Đoàn công tác của UBND thành phố Vị Thanh gửi đến chư tăng chùa Sasana Răngsây, Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Hậu Giang cùng toàn thể đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Lãnh đạo tỉnh ghi nhận và cảm ơn sự đồng hành, đóng góp của đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có đồng bào Khmer đối với sự phát triển của tỉnh trong hơn 20 năm qua; đồng thời, thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến Hội đoàn kết sư sãi yêu nước cùng đồng bào Khmer trên địa bàn.
Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang cho biết: Sau hơn 20 năm xây dựng, tỉnh Hậu Giang có nhiều bước phát triển đột phá trên tất cả các lĩnh vực, đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên, diện mạo tỉnh có nhiều thay đổi, hạ tầng giao thông đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân, hạ tầng thủy lợi đảm bảo sản xuất. Các chính sách an sinh, xã hội luôn được chính quyền các cấp quan tâm, thực hiện. Riêng năm 2024, tỉnh Hậu Giang đã kêu gọi xã hội hóa để đầu tư trên 1.400 căn nhà đại đoàn kết cho người dân gặp khó khăn về nhà ở... Với những kết quả đạt được, ngoài sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, còn có sự đóng góp quý báu của cộng đồng doanh nghiệp, người dân, trong đó có đồng bào các dân tộc thiểu số, đặc biệt là đồng bào Khmer sinh sống trên địa bàn tỉnh.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang thông tin, thời gian tới, tỉnh tập trung hoàn thành các chỉ tiêu của cả nhiệm kỳ; đặc biệt, chỉ đạo triển khai Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050; tạo bước đột phá, phấn đấu đến năm 2030 Hậu Giang trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Lãnh đạo tỉnh mong rằng, đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục đồng hành cùng chính quyền các cấp thực hiện thắng lợi quy hoạch của tỉnh, xây dựng tỉnh Hậu Giang phát triển nhanh, bền vững trên tất cả các lĩnh vực.
Đại đức Danh Tuấn, Hội trưởng Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Hậu Giang cảm ơn lãnh đạo tỉnh và đoàn công tác dành nhiều sự quan tâm đến các tự viện và đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh trong những năm qua. Thời gian tới, Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Hậu Giang, trụ trì các tự viện sẽ tiếp tục tuyên truyền, nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào Khmer trên địa bàn sống tốt đời, đẹp đạo.
Tỉnh Hậu Giang có trên 23.000 đồng bào dân tộc Khmer, nhờ hiệu quả mang lại từ các Chương trình 134 (Chương trình hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn), Chương trình 135 (Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi) và các Chương trình mục tiêu quốc gia, đời sống đồng bào Khmer phát triển tốt. Tỷ lệ đồng bào Khmer sinh sống ổn định trên địa bàn đạt 98%. Hầu hết đồng bào đều biết đọc, biết viết, nói thông thạo tiếng Việt; chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; sống gần gũi, đoàn kết, giúp đỡ nhau, giữ mối liên hệ gắn bó với đồng bào người Kinh, người Hoa và các dân tộc khác.