Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe báo cáo viên giới thiệu tổng quan Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; những điểm mới về lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân về xây dựng nông thôn mới; hướng dẫn lấy ý kiến sự hài lòng của người dân bằng công nghệ số; giới thiệu tổng quan về Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; Giới thiệu về dự án nhân rộng mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị trong lĩnh vực nông nghiệp…
Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai từ năm 2008 đến nay, Chương trình đã mang lại hiệu quả thiết thực, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân ở nông thôn. Tính đến năm 2022, cả nước có 5.775/8.227 xã (70,2%) đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có 764 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 83 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; bình quân cả nước đạt 17 tiêu chí/xã. 250 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm khoảng 38,8% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước.
Khai mạc Hội nghị, bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh, sau hơn 12 năm triển khai thực hiện, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đã tác động to lớn đến đời sống xã hội, góp phần nâng cao đời sống nhân dân ở khu vực nông thôn. Hệ thống Mặt trận đã bám sát các chủ trương, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới cụ thể hóa trong thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; bước đầu thực hiện có hiệu quả công tác giám sát, phản biện xây dựng nông thôn mới, nhất là giám sát thông qua việc lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, điểm nổi bật trong công tác xây dựng nông thôn mới thời gian qua là Mặt trận và các tổ chức thành viên đã thể hiện sâu sắc vai trò đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong các hoạt động giám sát thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp ý các dự thảo văn bản, quy trình, trình tự công nhận đánh giá kết quả thực hiện tiêu chí nông thôn mới trước khi ban hành... Đặc biệt, thông qua việc tổ chức lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới đã góp phần khẳng định vai trò, trách nhiệm của Mặt trận trong hệ thống chính trị, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới…
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nhìn nhận một số hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình nông thôn mới như: Nhận thức về xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương còn hạn chế, chưa phát huy được nội lực và sự sáng tạo của người dân ở khu vực nông thôn. Một số nơi còn có tình trạng trông chờ vào sự đầu tư, hỗ trợ của nhà nước, chưa phát huy được sự tham gia của cộng đồng. Công tác hiệp thương giữa Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới vẫn chưa rõ ràng, còn chồng chéo... Công tác giám sát xây dựng nông thôn mới nhất là việc giám sát thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng, giám sát sử dụng nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới còn hạn chế.
Bên cạnh đó, việc triển khai dự án giảm nghèo còn mới đối với hệ thống Mặt trận, do đó cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chưa có kinh nghiệm trong việc triển khai, quản lý các dự án tại địa phương. Các văn bản hướng dẫn triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 của các cơ quan chức năng ở Trung ương còn chậm, gây lúng túng, khó khăn cho cán bộ triển khai. Phần lớn các đối tượng tham gia dự án là các hộ gia đình nghèo, thiếu tư liệu, kinh nghiệm sản xuất. Kinh phí hỗ trợ cho các hộ gia đình còn thấp (tối đa không quá 15 triệu đồng) nên hiệu quả giảm nghèo chậm, không cao.
Trong khuôn khổ chương trình tập huấn, các đại biểu đã được đi thực tế tham quan mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao tại Bình Thuận.