Phát huy giá trị văn hóa độc đáo và riêng có của vùng Tây Bắc

Triển khai Dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Hoàng Su Phì đã thực hiện phát huy giá trị văn hóa độc đáo và riêng có để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng

 

Nằm ở phía Tây tỉnh Hà Giang, Hoàng Su Phì có đặc trưng địa lý là vùng núi đất, địa hình bị chia cắt mạnh. Đây cũng là nơi sinh sống lâu đời của đồng bào các dân tộc Dao, La Chí, Tày, Nùng, Mông…Thời tiết khí hậu khắc nghiệt, nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu kinh tế, đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn…

Độc đáo và riêng có

Chính từ những khó khăn đó đã sản sinh ra những nét văn hóa truyền thống độc đáo và phong phú, được người dân nơi đây nuôi dưỡng, bảo tồn và phát huy trong suốt quá trình tồn tại và phát triển của cộng đồng nhân dân các dân tộc huyện Hoàng Su Phì.

Một trong những giá trị văn hóa đó là danh thắng ruộng bậc thang trải đều ở 24 xã, thị trấn với tổng diện tích trên 9.000 ha đã được cộng đồng các dân tộc trong huyện tôn tạo phát triển qua hàng trăm năm, trong đó có 674,9 ha tại 11 xã đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Danh thắng Quốc gia.

Chú thích ảnh
Những thửa ruộng bậc thang như những thảm lụa vàng. Ảnh: Nam Thái/TTXVN

Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì là một sự sáng tạo phi thường về văn hóa thể hiện tính thích ứng của con người với môi trường vùng núi. Đây là hình thức canh tác phù hợp với điều kiện tự nhiên đồi núi đất của huyện Hoàng Su Phì. Bằng bàn tay tài hoa và khối óc sáng tạo của mình, đồng bào đã vẽ nên một bức tranh khổng lồ đầy màu sắc, một công trình kiến trúc vĩ đại, đủ sức làm say lòng bất cứ ai khi đến với vùng đất này.

Những giá trị văn hóa độc đáo và riêng có của danh thắng Quốc gia ruộng bậc thang đã mở ra nhiều cơ hội trong việc khai thác tiềm năng du lịch. Hình ảnh những thửa ruộng bậc thang trải dài, cao vút lên chín tầng mây là sự khẳng định, đánh dấu sức lao động bền bỉ, sự sáng tạo trong lao động của cộng đồng các dân tộc tỉnh Hà Giang. Phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng canh tác ruộng bậc thang đã góp phần ổn định lương thực, xuất khẩu hàng hóa và ngày nay, tỉnh Hà Giang đã gắn với đó để phát triển du lịch.

Đây là hướng đi đúng góp phần cải thiện đời sống đồng bào, mở rộng hợp tác, rút ngắn khoảng cách giữa tỉnh miền núi với miền xuôi, hòa mình vào thế giới rộng lớn để khẳng định mình, tôn vinh giá trị văn hóa độc đáo của mình.

Quảng bá tiềm năng du lịch của địa phương

Đến với Hoàng Su Phì những ngày này, du khách có cơ hội tham gia các hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện có nội dung phong phú cùng nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn như: Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông toàn huyện lần thứ III, Ngày hội Bản em tại xã Bản Phùng, Ngày hội bản Dao, Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao, trình diễn Lễ cúng cơm mới của dân tộc Dao. Đặc biệt, tour du lịch tham quan, trải nghiệm ruộng bậc thang, bắt cá chép ruộng tại đồi mâm xôi... hứa hẹn mang lại những trải nghiệm, ấn tượng tốt đẹp cho du khách.

Chú thích ảnh
Bộ đội Biên phòng giúp dân gặt lúa. Ảnh: Nam Thái/TTXVN

Điểm nhấn của Chương trình du lịch “Qua những miền di sản ruộng bậc thang” Hoàng Su Phì năm nay là các xã vùng trọng điểm du lịch của huyện đều tổ chức các sự kiện, tour du lịch tham quan, trải nghiệm ruộng bậc thang, làng nghề truyền thống, trình diễn lễ hội.

Chương trình du lịch “Qua những miền di sản ruộng bậc thang” Hoàng Su Phì được tổ chức định kỳ hàng năm, gắn với mùa lúa chín cùng nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch độc đáo. Chương trình giới thiệu những giá trị văn hóa, cảnh quan thiên nhiên và tiềm năng du lịch tới đông đảo du khách.

Việc tổ chức hoạt động văn hóa đặc sắc này nhằm cụ thể hóa Nghị quyết của Quốc hộ về Đề án tổng thể, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Hà Giang, góp phần quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh du lịch của địa phương. Đồng thời, thu hút đông đảo du khách đến với Hà Giang, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.

PV
Yên Bái: Định vị thương hiệu trên bản đồ du lịch Tây Bắc
Yên Bái: Định vị thương hiệu trên bản đồ du lịch Tây Bắc

Với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Yên Bái đã ban hành các cơ chế, chính sách và đề án phát triển du lịch để biến tiềm năng thành kết quả cụ thể. Từ đó, tỉnh không chỉ là điểm đến có tính hấp dẫn cao mà còn là nơi “hội tụ sắc màu Tây Bắc”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN