Phát huy nội lực của đồng bào dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế

Những năm qua, tỉnh Hậu Giang đã thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc và các chương trình mục tiêu quốc gia. Bên cạnh đó, với sự nỗ lực vươn lên, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh ngày càng có bước chuyển biến tích cực.

Chú thích ảnh
Nhiều đồng bào Khmer tỉnh Hậu Giang thoát nghèo, vươn lên khá giả nhờ mô hình nuôi lươn không bùn.

Trước năm 2015, hộ ông Lý Ni (Ấp 5, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ) nằm trong diện hộ nghèo. Từ năm 2015, được sự hỗ trợ vốn từ địa phương và nỗ lực học hỏi kinh nghiệm, gia đình ông bắt đầu gây dựng đàn heo. Sau xuất chuồng, trừ chi phí, mỗi năm gia đình thu về khoảng 80 - 90 triệu đồng. Không dừng lại ở đó, năm 2019, ông đầu tư nuôi lươn và làm thuê khi có thời gian rảnh. Nhờ đó, gia đình đã thoát nghèo, vươn lên khá giả.

Ông Ni chia sẻ, khoảng 3 năm nay, từ việc nuôi heo, lươn và làm thuê, mỗi năm, gia đình ông thu nhập khoảng 150 triệu đồng. Sắp tới, ông sẽ mở rộng diện tích nuôi lươn để tăng thu nhập gia đình. Theo ông Ni, việc thoát nghèo đối với những hộ ít đất, thiếu vốn không phải dễ nhưng cũng không phải không làm được, ngoài sự hỗ trợ từ chính sách, phải có sự quyết tâm, chịu khó quan sát, học hỏi và chọn lọc từ các mô hình hay để đem lại hiệu quả phù hợp.

Tương tự, gia đình ông Danh Xuân (Ấp 5, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ) có diện tích đất canh tác trên 1.000m2 nhưng do thiếu vốn sản xuất nên hơn 15 năm trước, ông chủ yếu đi làm thuê, thu nhập không ổn định. Được hỗ trợ vốn, năm 2010, ông mạnh dạn chuyển sang nuôi heo, thu nhập ổn định hơn, mỗi năm có lợi nhuận trên 100 triệu đồng.

Chú thích ảnh
Mô hình nuôi lợn giúp cho đồng bào Khmer thoát nghèo, vươn lên khá giả.

Ông Xuân cho rằng, để cải thiện đời sống từ nông nghiệp, ngoài vốn hỗ trợ, kinh nghiệm, còn phải áp dụng tiến bộ khoa học, không ngừng tự học hỏi và nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Từ đó, hạn chế những rủi ro do dịch bệnh, được mùa, mất giá. Đến đầu năm 2024, ông tiếp tục thả nuôi ba ba. Dự kiến, với giá ba ba thịt ngoài thị trường hiện nay gần 200.000 đồng/kg, khoảng 1 năm nữa, khi xuất bán ông sẽ có lợi nhuận.

Huyện Long Mỹ có trên 2.400 hộ dân tộc thiểu số với trên 9.620 nhân khẩu. Trong đó, dân tộc Khmer là trên 9.060 người, dân tộc Hoa là trên 550 người. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền huyện Long Mỹ luôn quan tâm thực hiện công tác dân tộc trên nhiều lĩnh vực, nhờ vậy đời sống của đồng bào thay đổi tích cực.

Chú thích ảnh
Mô hình nuôi ba ba giúp cho đồng bào Khmer, thoát nghèo, vươn lên khá giả.

Ông Đặng Hoàng Vũ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Long Mỹ cho biết, từ năm 2022 - 2024, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện đã hỗ trợ đầu tư nước sinh hoạt; hỗ trợ hộ nghèo xây dựng mô hình sinh kế; xây dựng nhà; chăm lo các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục trong đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ giải quyết việc làm với kinh phí 56 tỷ đồng. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn là 18,65%, giảm 8,94% so với năm 2019. Sắp tới, huyện phấn đấu mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc từ 2,5% trở lên.

Tỉnh Hậu Giang hiện có 15 dân tộc thiểu số với trên 8.800 hộ, 33.450 người. Qua việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đã góp phần giúp cho hộ nghèo, cận nghèo nói chung và hộ nghèo, cận nghèo đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng từng bước cải thiện đời sống, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Trong giai đoạn 2019 - 2024, tỉnh đã xây dựng 135 mô hình kinh tế cho trên 2.260 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia; trong đó, có khoảng 150 hộ nghèo dân tộc thiểu số với kinh phí 59 tỷ đồng. Toàn tỉnh cho vay nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho 697 lượt hộ dân tộc thiểu số để phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, với tổng số tiền trên 27,6 tỷ đồng; đào tạo nghề cho 1.805 lao động người dân tộc thiểu số.

Đến nay, hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số toàn tỉnh còn 948 hộ, chiếm 10,7% hộ đồng bào dân tộc thiểu số, 14,34% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh; hộ cận nghèo còn trên 500 hộ, chiếm tỷ lệ tương ứng là 6,2% và 7,48%. So với năm 2019, tính trong hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo giảm 41,3%, hộ cận nghèo giảm 23,63%.

Theo ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, thời gian tới, tỉnh tiếp tục ưu tiên huy động, lồng ghép các nguồn đầu tư phát triển kết cấu kinh tế - xã hội, bảo đảm các hộ gia đình dân tộc thiểu số được sử dụng điện lưới quốc gia, tiếp cận công nghệ thông tin, chuyển đổi số phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt. Tỉnh phát huy nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường.

Tỉnh triển khai tốt các chính sách ưu đãi tín dụng, tạo điều kiện cho các đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số được tiếp cận các nguồn vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế; nâng cao chất lượng, hiệu quả chương trình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm và nhu cầu thị trường lao động cho thanh niên dân tộc thiểu số; đào tạo lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả.

Bài và ảnh: Hồng Thái (TTXVN)
Hậu Giang: Hơn 10 tỷ đồng tài trợ xóa nhà tạm, dột nát
Hậu Giang: Hơn 10 tỷ đồng tài trợ xóa nhà tạm, dột nát

Ngày 31/10, tại Kỳ họp thứ 22 (Kỳ họp chuyên đề) Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026, các đại biểu, doanh nghiệp tham dự đã ủng hộ, tài trợ hơn 10 tỷ đồng cho Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát tại tỉnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN