Gần 45 tỷ đồng phát triển sản xuất cây ăn quả bền vững

Tỉnh Bắc Giang đã phê duyệt, triển khai “Đề án hỗ trợ phát triển sản xuất cây ăn quả bền vững trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025” với tổng kinh phí gần 45 tỷ đồng.

Chú thích ảnh
Vườn cam Vinh của gia đình anh Nguyễn Văn Mậu, thôn Đồng Quýt, xã Tân Quang, Lục Ngạn, Bắc Giang, mỗi năm cho thu hoạch gần 1 tỷ đồng. Ảnh tư liệu: Đồng Thúy/TTXVN

Tỉnh Bắc Giang đẩy mạnh phát triển vùng sản xuất cây ăn quả tập trung, áp dụng quy trình sản xuất an toàn bền vững, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phát triển thương hiệu, nhãn mác bao bì, truy xuất nguồn gốc.

Đồng thời, tổ chức sản xuất theo các mã số vùng trồng gắn với tổ chức sản xuất theo tổ hợp tác, hợp tác xã, liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Bắc Giang phấn đấu đến năm 2025, giá trị cây ăn quả của tỉnh đạt trên 10.000 tỷ đồng, nằm trong Top 3 tỉnh có giá trị cây ăn quả lớn nhất toàn quốc.

Đồng thời, phát triển vùng sản xuất cây ăn quả huyện Lục Ngạn của tỉnh thành vùng trọng điểm cấp quốc gia. Tổng diện tích cây ăn quả của tỉnh đạt 53.500 ha; trong đó, có 26.875 ha sản xuất thành vùng tập trung được sản xuất 100% theo tiêu chuẩn an toàn VietGAP.

Tỉnh cũng tập trung phát triển sản xuất các loại cây ăn quả chủ lực, tiềm năng lợi thế của tỉnh, gồm: vải, nhãn, cam, bưởi, na, táo, ổi. Cùng đó, quan tâm mở rộng vùng sản xuất cây ăn quả đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu, nhất là các thị trường cao cấp như: Nhật Bản, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Australia, Hàn Quốc...

Thực hiện đề án, tỉnh Bắc Giang sẽ chuẩn hóa quy trình sản xuất cây ăn quả an toàn bền vững; xây dựng vùng sản xuất cây ăn quả đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, hữu cơ; truy xuất nguồn gốc gắn với số hóa vùng sản xuất; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất; sơ chế, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện hỗ trợ mô hình sản xuất đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, hữu cơ; hỗ trợ cấp mới mã số, số hóa vùng trồng; hỗ trợ sơ chế, bảo quản sản phẩm; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ tập huấn sản xuất theo quy trình VietGAP cho các vùng sản xuất tập trung; hỗ trợ sử dụng máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật; hỗ trợ thành lập mới 20 hợp tác xã gắn với vùng sản xuất cây ăn quả tập trung…

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp với các địa phương lựa chọn vùng sản xuất đáp ứng các tiêu chí, điều kiện sản xuất; hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện các nội dung của đề án.

Sở Công Thương tỉnh phối hợp với UBND các huyện chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc chế biến, tiêu thụ quả; lồng ghép các chương trình nhằm hỗ trợ các vùng sản xuất quảng bá, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm, kết nối cung cầu và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm quả sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, sản xuất an toàn bền vững…

Thời gian qua, tỉnh Bắc Giang đã phát huy tốt lợi thế đặc thù về điều kiện địa hình đa dạng, khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi của vùng trung du, miền núi để phát triển ngành nông nghiệp; trong đó có phát triển sản xuất cây ăn quả.

Tỉnh đã từng bước quy hoạch lại các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, gắn với đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất. Đến nay, Bắc Giang đã quy hoạch, phát triển vùng trồng cây ăn quả tập trung với tổng diện tích trên 50.000 ha, đứng thứ 4 toàn quốc; trong đó, vùng sản xuất vải thiều tập trung với quy mô trên 28.000 ha, sản lượng đạt từ 160.000 - 190.000 tấn/năm, lớn nhất cả nước; diện tích cây có múi đạt trên 10.000 ha (cây cam với diện tích 5.100 ha, đứng thứ 7 toàn quốc; cây bưởi với diện tích 5.180 ha, đứng thứ 5 toàn quốc).

Sản xuất cây ăn quả đã đem lại nguồn thu nhập ngày càng cao cho người dân của tỉnh Bắc Giang. Doanh thu từ quả vải thiều của tỉnh niên vụ năm 2021 vừa qua đạt trên 6.800 tỷ đồng, tăng trên 2.400 tỷ đồng so với năm 2015. Thu nhập từ cây có múi của tỉnh đạt trên 1.400 tỷ đồng/năm trong những năm gần đây.

Riêng sản phẩm chủ lực của tỉnh Bắc Giang là vải thiều đến nay đã được tiêu thụ thuận lợi tại thị trường trong nước và xuất khẩu đến hơn 30 quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, trong vụ thu hoạch năm 2021, vải thiều tươi của Bắc Giang đã vượt qua quy trình kiểm soát nghiêm ngặt để lần đầu tiên xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Nhật Bản.

Việt Hùng (TTXVN)
Mở rộng diện tích cây ăn quả trên vùng Đồng Tháp Mười
Mở rộng diện tích cây ăn quả trên vùng Đồng Tháp Mười

Huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang đã mở rộng diện tích trồng các loại cây ăn quả lên 17.700 ha, cho sản lượng mỗi năm trên 300.000 tấn quả với nhiều chủng loại có giá trị như dứa, dừa, thanh long, chanh, cây ăn quả có múi…, mang lại thu nhập khá cho người dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN