộ nông dân vùng chuyên canh.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông Nguyễn Văn Quí chia sẻ, kinh tế vườn quả đóng góp phần không nhỏ trong việc nâng cao thu nhập, giảm nghèo nông thôn, tạo tiền đề để huyện Gò Công Đông cùng với huyện Chợ Gạo là hai huyện đầu tiên của tỉnh Tiền Giang được Thủ tướng Chính phủ công nhân đạt huyện nông thôn mới vào cuối năm 2020.
Tại huyện Chợ Gạo hiện đã cơ bản chuyển đổi toàn bộ diện tích đất trồng lúa sang lập vườn cây ăn quả đặc sản, là nhân tố tích cưc giúp cho địa phương được công nhận đạt huyện nông thôn mới trong năm 2020.
Thống kê theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, đến nay, tỉnh có diện tích cây ăn quả đã mở rộng lên trên 82.000 ha. Từ đầu năm, nông dân trên địa bàn tỉnh đã thu hoạch được trên 405.000 tấn trái cây các loại, tăng gần 8% so với cùng kỳ năm trước.