Theo Cục trồng trọt, trong những năm gần đây sản xuất cây ăn quả nước ta có bước phát triển khá toàn diện, liên tục tăng trưởng cả về diện tích, năng suất, sản lượng, góp phần tích cực vào tăng trưởng ngành nông nghiệp, tạo thu nhập cho nông dân tại nhiều địa phương trong cả nước.
Với định hướng phát triển sản xuất cây ăn quả chất lượng, an toàn phục vụ nội tiêu và xuất khẩu, hiệu quả cao, bền vững, Cục Trồng trọt phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) và các chuyên gia kỹ thuật Việt Nam trong các lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật và quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm biên soạn Sổ tay hướng dẫn kỹ thuật canh tác theo VietGAP cho 10 loại cây ăn quả chủ lực.
Các sổ tay được xin ý kiến chuyên gia tại một số trường đại học, viện nghiên cứu; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông/dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp, hợp tác xã/hộ nông dân giỏi tại một số vùng sản xuất cây ăn quả chủ lực, tập trung để hoàn thiện. Cục Trồng trọt cũng đã tổ chức Hội đồng Khoa học công nghệ thẩm định bộ tài liệu để đảm bảo điều kiện phục vụ sản xuất.
Với Sổ tay hướng dẫn kỹ thuật canh tác theo VietGAP cho các cây chuối, xoài, dứa, thanh long, sầu riêng, cam, bưởi, nhãn, vải, chôm chôm, các địa phương vận dụng trong đào tạo, phổ biến, hướng dẫn thực hành sản xuất trái cây an toàn trên địa bàn; đồng thời giúp giảm chi phí đầu vào, tăng chất lượng sản phảm, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Diện tích cây ăn quả cả nước và các vùng, miền có xu hướng liên tục tăng trong những năm gần đây. Tổng diện tích cây ăn quả đạt trên 1.170 nghìn ha, tăng hơn 40 nghìn ha so năm 2020. Tổng sản lượng quả các loại ước đạt gần 12 triệu tấn.
Chuối có diện tích lớn nhất với khoảng 151,8 nghìn ha; xoài 111,8 nghìn ha; bưởi 105,8 nghìn ha; cam, nhãn, vải, thanh long, sầu riêng, mít có từ 50.000 - 100.000 ha mỗi loại; dứa, chanh, chôm chôm, na/mãng cầu, quýt, ổi, bơ có từ 20.000 - 50.000 ha mỗi loại.