Người dân vùng biên Thanh Hóa giảm nghèo nhờ trồng luồng, vầu

Tỉnh Thanh hóa đang triển khai các giải pháp, cùng chính sách hỗ trợ, giao đất rừng cho người dân canh tác trồng cây luồng, cây vầu trên diện tích hàng chục nghìn ha và vận động người dân trồng rừng gắn với phát triển mô hình sinh kế. Nhờ triển khai hiệu quả các giải pháp, cùng chính sách hỗ trợ, nên diện tích rừng luồng, vầu trồng thâm canh trên địa bàn tỉnh những năm gần đây tăng nhanh, góp phần xóa đói giảm nghèo tại khu vực miền núi còn nhiều khó khăn.

Chú thích ảnh
Ông Hà Văn Hinh (trái), bản Hậu, xã Tam Lư, huyện biên giới Quan Sơn thu nhập 100 triệu đồng/năm từ 3 ha luồng, 2 ha vầu, keo, kết hợp chăn nuôi; trong đó tính riêng mình luồng đạt khoảng 50 - 60 triệu đồng/năm.

Tại huyện biên giới Quan Sơn, kể từ khi đưa cây vầu vào trồng thâm canh từ năm 2013 đến nay, cây vầu đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân. Cùng với các giải pháp phục tráng, phát triển diện tích rừng vầu, vào năm 2018, huyện Quan Sơn được hỗ trợ dự án phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị tre do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ, được thực hiện bởi Trung tâm nghiên cứu lâm sản ngoài gỗ, thực hiện tại 3 xã Sơn Điện, Mường Mìn, thị trấn Sơn Lư.

Đến nay, dự án đã thành lập 10 tổ nhóm nông dân sản xuất quy mô 300 hộ thành viên tham gia, tổ chức được 14 khóa tập huấn về kỹ năng hoạt động tập thể, lập kế hoạch, vận hành nhóm, kỹ thuật theo tiêu chuẩn rừng FSC cho 500 lượt học viên. Xây dựng mô hình thí điểm thành chuỗi giá trị tại xã Sơn Điện gồm 1 mô hình vườn ươm, 1 mô hình phục tráng khai thác, chế biến vầu đang mang hiệu quả cho dân, đến nay năng suất cây vầu tăng 60 % so với trước. Hiện huyện đã kêu gọi được Công ty Eco Bamboo vào hợp đồng mua bán trực tiếp với người dân.

Là người đi đầu trong huyện về việc trồng cây Vầu, ông Vi Văn Piên, xã Tam Lư cho biết đã trồng cây Vầu từ năm 2013, khi bắt đầu trồng cây vầu gia đình được UBND xã Tam Lư hỗ trợ phân bón từ chương trình phục tráng rừng, cũng như chuyển giao khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất. Đến năm 2018, toàn bộ diện tích rừng Vầu của ông đã được cấp chứng chỉ rừng FSC, hiện rừng đáng phát triển rất tốt. So với ngày trước, một diện tích thu hoạch từ 75 - 80 triệu đồng thì giờ đây là 100 triệu đồng. Hiện, tổng diện tích đất rừng của ông Piên là 7 ha. Nhờ trồng cây vầu, luồng mà gia đình ông Vi Văn Piên đã vươn lên thoát nghèo.

Ông Trương Trọng Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn cho biết, huyện đã hỗ trợ mô hình trồng cây vầu và luồng cho 500 hộ dân để được cấp chứng chỉ theo tiêu chuẩn FSC, khi đạt tiêu chuẩn  FSC sẽ có rất nhiều doanh nghiệp vào mua sản phẩm. UBND huyện Quan Sơn sẽ hoàn thiện, phấn đấu sẽ có thêm 3.000 ha luồng, vầu được cấp chứng chỉ FSC để nâng cao thu nhập cho người dân.

Ngoài cây vầu, cây luồng cũng đang mang lại thu nhập kinh tế cao cho người dân miền núi tỉnh Thanh Hoá. Tại huyện biên giới Quan Hoá, có diện tích rừng luồng lớn nhất tỉnh với 27.000 ha rừng luồng, để phát triển vùng nguyên liệu cây luồng, UBND huyện Quan Hóa đã triển khai mô hình trồng thâm canh, phục tráng rừng luồng kết hợp trồng rừng sản xuất theo tiêu chuẩn FSC, huy động nguồn xã hội tăng cường thâm canh, phục tráng rừng luồng để nâng cao hiệu quả kinh tế cho nhân dân.

Cùng đó, huyện Quan Hóa cũng kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư quy mô lớn, liên kết đầu tư tài chính, kỹ thuật để người dân được bao tiêu sản phẩm và yên tâm sản xuất. Đến nay, toàn huyện đã có hơn 2.300 ha diện tích rừng luồng được cấp chứng chỉ FSC. Nhờ đó, giá bán của cây luồng tăng lên 10% so với trước, giúp cho cây luồng đứng vững trên thị trường.

Chú thích ảnh
Một cơ sở sản xuất đũa từ nguyên liệu tre, luồng tại xã Tam Lư, huyện biên giới Quan Sơn.

Chị Trần Thị Lan, Quản lý Hợp tác xã chế biến lâm sản Hợp Phát, huyện Quan Hoá cho hay: “Ngành nghề của Hợp tác xã là làm giấy, vàng mã, nguyên liệu chính để sản xuất là cây luồng, vì vậy hợp tác xã đã thu mua cây luồng của các hộ dân quanh vùng để chế biến, làm ra giấy vàng mã, có thời điểm chúng tôi mua cây luồng của người dân với gia dao động từ1.400 - 1.500 đồng/kg luồng. Bên cạnh đó, hợp tác xã đã bao tiêu sản phẩm cây luồng cho người dân địa phương, khi sản xuất ra sản phẩm hợp tác xã xuất bán trên toàn quốc và xuất khẩu ra nước ngoài”.

Nói về hướng phát triển cây luồng trong thời gian tới, ông Nguyễn Đức Dũng, Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa khẳng định: "Chúng tôi sẽ tập chung kêu gọi đầu tư các doanh nghiệp lớn vào địa bàn để tiêu thụ sản phẩm luồng rộng hơn, hướng tới sản phẩm được chế biến sâu hơn nữa, Trước đây, người dân địa bàn chế biến sản phẩm từ cây luồng bằng cách thô sơ, nhưng giờ chế biến sâu hơn nữa để sản xuất ra những sản phẩm từ tre, luồng tốt nhất, phấn đấu đưa sản phẩm từ cây luồng được xuất khẩu rộng ra nước ngoài”.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, tỉnh có hơn 648.370 ha có rừng; trong đó, tổng diện tích rừng luồng trên địa bàn là 72.668 ha, diện tích rừng Vầu là 9.500 ha. Tổng diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC là hơn 25.394 ha tại 7 huyện Thạch Thành, Quan Sơn, Quan Hóa, Lang Chánh, Thường Xuân, Vĩnh Lộc, Cẩm Thủy với sự tham gia của 4.136 hộ trồng rừng, từ đó hình thành 6 chuỗi liên kết giữa chủ rừng với các nhà máy chế biến.

Tính đến nay, tổng diện tích cây luồng được cấp chứng chỉ FSC là 3.821 ha, rừng vầu được cấp FSC là 1.735 ha. Nhờ được cấp chứng chỉ FCS, cũng như phát triển mô hình sinh kế, nhiều hộ dân miền núi đã vươn lên thoát nghèo nhờ trồng cây vầu và cây luồng.

Bài và ảnh: Nguyễn Nam (TTXVN)
Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo
Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo

Trong hai ngày 19 - 20/12, tại Bình Thuận, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 cho cán bộ Mặt trận khu vực các tỉnh, thành phố phía Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN